Triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu

Thanh Huyền 28/07/2017 15:05

Ngày 28/7, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH) tại các tỉnh miền Trung​ - Tây Nguyên (MT – TN). Tham dự hội nghị có đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ 20 tỉnh, thành phố khu vực nói trên.

BĐKH đã làm Cửa Đại Hội An bị sạt lở nghiêm trọng.

Thỏa thuận Paris về BĐKH đã được các quốc gia thông qua tại COP 21 (Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH). Đây là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên quy định trách nhiệm ứng phó với BĐKH của tất cả các bên.

Văn bản chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11/2016, gồm các quy định liên quan đến trách nhiệm xây dựng và thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định của mỗi bên tham gia Công ước Khí hậu. Đến nay đã có được 195 nước ký, 155 nước phê chuẩn trong tổng số 197 bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về BĐKH.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại đây đã nhấn mạnh, các đại biểu cần tập trung trao đổi, thảo luận các thông tin cập nhật về BĐKH, tác động của nó đến các tỉnh MT – TN.

Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các tỉnh, thành phố chia sẻ kinh nghiệm của mình với các địa phương khác để thực hiện tốt nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao.

Hiện trong số 20 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên, có Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Nghệ An, Quảng Bình và Quảng Ngãi đã xây dựng và ban hành Kế hoạch của tỉnh/thành phố thực hiện Quyết định số 2053/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH.

Thời gian qua phải nói rằng, Quảng Nam đã chịu tác động nặng nề của BĐKH, như sạt lở các vùng ven biển, trong đó nặng nhất là Cửa Đại thuộc thành phố Hội An và Cửa Lở thuộc xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành.

Sạt lở bờ biển không chỉ uy hiếp đến tính mạng, tài sản của người dân, mà việc bồi lắng ở các cửa sông cũng đã khiến cho hàng nghìn tàu thuyền ngư dân không thể ra khơi.

Quang cảnh Hội nghị.

Cùng với đó, khí hậu cũng vô cùng khắc nghiệt, mưa to, lũ lớn, nắng hạn kéo dài đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân. Chính quyền cũng đã chi ra hàng nghìn tỉ đồng để khắc phục các sự cố do tác động của BĐKH.

Còn tại hội nghị này, các nhà quản lý, các nhà khoa học trên toàn quốc trong lĩnh vực BĐKH đã đưa ra nhiều tham luận, kinh nghiệm trong việc ứng phó với BĐKH như: kịch bản BĐKH và tác động của nó đến khu vực miền Trung; công tác quản lý nhà nước về BĐKH;…

Cùng với đó là chú trọng việc triển khai Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris và xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại đây, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, BĐKH là vấn đề nóng của toàn cầu, vì vậy mỗi địa phương không thể thực hiện việc triển khai ứng phó một cách đơn lẻ. Do đó, các ngành chức năng, các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ cho công tác quản lý TN - MT, ứng phó với BĐKH cho Quảng Nam nói riêng cũng như trong khu vực nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu