Triển lãm “Anh em” là nơi hội tụ 6 cá tính hội họa của nhóm tác giả họa sĩ gồm: Vũ Thái Bình, Lê Thanh Bình, Nguyễn Cao Hoàng, Nguyễn Ngọc Tuấn, Cấn Mạnh Tưởng và Lê Thế Anh.
Cùng học tập tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, họ vẫn tiếp tục gắn kết với nhau trên con đường hoạt động nghệ thuật hiện nay. Mỗi một tác phẩm đều thể hiện nét cá tính hội họa riêng biệt, làm toát lên quan điểm, triết luận, thông qua hội họa nhóm tác giả muốn truyền tải đến khán giả. Đó là một sự dấn thân đầy mạnh mẽ và dũng cảm.
Đến với triển lãm, công chúng hiểu nghệ thuật chính là cuộc đời. Nghệ thuật là tấm gương phản ảnh trung thực nhất con người nghệ sĩ.
Với giấy dó, họa sĩ Vũ Thái Bình tô điểm lên những không gian thuần khiết, thanh tịnh và tình. Không gian ấy có thể là một ngõ nắng, một vạt hoàng hôn hay cô đọng trìu mến trong dáng lưng còng của mẹ. Những đề tài gần gũi với cuộc sống mỗi người, dưới nét vẽ của anh hiện lên chân thật, bình yên đến lạ kỳ.
Còn với Cấn Mạnh Tưởng, anh cho người yêu tranh thấy mình không dừng ở việc ghi lại câu chuyện, hình ảnh... như những gì nó diễn ra... mà lồng vào đó những trải nghiệm, suy nghĩ cá nhân. Sự chủ động ấy khiến các tác phầm gần đây của anh thay đổi gần như hoàn toàn về bố cục.
Là hoạ sĩ duy nhất trong nhóm vẽ chất liệu sơn mài, anh vượt qua sự "đồng bộ hoá" của đề tài miền núi nói chung. Sự tính toán kỹ lưỡng trong nhịp điệu, trong tuyến tính của nét; sự chỉn chu, kỳ công trong kỹ thuật sơn mài khiến tranh của Cấn Mạnh Tưởng tinh tế về ý, lộng lẫy về mầu và khái quát về hình.
Nguyễn Ngọc Tuấn là hoạ sĩ có hoạt động trải dài trên nhiều thể loại: từ thiết kế phim hoạt hình đến minh hoạ sách. Anh nắm bắt rất tài tình các khoảnh khắc của thời gian, thời tiết luân chuyển theo ngày, theo mùa… thể hiện chúng qua bảng màu mạnh mẽ mà tình cảm, cùng những nhát bút quấn quýt, đan cài.
Nguyễn Cao Hoàng vốn là hoạ sĩ thiết kế mỹ thuật hoạt hình, anh cũng là một trong số ít những người có chuyên môn cao trong lĩnh vực này... Khi anh quay ra sang hội hoạ giá vẽ, anh coi đó như là sự trở về.
Trở về với niềm đam mê bất tận từ thở nhỏ mà trong một giai đoạn nào đó, anh đành phải gác lại. Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, anh đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm cá tính.
Thông qua đó, anh chứng tỏ mình là người có kỹ thuật sơn dầu vững vàng cùng một tư duy sáng tác độc lập. Anh thích các bố cục đậm chất cinema và gần đây anh đang xê dịch sang vùng đất siêu thực.
Các nhân vật của anh đẹp một cách cá tính trong một không gian phi lý tính. Sự chênh chao này khiến hội hoạ Nguyễn Cao Hoàng có sự cuốn hút, kỳ bí. Đây chính là thế mạnh và động lực để Nguyễn Cao Hoàng sáng tác sung mãn, nhiệt thành.
Trong khi đó, Nguyễn Ngọc Tuấn - hoạ sĩ có hoạt động trải dài trên nhiều thể loại: từ thiết kế phim hoạt hình đến minh hoạ sách. Anh nắm bắt rất tài tình các khoảnh khắc của thời gian, thời tiết luân chuyển theo ngày, theo mùa… thể hiện chúng qua bảng màu mạnh mẽ mà tình cảm, cùng những nhát bút quấn quýt, đan cài.
Tại triển lãm, hoạ sĩ Lê Thế Anh giới thiệu nhiều tác phẩm về đề tài chân dung miền núi, đặc biệt là trẻ em. Việc sử dụng thành thạo và mạnh mẽ kỹ thuật đi cọ, nhát bút, đường bay… khiến tranh của anh có sự rung cảm trong màu sắc mà vẫn không đánh mất đi vẻ tinh tế vốn có. Ngắm tranh của anh, cảm nhận được một năng lượng yêu cuộc sống, yêu những gì giản dị và chân thành.
Sáu hoạ sĩ là sáu cá tính, sáu cách đặt vấn đề khác nhau, nhưng tựu chung lại, họ đều giống nhau ở tình yêu vô điều kiện dành cho hội hoạ.
Triển lãm “Anh em” lần này là dịp đầu tiên họ tụ hội cùng nhau, và cũng đánh dấu sự khởi đầu mở ra những cơ hội hội tụ tiếp theo.
Triển lãm “Anh em” khai mạc từ ngày 18/11 đến hết ngày 23/11, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.