Để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) cũng như người dân vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các chính sách an sinh xã hội, các chính sách thuế vẫn tiếp tục được kéo dài. Tuy nhiên việc triển khai cần đúng đối tượng, không để xảy ra những bi kịch không đáng có.
Quan tâm tới người lao động khu vực phi chính thức
Năm 2020, để xử lý các khó khăn do đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP và Nghị định số 109/2020/NĐ-CP để giảm, giãn và gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Đây là những ưu đãi về thuế rất hữu ích đối với DN. Tuy nhiên theo đánh giá chung các ưu đãi này chưa đạt được yêu cầu mong muốn. Có nhiều DN không nộp hồ sơ xin gia hạn thuế đất, cũng như phàn nàn DN không kinh doanh, không lợi nhuận thì lấy thuế đâu mà đóng.
Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cũng chỉ ra việc miễn giảm thuế thu nhập DN, giảm phí trước bạ ô tô, miễn giảm phí, lệ phí tràn lan, quy mô lớn... nhưng không đúng đối tượng cần thiết.
Bước sang năm 2021, dù tưởng như dịch bệnh Covid-19 đã được khoanh vùng nhưng ngay từ những tháng đầu năm 2021, dịch bệnh lại bùng phát trở lại tại Hải Dương và 12 tỉnh, thành khác. Đến thời điểm này, dịch bệnh thêm một lần nữa làm cho tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp lại tiếp tục khó khăn.
Do vậy các chính sách an sinh xã hội cần được ưu tiên hàng đầu và cần phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng, trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có. Đặc biệt, việc thực thi chính sách cần quan tâm hơn đến lao động trong khu vực phi chính thức bởi nhóm này chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác động nặng nề nhất và đang khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ.
Trong khi đó các chính sách hỗ trợ DN cần tiếp tục được thực hiện theo hướng khẩn trương, tập trung, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh cho rằng, việc giãn, giảm thuế nếu có chỉ nên được áp dụng với thuế VAT thay vì thuế TNDN, vì giảm thuế TNDN chỉ hỗ trợ được số ít DN không bị ảnh hưởng hoặc đang hưởng lợi từ các tác động của dịch bệnh, chứ không giúp được đa số các DN đang gặp khó khăn. Từ đó, việc giảm thuế thu nhập còn có nguy cơ tạo ra bất bình đẳng sâu sắc hơn trong môi trường kinh doanh, ảnh hưởng không tốt đến việc phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Ngoài ra ông Phạm Thế Anh cho hay trong mọi tình huống ổn định kinh tế vĩ mô, cụ thể là lạm phát, phát suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định, là hết sức cần thiết. Chính sách hữu ích nhất trong bối cảnh hiện nay là các chính sách trọng cung, nhằm củng cố các yếu tố nền tảng của nền kinh tế. Cụ thể là các chính sách cải cách hành chính, nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước, đặc biệt ở địa phương, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân.
Ưu đãi thuế phải có chọn lọc
Và câu hỏi đặt ra là thời gian tới, để chính sách ưu đãi thuế thực sự mang lại lợi ích cho DN cũng như phát triển kinh tế, cần được triển khai như thế nào để mang lại hiệu quả nhất vẫn là một vấn đề đáng quan tâm.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để đảm bảo hiệu quả, việc xây dựng và áp dụng chính sách ưu đãi thuế phải có chọn lọc, có trọng điểm, minh bạch và đơn giản dựa trên nguyên tắc thị trường và phù hợp với các yêu cầu đặt ra trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ nhất, thực hiện rà soát, đánh giá tổng thể các chính sách ưu đãi thuế để có các điều chỉnh, sửa đổi phù hợp. Cụ thể, nghiên cứu giảm dần sự phụ thuộc quá lớn vào việc áp dụng hình thức ưu đãi về miễn, giảm thuế thu nhập DN có thời hạn để chuyển sang áp dụng hình thức ưu đãi thuế khác, hiệu quả hơn.
Thứ hai, rà soát để thu hẹp danh mục ngành, nghề và địa bàn được hưởng ưu đãi thuế, đảm bảo chính sách ưu đãi thuế được thực hiện có chọn lọc, gắn với các chủ trương, định hướng của Chính phủ.
Việc lựa chọn các ngành, nghề cần ưu đãi phải được cân nhắc trên cơ sở phân tích về lợi ích - chi phí một cách cẩn trọng. Chính sách ưu đãi thuế phải hướng vào các ngành, nghề có khả năng tạo ra các “ngoại ứng tích cực cho nền kinh tế”, tạo điều kiện cho các DN Việt Nam đổi mới, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, tập trung vào các ngành, nghề mà Việt Nam có thể phát huy lợi thế so sánh, có dư địa để phát triển.
Thứ ba, cần đẩy mạnh quá trình hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng với việc hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế, cần có các giải pháp đồng bộ khác ở tầm vĩ mô và vi mô để đảm bảo xây dựng cho được một môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, minh bạch và đảm bảo sự tiếp cận dễ dàng, bình đẳng với chi phí hợp lý của các nhà đầu tư đối với các cơ hội kinh doanh cũng như trong việc thụ hưởng các lợi ích do chính sách ưu đãi thuế mang lại giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Còn đối với thuế thu nhập DN, thời hạn gia hạn lần này cũng khác một chút. Đó là cho gia hạn với thuế thu nhập DN tạm nộp của quý 1 và quý 2/2021 là 3 tháng. Riêng đối với tiền thuê đất thì vẫn được gia hạn thêm là 6 tháng.
Cụ thể với chính sách gia hạn tiền thuế và thuê đất, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, cho rằng yêu cầu lần này các cơ quan Thuế không chỉ tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng mà cơ quan Thuế nên gửi email đến các DN để nếu họ có đủ điều kiện để gia hạn thì họ sẽ nộp hồ sơ.Có như vậy các chính sách của Chính phủ sẽ thực sự đi vào cuộc sống, tránh tình trạng chính sách thì có nhưng một số DN không biết hoặc biết qua rồi mất đi quyền lợi của mình.