Bên cạnh kỳ quan – di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long thì vùng đất Quảng Ninh còn có 55 di tích quốc gia, 5 di tích quốc gia đặc biệt cùng với 84 di tích cấp tỉnh và 488 di tích đã được kiểm kê, phân loại. Đây là nguồn tài nguyên vô cùng to lớn để tỉnh Quảng Ninh khai thác phát triển du lịch.
Trong những năm qua, dịch vụ, du lịch đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Ninh. Tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh 5 năm (2015-2020) ước đạt 55 triệu lượt. Trong đó khách quốc tế đạt 19,3 triệu lượt. Doanh thu du lịch tăng 11,9%/năm.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp, các dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế như: khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử (TP Uông Bí); Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Hạ Long, Khu vui chơi Sunworl Complex...
Và gần đây là sự xuất hiện của khu tắm khoáng nóng Yoko Onsen chuẩn Nhật Bản đầu tiên tại Việt Nam đã tạo ra những điểm nhấn thu hút du khách đến với Quảng Ninh.
Với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ có bước phát triển đột phá, thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế, tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu là phải phát triển du lịch, dịch vụ nhanh, bền vững, ngày càng giữ vai trò chủ đạo, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP của tỉnh.
Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh Quảng Ninh nhận diện cần phải nhanh chóng cơ cấu lại ngành du lịch sau đại dịch Covid-19, phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế. Trước mắt cần có các giải pháp phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế khác biệt của tài nguyên du lịch gắn với phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao.
Tỉnh cũng tiếp tục thu hút vốn đầu tư xây dựng các trung tâm du lịch trọng điểm tại Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái, Vân Đồn, Cô Tô trở thành động lực chính về phát triển dịch vụ của cả tỉnh và của cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trong đó, thành phố Hạ Long vẫn được xác định trở thành trung tâm du lịch quốc gia xứng tầm quốc tế, gắn bảo tồn và phát huy bền vững Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn, Kỳ Thượng.
Quảng Ninh cũng sẽ tiếp tục quan tâm tạo sự chuyến biến về chất đối với cải cách thủ tục hành chính và các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực, thương hiệu mạnh, đầu tư quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại, phát triển du lịch, dịch vụ đẳng cấp, bền vững trên các đảo thuộc vùng biển Vân Đồn - Cô Tô, Cái Chiên - huyện Hải Hà, Vĩnh Trung - Vĩnh Thực, gắn với Khu du lịch Quốc gia Trà Cổ, thành phố Móng Cái.
Hiện tỉnh Quảng Ninh đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Di sản thế giới đối với quần thể di tích và danh thắng Yên Tử. Đồng thời với đó là việc xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch Hạ Long, Yên Tử, Vân Đồn trở thành thương hiệu quốc gia, quốc tế; xây dựng bộ nhận dạng thương hiệu du lịch Quảng Ninh. Xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cũng đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển dịch vụ vận tải, kinh tế thương mại, dịch vụ biên giới. Đặc biệt là tỉnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Sau khi tuyến cao tốc này được hoàn thành sẽ kết nối liên thông với tuyến cao tốc từ Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn đến Móng Cái tạo động lực lớn cho phát triển du lịch.
Để hỗ trợ ngành du lịch vượt qua đại dịch Covid-19, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã tung ra 3 gói kích cầu du lịch lớn với trị giá hàng trăm tỉ đồng. Các gói kích cầu đã phát huy tác dụng thu hút du khách đến với Quảng Ninh ngày một tăng.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Với mục tiêu 3 triệu lượt khách trong quý IV/2020, ngành Du lịch phải thực hiện đa dạng các giải pháp kích cầu. Trong đó, việc xúc tiến, quảng bá du lịch không chỉ được thực hiện với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn; mà còn tập trung vào một số sản phẩm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp, riêng có của Quảng Ninh.
Với những giải pháp tổng thể nêu trên, tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng xây dựng ngành du lịch dịch vụ của tỉnh vượt qua khó khăn giai đoạn dịch bệnh để ngày càng giữ vai trò chủ đạo, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP của tỉnh như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra.