Ngày 17-6, tại Hà Nội, NXB Kim Đồng phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức triển lãm “Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với cảm hứng sách thiếu nhi”.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (bên phải) và nhà văn Tô Hoài
Hàng trăm bức ảnh, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, đặc biệt là những đóng góp của ông với mảng sách thiếu nhi. Trong đó có bút tích nhắc nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Tuân, nhạc sĩ Phong Nhã, họa sĩ Tạ Thúc Bình…viết, vẽ cho các em, những tư liệu ghi chép phục vụ cho sáng tác; những trang nhật ký thể hiện quan điểm, tư tưởng sáng tác của ông…Một câu “tư tưởng” được ghi trong nhật ký năm ông 18 tuổi: “Người không biết lịch sử nước mình là một con trâu đi cày ruộng. Cày với ai cũng được mà cày ruộng nào cũng được”. Hay một quan niệm về văn chương với thiếu niên của Nguyễn Huy Tưởng, năm ông 20 tuổi: “Phàm văn chương mục đích thứ nhất là để dạy dỗ thiếu niên. Thiếu niên với văn chương là một. Văn chương viết cho thiếu niên phải tươi cười và nghiêm khắc, cảm động mà vẫn nhẹ nhàng bao giờ cũng phải mãnh liệt để kích thích tấm lòng, nhưng bao giờ cũng vẫn coi chừng cho họ về những nết xấu, cốt làm sao cho bao giờ họ cũng có một tấm lòng bồng bồng bột bột, và vẫn biết lẽ phải, và vẫn biết thương nhau”.
Họa sĩ Phạm Quang Vinh, Giám đốc NXB Kim Đồng chia sẻ đầy xúc động: Chúng ta ở đây để ôn lại ngày này 58 năm trước (ngày 17-6-1957) là ngày thành lập NXB Kim Đồng. Ở ngọn ngành lịch sử ấy, NXB Kim Đồng đã may mắn có được những con người đặc biệt, một trong những nhà văn đó là Nguyễn Huy Tưởng – một sáng lập viên đồng thời là Giám đốc đầu tiên của NXB Kim Đồng. Trong những ngày kháng chiến gian khổ, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cùng nhà văn Tô Hoài và những người tâm huyết khác đã lập ra loại sách Kim Đồng nhằm thúc đẩy phong trào sáng tác cho thiếu nhi. Hòa bình lập lại, họ trở về Thủ đô, bằng tấm lòng yêu thương của người anh, người cha, ý thức trách nhiệm với thế hệ trẻ, các anh đã cùng nhau góp sức xây dựng lên NXB Kim Đồng - NXB đầu tiên cho thiếu nhi ở Việt Nam, và cho tới nay vẫn là duy nhất.
Đông đảo độc giả tới xem triển lãm
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng làm Giám đốc NXB Kim Đồng chưa đầy 1 năm, nhưng có thể nói ông đã gắn bó với NXB bằng tất cả tấm lòng cho tới lúc đi xa, đồng thời ông cũng dành những năm tháng chín muồi nhất trong sự nghiệp sáng tác của mình để viết những tác phẩm đặc sắc cho các em. Sinh thời nhà văn Tô Hoài từng nhận xét, đó là những truyện cổ tích lạ lùng và xanh biếc. Những truyện lịch sử như những trang anh hùng đời đời của dân tộc. Tuy chỉ sống một cuộc đời ngắn ngủi 48 năm, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã để lại những dấu ấn trong nền văn học Việt Nam nói chung và mảng sách thiếu nhi nói riêng.
Theo nhà văn Lê Phương Liên, cống hiến lớn nhất của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là viết về lịch sử và truyện cổ tích dân gian sáng tạo cho thiếu nhi. Ông để lại không nhiều: Lá cờ thêu sáu chữ vàng, An Dương Vương Xây Thành Ốc, Truyện Quang Trung, Con cóc là cậu ông Giời, Tìm mẹ… Nhưng những tác phẩm ấy đều có giá trị cao, mà các thế hệ sau chúng tôi cần đọc đi đọc lại, học tập và tìm hiểu phát hiện ra những điều mới mẻ trong tác phẩm của ông. “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” viết về người anh hùng Trần Quốc Toản, đấy là kiểu mẫu về cách viết lịch sử cho thiếu nhi và lấy hình tượng một nhân vật thiếu niên cho Trần Quốc Toản. Tác phẩm “An Dương Vương” xây thành ốc là một sáng tạo từ câu chuyện Nỏ Thần, nhưng ông lại không viết hoàn toàn về câu chuyện nỏ thần, mà ông chỉ viết phần An Dương Vương xây thành, nó vừa kết hợp văn học dân gian với dã sử và những truyện cổ tích đã có. Đó là phương pháp sáng tạo và những người viết thế hệ sau chúng tôi sẽ phải nghiên cứu và noi gương cách viết đó.
“Tất nhiên mỗi thế hệ sẽ có cách viết khác nhau, và mỗi nhu cầu của bạn đọc ngày nay cũng khác trước. Nhưng tôi nghĩ những tác phẩm đã đạt tới độ kinh điển của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sẽ còn mãi mãi”- nhà văn Lê Phương Liên nhấn mạnh.