Chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm đã được triển khai từ đầu năm 2015. Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã được người sử dụng lao động và người lao động đón nhận một cách tích cực. Dù vậy, theo ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng Cục Việc làm ( Bộ LĐTB&XH) việc triển khai chính sách BHTN vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Lê Quang Trung.
PV: Thưa ông, sau gần một năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo Luật Việc làm, ông đánh giá thế nào về chính sách này?
Ông Lê Quang Trung: Thực tế chính sách BHTN chúng ta đã thực hiện được 7 năm, nhưng năm 2015 là thời điểm đầu tiên thực hiện theo quy định Luật Việc làm. Theo quy định của Luật, thì chính sách này có nhiều điểm mới so với quy định trước đây của Luật BHXH. Đơn cử như nếu ở luật cũ, chủ sử dụng lao động phải sử dụng từ 10 lao động trở lên thì người lao động mới được tham gia BHTN thì nay theo quy định mới, chủ sử dụng lao động chỉ sử dụng 1 lao động trở lên cũng được tham gia.
Như vậy, người lao động được đảm bảo hỗ trợ khi mất việc làm được quan tâm. Đáng chú ý với những hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên đến dưới 12 tháng cũng được tham gia BHTN khi mất việc làm (trước đây đủ 12 tháng). Người lao động được tham gia BHTN rộng hơn nên tâm lý người lao động phấn khởi.
Theo phản ánh từ người lao động, quy định bắt người lao động phải trực tiếp thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp về việc tìm kiếm việc làm, điều này có phải đã gây khó khăn cho người lao động không, thưa ông?
- Theo tôi quy định này không hề gây khó khăn cho người lao động mà là biện pháp để ngành chức năng hạn chế tình trạng thất nghiệp ảo để hưởng chế độ BHTN như trước. Quy định này không chỉ được áp dụng ở nước ta mà nhiều nuớc trên thế giới cũng áp dụng. Một số nước nhận trợ cấp xã hội cũng bắt buộc hàng tháng đến thông báo với trung tâm giới thiệu việc làm để kiểm soát hỗ trợ. Hơn nữa, theo quy định không phải mọi đối tượng phải đến trung tâm khai báo.
Có 5 đối tượng (Lao động nam từ 60 tuổi trở lên, nữ từ 55 tuổi trở lên; Những người ốm đau dài ngày; Những nguời tham gia khoá học nghề từ 3 tháng trở lên cũng không phải thông báo; những nguời nghỉ theo chế độ thai sản; những nguời giao kết hợp đồng duới 3 tháng) không phải đến trung tâm giới thiệu việc làm đăng ký.
Bên cạnh đó, cũng có 3 trường hợp không phải thông báo trực tiếp mà có thể gửi đến trong trường hợp như bị tai nạn, bị hoả hoạn, hoặc lũ lụt, thiên tai; bố, mẹ vợ chồng con cái bị mất không phải đến trực tiếp mà chỉ cần thông báo công khai. Như vậy, có thể khẳng định rằng quy định trên không hề gây khó cho người lao động trái lại có tác dụng là kiểm soát được nguời lao động, là cơ hội để nguời lao động có cơ hội tiếp cận, trao đổi với cán bộ trung tâm để từ đó tìm được một công việc phù hợp cho mình.
Vậy sau một năm triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo Luật Việc làm có gặp những bất cập, khó khăn về mặt chính sách không thưa ông?
Điều này rất khó tránh, nhất là với chính sách mà liên quan tới quyền lợi của hàng chục triệu người lao động. Như tôi đã nói ở trên dù chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã được triển khai 7 năm nhưng nhận thức của người lao động và chủ sử dụng lao động về quy định trong chính sách này vẫn còn rất hạn chế. Hơn nữa, liên quan tới quản lý lao động, đây là vấn đề phức tạp trong khi đó chúng ta chưa quản lý chặt chẽ biến động về lao động.
Ở các nuớc, khi có biến động về quan hệ lao động đối với một người lao động là lập thức sẽ được hiển thị trên phần mềm dù bất kỳ ở đâu. Đây là điểm còn hạn chế. Thêm vào đó, dù kinh tế năm 2015 có dấu hiệu phục hồi nhưng nhiều doanh nghiệp còn khó khăn, chậm đóng và nợ đọng BHTN nên không chốt được sổ BHTN, gây ảnh hưởng đến triển khai công tác, xác định đối tượng BHTN, ảnh hưởng đến lợi ích người lao động.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các trung tâm giới thiệu việc làm (nơi tiếp nhận hồ sơ hưởng BHTN) với cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương còn hạn chế, gây ra tình trạng ách tắc hồ sơ và nhiều vấn đề phát sinh.
Để chính sách thực sự phát huy vai trò là bệ đỡ cho người lao động khi bị thất nghiệp, tới đây Bộ sẽ có hướng giải quyết như thế nào để khắc phục những hạn chế, bất cập nói trên, thưa ông?
Để chính sách đi vào cuộc sống, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, lắng nghe các phản hồi từ phía chủ sử dụng lao động và người lao động phản hồi về thực hiện chính sách BHTN để xây dựng các quy định tạo thuận lợi nhất cho người lao động.
Bên cạnh đó, các cơ quan cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc tuyên truyền, vận động để người lao động thấy rõ lợi ích của bản thân khi tham gia BHTN, đôn đốc đơn vị nơi làm việc chấp hành đúng quy định của Luật Việc làm.
Trân trọng cảm ơn ông!