Thời gian qua, cơn sốt ChatGPT - một công cụ AI (trí tuệ nhân tạo) được quan tâm, bàn luận sôi nổi. Với nhiều bạn trẻ, nhất là giới học sinh, sinh viên thì đây thực sự là một trải nghiệm đầy mới mẻ và hấp dẫn.
Kho dữ liệu khổng lồ
Nhật Minh - sinh viên năm thứ 2 khoa Công nghệ Thông tin- Trường ĐH Hà Nội cho biết rất quan tâm đến công cụ ứng dụng công nghệ AI. Em bắt đầu sử dụng Chat GPT- sản phẩm của công ty OpenAI, từ cuối tháng 11/ 2022 ngay sau khi ứng dụng này ra mắt.
Sau một thời gian trải nghiệm Chat GPT, Nhật Minh đánh giá, ChatGPT là "siêu AI" bởi khả năng trả lời câu hỏi, viết văn, làm thơ, dựng kịch bản, soạn nhạc, thiết kế, viết thư, thậm chí có thể lập trình... với tốc độ nhanh và độ chính xác cao. Bên cạnh đó, công cụ này còn có thể cung cấp thông tin đa dạng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: khoa học, lịch sử, địa lý, thể thao…Chương trình hoạt động giống như cuộc hỏi đáp giữa người với người, giúp người dùng có thể tìm kiếm và nhận được thông tin một cách đa dạng hơn.
Theo Nhật Minh, việc hỏi- đáp hàng ngày với ChatGPT giúp em khai thác thêm được nhiều điều thú vị. Kể cả những câu hỏi đời thường nhất em quan tâm như những hỏi đáp về trang phục, tình yêu, triết lý cuộc sống… ChatGPT hồi đáp theo cách tự nhiên nhất.
Với Nguyễn Đức Bình - sinh viên năm 3 ngành Tự động hóa - ĐH Bách Khoa Hà Nội, tìm hiểu kiến thức thông qua Chat GPT là một điều mới mẻ và vô cùng hữu ích. Khi cần tài liệu cho một bài tập về Kỹ thuật lập trình các chip vi điều khiển, vi xử lý, chỉ cần đưa ra câu hỏi trong thời gian ngắn, em đã nhận về được nhiều câu trả lời nhanh chóng. Chưa kể, chương trình này còn viết được cả code, khi thử nhờ gợi ý giúp đoạn code (ngôn ngữ lập trình) mà Bình đang gặp khó, ChatGPT đã trả kết quả chỉ sau vài giây, giúp em sửa lỗi sai nhanh hơn so với những ứng dụng có cùng chức năng và phân tích chi tiết câu lệnh code rất rõ ràng.
Tuy nhiên, cũng theo Đức Bình, các bạn trẻ cần cân nhắc đến những ảnh hưởng mà ChatGPT mang đến. Một bộ phận học sinh, sinh viên có thể tận dụng AI này vào việc đạo kiến thức, viết tiểu luận mà không cần phải bỏ ra công sức quá nhiều. Vô hình chung, sẽ hình thành trong giới trẻ thói quen bị động, lười tư duy.
Còn chị Đoàn Ngọc Bích (Đống Đa, Hà Nội) - một người chuyên kinh doanh hàng thời trang online cho biết, vô cùng thích thú khi chỉ cần đưa ra thông tin sản phẩm, trao đổi cùng ChatGPT ít phút, sau đó đã nhận về được một đoạn quảng cáo ngắn giới thiệu đầy đủ, súc tích về mặt hàng chị đang bán. Điều này giúp chị tiết kiệm thời gian thay vì trước đây phải dành nhiều thời gian nghĩ “cap” bán hàng.
Rao bán tràn lan trên mạng
Chỉ sau 2 tháng ra mắt, ChatGPT đã cán mốc 100 triệu người dùng – điều mà Tiktok mất 9 tháng và Instagram phải mất tới 2 năm để đạt được. Điều đó, cho thấy sức hút của ChatGPT lớn như thế nào. Tuy nhiên, hiện tại công cụ ChatGPT chưa hỗ trợ chính thức ở thị trường Việt Nam, nên để đăng ký tài khoản ChatGPT, người dùng cần sử dụng tới số điện thoại và phần mềm VPN để đổi IP ở những khu vực dùng ChatGPT. Điều này tạo cơ hội lớn cho những người kinh doanh hoặc hỗ trợ tạo tài khoản ChatGPT trên nhiều nền tảng mạng xã hội.
Những ngày qua, thị trường mua bán tài khoản, cung cấp dịch vụ tạo tài khoản ChatGPT nhanh chóng hình thành và cực kỳ sôi động trên các nhóm mạng xã hội. Để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của đông đảo bạn trẻ, các trang mạng xã hội đã “nở rộ” dịch vụ đăng ký sử dụng ChatGPT bằng email để có tài khoản chính chủ với giá chỉ từ 15 đến 50 nghìn đồng.
Tìm hiểu trên các trang mạng rao bán tài khoản, được biết hiện có 3 loại tài khoản, một là tài khoản lập trên một số điện thoại riêng, được gọi là tài khoản “VIP” vì có sẵn 18 USD trong tài khoản, có thể dùng nhiều tiện ích hơn như tích hợp phần mềm đồ họa, thiết kế 3D trên website OpenAI.com. Hai là tài khoản lập trên một số điện thoại dành cho nhiều tài khoản, không có tiền trong tài khoản, loại tài khoản thường này có giá rẻ hơn. Ba là một tài khoản được chia sẻ cho nhiều người dùng, loại này theo người bán khuyên là không nên dùng vì dễ để lộ lọt thông tin cá nhân. Ngoài ra, với “tài khoản ChatGPT sử dụng full tính năng” (đầy đủ tính năng) các trang mạng rao bán với mức giá 99 nghìn đồng.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của sinh viên Nguyễn Văn Ninh- Trường ĐH Thủy lợi, do OpenAI chưa cung cấp ChatGPT dưới dạng ứng dụng mà hoạt động miễn phí qua trình duyệt, nên người dùng cần cảnh giác và tỉnh táo trước những ứng dụng “ăn theo” ChatGPT xuất hiện trên các kho ứng dụng như Play Store, App Store... Để tránh tải nhầm hay trải nghiệm nhầm, người dùng cần xem phần đánh giá ứng dụng hoặc tên công ty mẹ để không bị mất tiền oan.
Ông Vũ Thanh Thắng - Giám đốc cấp cao về trí tuệ nhân tạo (CAIO), một chuyên gia đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực AI lưu ý, tại Việt Nam rất nhiều người quan tâm tới ChatGPT, để có tài khoản thì phải sử dụng nhiều cách như: VPN sang IP nước ngoài, sử dụng điện thoại ở nước ngoài, hoặc mua tài khoản của các bên không đảm bảo để sử dụng. Điều này có thể gây nhiều rủi ro mất tiền do các tài khoản được bán không hợp lệ, hoặc lộ lọt thông tin cá nhân như: điện thoại, email, số tài khoản ngân hàng... Vì thế, chúng ta cần thận trọng khi sử dụng các dịch vụ ChatGPT tại Việt Nam thời gian này để tránh rủi ro.
Cần xác thực thông tin
Cũng theo đánh giá của giới học sinh, sinh viên, dù mở ra một chân trời khám phá mới, nhưng ChatGPT cũng còn không ít hạn chế. Đơn cử như không phải lúc nào người sử dụng cũng có được những kết quả đúng, hoặc như mong đợi, nhất là trong việc nhờ ChatGPT xử lý ngôn ngữ với ý nghĩa đặc biệt như ẩn dụ, hoán dụ,...
Thành Trung - học sinh lớp 7- Trường THCS Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, em sử dụng ChatGPT với mong muốn có được một bài văn hoàn hảo. Theo đó, sau khi trao đổi với ứng dụng ChatGPT về việc phân tích nhân vật con ếch trong truyện ngụ ngôn “Ếch ngồi đáy giếng”, em đã thu về được những dữ liệu khá khôi hài. Đơn cử như đây là truyện ngụ ngôn mượn chuyện loài vật để nói chuyện con người, nhưng ChatGPT lại cho rằng đó là tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Rồi hình ảnh con ếch trong câu chuyện này đã được ngợi ca là một con vật có sự kiên trì, lòng quyết tâm và nghị lực, trong khi theo yêu cầu của bài giảng, bài học rút ra từ câu chuyện là môi trường sống nhỏ bé sẽ khiến tầm nhìn trở nên hạn hẹp. Từ đó, phê phán những kẻ hiểu biết nông cạn mà lại huênh hoang…
Khi thấy kết quả từ ChatGPT, Thành Trung cho hay, nếu nộp bài văn này không những cô giáo sẽ không chấm điểm mà còn bị phê bình trước lớp.
Trong những trường hợp khác, khi học sinh khai thác thông tin từ ChatGPT, tác phẩm “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố, lại bị nhầm lẫn là sáng tác của Nguyễn Hữu Trí; Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi lại bị cho là của Lê Quý Đôn. Hoặc nhiều tác phẩm văn học cũng thường xuyên bị nhầm lẫn tác giả.
Lý giải điều này, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Le Bros cho rằng: ChatGPT không (hoặc là chưa) có khả năng suy nghĩ, cảm nhận và tư duy như con người.
Nhiều chuyên gia có chung nhận định, dù nội dung được ChatGPT viết ra thường khá đầy đủ thông tin, cũng như có văn phong khá tốt, nó vẫn thiếu chiều sâu và không thể hiện được quan điểm cụ thể, đủ để nội dung đó được xem là chất lượng cao và độc đáo. Giới trẻ hiện không thể phủ nhận sự phủ sóng cũng như tính thông minh của ChatGPT. Tuy nhiên, đây cũng chính là một ứng dụng khiến họ phải chủ động hơn, sáng tạo hơn trong công việc để nắm bắt, ứng dụng một cách hiệu quả.
(Còn nữa)
Theo TS Đặng Minh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ CMC: ChatGPT sẽ không thể thay thế được hoàn toàn con người. ChatGPT có thể tăng năng suất lao động, giảm bớt nguồn nhân lực. ChatGPT dù có thể đưa nội dung nhưng không có tính sáng tạo nên luôn cần những ý tưởng. Ngoài ra, vì thông tin cần kiểm chứng nên vẫn cần yếu tố con người.
Ông Vũ Thanh Thắng - Giám đốc cấp cao về trí tuệ nhân tạo (CAIO): Trước những sản phẩm có tính ảnh hưởng cao như ChatGPT tới cộng đồng, chúng ta phải bắt tay vào nghiên cứu sự ảnh hưởng tích cực và tiêu cực lên cộng đồng, để từ đó có những biện pháp thích ứng phù hợp sao cho có lợi nhất.