Việc liên tiếp tổ chức những triển lãm chuyên đề cũng góp phần níu chân khách tham quan và quảng bá thương hiệu cho một bảo tàng. Và dù sao, như thế cũng còn hơn trường hợp của một bảo tàng được đầu tư ngàn tỉ, nhưng 5 năm qua vẫn chỉ là cái vỏ...
Hình ảnh đang được trưng bày tại
chuyên đề Lịch sử văn hóa Việt Nam.
Với khoảng 300 tài liệu, hiện vật gói gọn trong một triển lãm, trưng bày chuyên đề “Lịch sử văn hóa Việt Nam” đang diễn ra tại Hà Nội đã ít nhiều giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về không gian lịch sử văn hóa Việt suốt hàng ngàn năm lịch sử. Đây là trưng bày diễn ra song hành cùng triển lãm báo chí cách mạng Việt Nam trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ( LSQG).
Như đã đưa tin, triển lãm gồm gần 300 hình ảnh, tư liệu, bản trích, số liệu... giới thiệu khái quát, cô đọng tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam từ thời Tiền sử qua thời dựng nước đầu tiên, thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thời kỳ quân chủ độc lập và đấu tranh giữ nước đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) cũng như công tác bảo tồn, phát huy, tôn vinh và quảng bá giá trị di sản văn hóa phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; từ đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; ý chí độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
6 phần trưng bày trong chuyên đề này bao gồm: Việt Nam thời Tiền sử (cách ngày nay khoảng 500.000 - 4.000 năm); Việt Nam thời dựng nước đầu tiên (khoảng 4.000 - 2.000 năm cách ngày nay); Việt Nam thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc (từ cuối thế kỷ II trước Công nguyên - giữa thế kỷ X); Việt Nam thời kỳ quân chủ độc lập và đấu tranh giữ nước (từ giữa thế kỷ X - đầu thế kỷ XX); Việt Nam - Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội; Việt Nam - Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Nhiều người không khỏi lấy làm băn khoăn rằng: một triển lãm chuyên đề lớn, nhưng chỉ với một số lương hiện vật ít ỏi, liệu có đủ khái quát cả một bề dày và chiều dài lịch sử văn hóa Việt Nam? TS Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng LSQG cho biết: Thông qua cuộc triển lãm bảo tàng mong muốn mang đến cho công chúng những vấn đề, những sự kiện cơ bản gắn liền với lịch sử văn hóa, lịch sử hình thành quốc gia dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Những nhà nghiên cứu văn hóa thì tin rằng, qua cuộc triển lãm này, công chúng đặc biệt là thế hệ trẻ thấy được quá trình hình thành dân tộc, quá trình đấu tranh hào hùng chống ngoại xâm từ thời Hùng Vương dựng nước cho tới thời đại Hồ Chí Minh, qua đó thế hệ trẻ thấy được niềm tự hào cũng như trách nhiệm của mình. Cuộc triển lãm góp phần hun đúc lòng yêu nước của thế hệ trẻ.
Triển lãm diễn ra bắt đầu từ 1/9, và còn tiếp tục kéo dài trong nhiều tháng nữa. Đây là cách mà một triển lãm chuyên đề được mở ra.
Điểm lại, trong vòng một thời gian ngắn từ 2013 đến nay, riêng Bảo tàng LSQG đã tổ chức được nhiều triển lãm chuyên đề. Rầm rộ nhất là triển lãm chuyên đề về biển đảo; triển lãm bộ sưu tập đèn cổ Việt Nam; triển lãm chuyên đề về văn hóa Nhật Bản; Trang sức cổ Việt Nam, Tượng gốm cổ Việt Nam; Tranh cổ động; Văn hóa Đông Sơn, Nhân dân thế giới đoàn kết. Gần đây nhất trước khi diễn ra trưng bày Lịch sử văn hóa Việt Nam là trưng bày chuyên đề Báo chí Cách mạng Việt Nam…
Tất nhiên, trong bức tranh chung của hoạt động bảo tàng hiện nay, lượng khách đến tham quan những triển lãm chuyên đề như thế này chưa nhiều. Nhưng dù sao, việc liên tiếp tổ chức những triển lãm chuyên đề cũng góp phần níu chân khách tham quan và quảng bá thương hiệu cho một bảo tàng. Và dù sao, như thế cũng còn hơn trường hợp của một bảo tàng được đầu tư ngàn tỉ, nhưng 5 năm qua vẫn chỉ là cái vỏ, 5 năm qua vẫn chỉ trưng bày theo kiểu lấp chỗ trống.
PGS. TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, nếu suốt 5 năm qua, mỗi năm bảo tàng ngàn tỉ ấy làm một trưng bày chuyên đề thì họ đã có một bề dày kinh nghiệm để làm bảo tàng rồi.
Từ kinh nghiệm làm Bảo tàng Dân tộc học, ông chia sẻ: Trưng bày chuyên đề giữ vai trò rất quan trọng trong mỗi bảo tàng, là một trong những hoạt động then chốt của bảo tàng. Nếu như trưng bày thường xuyên chỉ có thể giới thiệu hoặc nêu vấn đề một cách chung chung, điểm xuyết thì trưng bày chuyên đề trong một thời gian ngắn là dịp để bảo tàng có thể khai thác một khía cạnh chuyên sâu nào đó mà trưng bày thường xuyên không đáp ứng được. Những trưng bày chuyên đề là động lực thu hút công chúng đến với bảo tàng, tạo ra những hoạt động mới, thường xuyên, đều kỳ, hấp dẫn công chúng không chỉ một lần.