Rất nhiều câu hỏi liên quan đến công tác cán bộ được cử tri gửi tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc tiếp xúc với các cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ cuối tuần qua. Khẳng định với cử tri, những sự rối rắm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ sẽ được bàn thảo để có giải pháp căn cơ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Trung ương đã ấn định một cuộc họp chuyên đề để bắt bệnh, tìm thuốc đặc trị cho bệnh bổ nhiệm “nhầm” cán bộ, bệnh phình biên chế gây bức xúc trong dư luận thời gian qua.
Tranh minh họa.
Phản ánh với Tổng Bí thư về nỗi bức xúc của nhân dân trước sự bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ thời gian qua cử tri Phạm Viên cho hay, việc sắp xếp bổ nhiệm cán bộ ở một số địa phương như Hải Dương, Thanh Hoá, Thái Nguyên... có nhiều vấn đề phức tạp đã làm giảm lòng tin của người dân. “Cần tiếp tục xem xét có còn tỉnh nào nữa không, nếu đề bạt sai thì thu hồi quyết định và kỷ luật cán bộ để xảy ra tình trạng đó” tránh để bức xúc trong nhân dân. Một nỗi ưu tư lớn của các cử tri theo ông Phạm Viên, đó chính là công cuộc tinh giản biên chế cảm giác làm mạnh nhưng kết quả thu về chẳng là bao. Đội ngũ cán bộ đông mà không tinh khiến hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước giảm, là một trong những lý do trực tiếp liên quan đến sự thoái hóa, biến chất của cán bộ thời gian qua.
Vấn nạn bổ nhiệm “nhầm” người trở nên bức xúc hơn bao giờ hết khi mà mới đây, các đoàn giám sát của Quốc hội với các bộ ngành, địa phương về cải cách bộ máy hành chính càng thấy nhiều bất cập trong đội ngũ công chức ở không ít cơ quan, đơn vị. Hiện Bộ Giao thông -Vận tải có 22 cơ quan hành chính với một tổng cục, 12 vụ - văn phòng, 7 cục và 27 đơn vị sự nghiệp, tăng thêm 2 cơ quan hành chính và 6 đơn vị sư nghiệp so với nhiệm kỳ trước đồng thời tỉ lệ lãnh đạo - nhân viên của một số đơn vị thuộc Bộ rất đáng để bàn. Chẳng hạn, ít thì như Vụ Pháp chế có 6 lãnh đạo, 8 chuyên viên, nhiều thì như Thanh tra của Bộ có 20 lãnh đạo trong khi chỉ có 18 chuyên viên và người lao động. Giật mình hơn là Cục Quản lý xây dựng đường bộ, lãnh đạo đông gần gấp đôi nhân viên (28/15)!
Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng trong tình cảnh tương tự gồm 23 cơ quan hành chính, với 15 vụ, văn phòng thanh tra, cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh, 56 đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ và 1 DNNN, 14 ban quản lý các dự án giáo dục. “Đại bản doanh” của bộ có tới 504 người chưa kể lao động hợp đồng hơn 100 người nâng tổng số cán bộ ở đây là trên 600 người. Bộ nào cũng có đội ngũ nhân sự “hùng hậu”như vậy, thử hỏi ngân sách nào trả nổi?
Các địa phương cũng có quá nhiều lùm xùm trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Gần đây nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu UBND tỉnh Thái Nguyên, Bộ Nội vụ khẩn trương kiểm tra, làm rõ thông tin Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên bổ nhiệm “thừa” 23 cán bộ. Rồi câu chuyện ở tỉnh Hải Dương, một sở với 46 biên chế mà đã có tới 44 người làm lãnh đạo cấp phòng trở lên như Sở LĐTB&XH. Thủ tướng đã phải yêu cầu làm rõ vụ việc này.
Đó là bổ nhiệm “nhầm”, bổ nhiệm “thừa” cán bộ, còn kết quả thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế thì sao? Bộ Nội vụ cho biết, có tới 20/22 bộ, ngành (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) đã đề nghị tăng tổ chức bên trong và biên chế. Chỉ có Bộ Công thương và Bộ Nội vụ là xin giảm biên chế. Còn ở các địa phương, từ đầu năm 2016 đến nay đã tăng thêm 13 sở du lịch, mà xuất phát đầu tiên từ TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh... Ông Thái Quang Toản, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Biên chế, Bộ Nội vụ gút lại: “Mặc dù đã có Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Quốc hội, Nghị định 108 của Chính phủ về tinh giản biên chế nhưng có thực trạng, các bộ không đề nghị giảm biên chế mà còn đòi tăng lên”.
Phân tích lý do tại sao sau quyết tâm tinh giản thì hầu như kết quả lại là con số âm, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn cho biết: “Mỗi nhiệm kỳ mỗi đời bộ trưởng lại có một sự thay đổi về số lượng, tên gọi các vụ. Sự thay đổi này chủ yếu theo hướng tăng thêm chia nhỏ chức năng. Cá biệt có lãnh đạo quan niệm rằng bộ có nhiều đầu mối, nhiều đơn vị cấp dưới mới oai, mới thể hiện vị thế của bộ ngành mình”. Điều này dẫn tình trạng phình bộ máy, tăng biên chế, tạo sự thiếu ổn định về tổ chức bộ máy hành chính. Đây là căn bệnh trầm kha khó chữa ở bộ ngành, địa phương”.
Thấu hiểu những mắc mớ trong công tác cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay, những bất cập trong tổ chức bộ máy đã bàn nhiều, kêu nhiều, Trung ương cũng đã nghe nhiều người nói: “Con kiến leo cành đào tách ra rồi lại nhập vào, con kiến leo cành đa nhập vào rồi lại tách ra. Giảm đầu mối bên trong phình ra, giảm cấp phó sinh ra hàm”. Tổng Bí thư khẳng định: Sắp tới có sẽ có Hội nghị Trung ương chuyên bàn vấn đề này”. Sẽ bàn về tổ chức bộ máy, các chức danh bố trí như thế nào... Tổ chức bộ máy thế nào để tránh việc càng gọn đầu mối thì càng phình ra. Chỗ này, chỗ khác phình ra là để đề bạt, rồi dắt díu nhau vào”.
Việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài và không thể không làm nếu muốn nâng cao hiệu lực hiệu quả của bộ máy nhà nước. Rất cần kế sách cho vấn đề trọng đại này, tuy nhiên thời gian qua việc Đảng xử lý nghiêm, không có vùng cấm đối với cán bộ sai phạm, sai phạm dù là đương chức hay nghỉ hưu cũng sẽ bị truy đến cùng chắc chắn gióng hồi chuông cảnh báo với đội ngũ cán bộ không lấy dân làm gốc, không trọng dân, không đặt lợi ích của đất nước lên hàng đầu. Sự nghiêm minh của pháp luật chắc chắn sẽ hạn chế phần nào sự bổ nhiệm ồ ạt cán bộ như thời gian vừa qua. Tất nhiên, công cuộc tinh giản biên chế phải có câu trả lời rõ ràng, không thể hòa cả làng như trước.