Giai đoạn 1964-1975, trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian khổ, giữa lòng đô thị Sài Gòn sục sôi, dưới sự kìm kẹp gắt gao của chính quyền Mỹ và tay sai, đã tồn tại một mạng lưới cơ sở cách mạng bí mật, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Một trong những mắt xích quan trọng của mạng lưới đó chính là Nhà in “Trí Thức Mới” của Ban Trí vận - Mặt trận Khu ủy Sài Gòn-Gia Định.
Đây là nơi những người cán bộ, chiến sĩ cách mạng hăng hái hoạt động, chiến đấu trên chiến trường nội đô ngay trong lòng địch trên một mặt trận đặc biệt: cung cấp các ấn phẩm cách mạng cho các đơn vị, cơ sở cách mạng và trực tiếp đem báo chí cách mạng đến với các tầng lớp nhân dân nhằm khơi dậy, lan tỏa tinh thần yêu nước, đấu tranh giành độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất Tổ quốc.
Nhà in giữa lòng địch
Tập san Trí Thức Mới (diễn đàn của trí thức yêu nước và dân chủ Sài Gòn) ra đời tại chiến khu Củ Chi. Tuy nhiên, việc in ấn và phát hành các ấn phẩm từ căn cứ ra đô thị gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, năm 1965, đồng chí Tạ Bá Tòng, Trưởng ban Trí vận - Mặt trận Khu ủy Sài Gòn-Gia Định đã trực tiếp chỉ đạo tổ chức ngay một cơ sở in ấn bí mật tại số 51/10/12 đường Cao Thắng, Quận 3.
Tại địa điểm này, Tạp chí “Trí Thức Mới” và bản tin “Sài Gòn Vùng Lên” đã được ra đời bằng phương pháp đánh máy, in thủ công trên khuôn lưới có trục lăn. Số lượng ban đầu chỉ vài chục bản, sau đó tăng dần lên hàng trăm, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao. Bản tin “Sài Gòn Vùng Lên”, tiền thân là các bản tin “Trung Lập” và “Quyết Thắng” phát hành định kỳ mỗi tháng hai lần nhằm cung cấp thông tin nhanh chóng và kịp thời về tình hình cách mạng cho các cơ sở nội thành.
Ngoài hai ấn phẩm chủ lực, Nhà in còn in báo “Phụ nữ” và nhiều tài liệu mật khác của Thường vụ Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Mặc dù công việc diễn ra trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm, không có lương nhưng cán bộ nhà in đều hăng hái làm việc dù bất kể là ngày hay đêm. Nguyên tắc bí mật và ý thức cảnh giác luôn được đặt lên hàng đầu, đảm bảo an toàn cho cơ sở và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hoạt động của nhà in không bị địch phát hiện, nhưng do căn nhà thuê không đủ điều kiện để mở rộng quy mô in ấn, hơn nữa lại nằm sát cạnh cơ sở của Ban Phụ vận Thành ủy, nên đến năm 1967, Nhà in được quyết định chuyển về địa điểm mới tại đường Nguyễn Trãi, quận 5.
Địa điểm thứ hai của Nhà in “Trí Thức Mới” được đặt tại số 159/5F đường Nguyễn Trãi, Quận 5. Đây là căn nhà của ông bà Phạm Vĩnh Trấn- một cơ sở cách mạng trung kiên. Ông bà sở hữu hai căn nhà gần nhau, một là nơi gia đình ông bà ở (số 157D/310, nay là 159/4 Nguyễn Trãi), căn còn lại (số 159/5F) được ông bà giao cho tổ chức cách mạng dưới hình thức bán lại cho gia đình đồng chí Nguyễn Văn Quới (Ba Minh) và vợ là chị Trần Kim Thảo để ở nhưng với mục đích bí mật xây dựng hầm chứa tài liệu và in ấn.
Từ giữa năm 1966, gia đình đồng chí Nguyễn Văn Quới đã chuyển hộ khẩu về căn nhà này. Để chuẩn bị cho việc in ấn bằng kỹ thuật mới, đồng chí Nguyễn Văn Quới và đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Lành đã được cử đi học sắp chữ tại nhà in Tân Sinh, một cơ sở in ấn hợp pháp. Đồng chí Từ Thành Mỹ cũng được bố trí chuyển từ cơ sở in số 1 về đây. Các cán bộ nhà in chủ yếu làm việc vào ban đêm. Ngoài ra, tất cả đều phải nghi trang như trong một gia đình. Buổi sáng đi làm, đi học rồi tìm cách trở về bằng những con hẻm nhỏ vào nhà in tiếp tục công việc. Từ số 5 trở đi, tạp chí “Trí Thức Mới” được in bằng chữ chì theo phương pháp Typo, bản tin “Sài Gòn Vùng Lên” vẫn tiếp tục in roneo với số lượng phát hành ngày càng lớn, cùng với nhiều tài liệu mật khác của Thường vụ Thành ủy Sài Gòn - Gia Định.
Nhằm tăng cường cơ sở vật chất và đảm bảo an toàn hơn, vào năm 1967, đồng chí Tạ Bá Tòng đã chỉ đạo mua thêm căn nhà phía hẻm trước, số 157/1D (nay là 159/1 Nguyễn Trãi). Căn nhà này có phần tường phía sau giáp với nhà của một gia đình quần chúng tốt. Tại đây, một bức tường mới được xây thêm, thu ngắn chiều dài căn nhà, tạo ra một khoảng trống ở giữa để xây dựng hầm bí mật. Đặc biệt, hầm bí mật này được thiết kế thông với hầm bí mật của căn nhà số 159/5F, tạo thành hai hầm liên thông, thuận tiện hơn cho việc in ấn và cất giữ tài liệu. Phía trước căn nhà số 157/1D được cải tạo thành cửa hiệu đại lý “Bột Bích Chi” để làm bình phong. Đồng chí Huỳnh Hồng Châu (Bảy Yến) vừa là người quản lý cửa hàng, vừa phụ trách công tác phát hành tài liệu. Hai đồng chí Đỗ Như Công và Bích Hoàn thường xuyên sử dụng ô tô chở bột Bích Chi từ nơi sản xuất đến đại lý, đồng thời bí mật vận chuyển tài liệu đã được ngụy trang kỹ lưỡng để phân phát trong giới công thương. Ngoài ra, hệ thống phát hành được tổ chức rất linh hoạt, với sự tham gia của nhiều đồng chí đảm nhận việc chuyển tài liệu đến các ngành, các giới khác nhau.
Sau đợt 1 cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), hoạt động của nhà in được tăng cường. Ngoài nhiệm vụ chính là in và trực tiếp tuyên truyền bằng báo chí, truyền đơn các loại cho mọi tầng lớp nhân dân Sài Gòn, các cán bộ nhà in còn tham gia vào nhiệm vụ quan trọng khác là làm giao liên để đưa các nhân sĩ, trí thức yêu nước, các nhân viên trong bộ máy của chính quyền Sài Gòn tán thành quan điểm của Mặt trận vào chiến khu một cách an toàn để chuẩn bị thành lập Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam.
Trong thời gian này, địch theo dõi, lùng sục, bắt giam bất cứ ai mà chúng nghi ngờ hoạt động cách mạng. Mặc dù được nghi trang kỹ lưỡng, thận trọng trong hoạt động nhưng các cán bộ nhà in lần lượt bị địch bắt, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Quới nhưng tất cả đều kiên quyết không khai báo về hoạt động của nhà in. Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc lành được chỉ đạo ở lại bám trụ căn nhà số 159/5F, ngụy trang bằng cách đi học nghề chụp ảnh rồi học văn hóa. Đến năm 1969, theo sự chỉ đạo và sắp xếp của tổ chức, căn nhà phía trước số 157/1D được một cán bộ cách mạng giả làm người dân thường đến mua lại căn nhà và tiến hành sửa chữa trở thành nơi ở hợp pháp của gia đình, đồng thời là nơi hoạt động bí mật của Chi bộ Tư sản-Trí-Tôn giáo vận. Nhà in “Trí Thức Mới” lại được khôi phục hoạt động nhưng chỉ còn lại một mình đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Lành nên tạp chí “Trí Thức Mới” chỉ được đánh máy và quay roneo.
Đến năm 1971, một số đồng chí trong Chi bộ Tư sản-Trí-Tôn giáo vận bị địch theo dõi và bắt giữ. Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Lành đã kịp thời di chuyển một phần thiết bị của nhà in sang địa điểm chuẩn bị tổ chức nhà in thứ ba. Đến năm 1972, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Lành bị bắt. Gia đình bác Phạm Vĩnh Trấn đã tổ chức nuôi gà tại số 159/5F để tạo thêm lớp ngụy trang và nơi đây đã được bảo vệ an toàn cho đến ngày 30/4/1975.
Để chủ động đối phó với mọi tình huống và đảm bảo sự tồn tại lâu dài của Nhà in “Trí Thức Mới”, trước đó, đồng chí Tạ Bá Tòng đã chủ trương giao căn nhà 157/1D phía trước cho lực lượng vũ trang, đồng thời chỉ đạo đồng chí Nguyễn Văn Quới xây dựng căn hầm bí mật thứ ba.
Địa điểm thứ ba của Nhà in được xây dựng tại số 18/2 - 18/3 đường Nguyễn Văn Học, Bình Hòa, Gia Định (nay là số 5/140 Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thạnh). Đây là một căn nhà trong cụm nhà trệt của ông bà nhà văn Thiên Giang (Trần Kim Bảng) - Vân Trang (Nguyễn Thị Trang). Sau khi ông bà thoát ly vào căn cứ để tham gia Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, căn nhà với danh nghĩa cho người quen thuê để ở, phần còn lại xây một căn hầm bí mật nằm giáp vách tường căn nhà phía sau để làm nhà in Trí Thức Mới. Đường vào căn hầm bí mật là một cửa nhỏ xây dưới kệ bếp nấu ăn, được nghi trang bằng tấm đan bê tông khuất sau đống củi. Khi đẩy đống củi, phía trong sẽ lộ ra cửa hầm. Cán bộ nhà in lần lượt thay nhau quỳ gối bò qua chui vào căn hầm bí mật để làm việc.
Với lớp vỏ bọc an toàn này, nhà in bí mật tiếp tục in nhiều tài liệu quan trọng của Ban Trí vận-Mặt trận và Khu ủy Sài Gòn-Gia Định. Công an, mật vụ của địch vẫn theo dõi ráo riết bất kể ngày đêm. Ngày 10/4/1975, đồng chí Trần Kim Thảo, cán bộ nhà in bị bắt. Nhưng cũng như các cán bộ nhà in kiên trung trước đó, đồng chí Trần Kim Thảo giữ vững khí tiết, không để lộ bất kỳ thông tin nào. Cụ bà Lê Thị Chẩn, bà nội của đồng chí Trần Kim Thảo 80 tuổi đã âm thầm bảo vệ ngôi nhà đặc biệt này cho đến ngày chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Biểu tượng của tinh thần đoàn kết và tinh thần kiên trung, bất khuất
Trong suốt thời gian hoạt động tại cả ba địa điểm, Nhà in “Trí Thức Mới” đã in ấn nhiều loại ấn phẩm cách mạng quan trọng, bao gồm tạp chí “Trí Thức Mới”, báo “Trung Lập”, “Quyết Thắng” (sau đổi tên thành “Sài Gòn Vùng Lên”), báo “Cờ Giải Phóng” và nhiều tài liệu học tập của Thường vụ Thành ủy Sài Gòn - Gia Định được phổ biến trong các chi bộ Mặt trận-Trí vận. Nơi đây còn in ấn các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, các thông báo của Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam…
Trong hai năm đầu, việc in ấn chủ yếu được thực hiện thủ công với số lượng hạn chế, chỉ từ vài chục đến 100 bản. Những năm sau đó, khi được trang bị máy móc tốt hơn, số lượng tài liệu in ấn đã tăng lên hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bản, bao gồm các loại truyền đơn lớn nhỏ, thông báo đặc biệt, sách báo, tài liệu, sổ tay, cẩm nang… Địch điên cuồng tìm kiếm nơi in ra ngày càng nhiều truyền đơn, tài liệu, báo chí cách mạng mà chúng thu thập được nhưng đến tận ngày 30/4/1975 nhà in của Ban Trí vận-Mặt trận vẫn là một địa chỉ tuyệt mật không thể biết. Những ấn phẩm này đã góp phần quan trọng vào việc truyền đạt chủ trương, đường lối của Đảng, của Mặt trận, đấu tranh quyết liệt và hiệu quả chống địch trên mặt trận tư tưởng, lý luận và văn hóa, một mặt trận vô cùng quan trọng góp phần to lớn vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Nhà in bí mật của Ban Trí vận-Mặt trận đã ra đời và kiên cường hoạt động giữa lòng đô thị Sài Gòn trong 10 năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian khổ, ác liệt. Đây là một thành tích to lớn, thể hiện sự sáng tạo, mưu trí, và tinh thần kiên cường, quả cảm của những cán bộ, chiến sĩ làm công tác tuyên truyền. Tại cả ba địa điểm của nhà in, đã có trên 10 đồng chí bị địch bắt, bị tù đày, có người đã dũng cảm hy sinh như đồng chí Nguyễn Văn Quới nhưng tất cả đều giữ vững khí tiết, sẵn sàng chịu đựng những trận đòn tra tấn đau đớn, cực hình, sẵn sàng hy sinh tính mạng nhưng quyết bảo vệ đến cùng bí mật của nhà in. Không những thế, hoạt động của nhà in còn ghi dấu đóng góp vô cùng to lớn của những cơ sở cách mạng kiên trung, gia đình quần chúng tốt. Họ đã không quản ngại gian khó, hiểm nguy, sẵn sàng xây dựng, bảo vệ, hậu thuẫn cho nhà in hoạt động, ủng hộ kháng chiến bằng tất cả khả năng, nguồn lực của gia đình, trở thành những tấm khiên vững chắc để che giấu, bảo bọc cán bộ trước sự kiểm soát gắt gao của bộ máy an ninh dày đặc của địch theo dõi ráo riết, lùng sục khắp nơi.
Nhà in “Trí Thức Mới” là minh chứng sinh động cho tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam đã tạo nên sức mạnh vô song vượt qua mọi hiểm nguy, gian khổ để giữ vững ngọn cờ tư tưởng của cách mạng ngay trong lòng địch, góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để lại niềm tự hào và những bài học quý giá về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.