Triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2024

THÁI NHUNG 21/09/2023 07:07

Báo cáo Chính phủ mới đây, dựa trên cả mục tiêu của giai đoạn 2021-2025, cùng với phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra dự kiến 3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2024.

Nhiều dự án thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công được đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: Lê Khánh.

3 kịch bản tăng trưởng

Cụ thể, ở kịch bản 1, mục tiêu đặt ra là tăng trưởng GDP 6% với giả định nền kinh tế thế giới đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức trong quá trình phục hồi. Ở trong nước, các động lực tăng trưởng dự kiến phục hồi không đồng đều. Dịch vụ và thị trường trong nước có thể tăng trưởng khá, nhưng xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo chưa thể chuyển biến mạnh, do phụ thuộc vào thị trường thế giới.

Ở kịch bản 2, mục tiêu tăng trưởng dự kiến là 6,5% với giả định ở trong nước khu vực dịch vụ và thị trường tiêu dùng nội địa tăng trưởng tích cực; sản xuất - kinh doanh phục hồi, xuất khẩu, đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài tăng trưởng khá. Còn kinh tế thế giới, khu vực có thể phục hồi nhanh hơn dự báo của các tổ chức quốc tế; nhu cầu của các thị trường đối tác lớn phục hồi; thương mại và đầu tư toàn cầu có thể tăng trưởng khá.

Kịch bản 3, dựa trên dự báo bối cảnh tình hình thế giới, trong nước biến động nhanh, khó lường, rất khó dự báo, mục tiêu dự kiến là tăng trưởng 6 - 6,5%.

Thúc đẩy các chính sách để phục hồi kinh tế

Dù còn nhiều những khó khăn, thách thức phía trước, nhưng các chuyên gia kinh tế tỏ ra khá lạc quan khi nhận định về tăng trưởng kinh tế nước ta trong năm tới.

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trong thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt các giải pháp quyết liệt cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ như giảm thuế Giá trị gia tăng (VAT), giãn tiền nộp thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước… Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành, từ đó thúc đẩy việc sử dụng vốn hiệu quả hơn trong nền kinh tế. Điều này giúp hoạt động sản xuất kinh doanh được phục hồi nhanh hơn…

Trên cơ sở đó, ông Thịnh đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2023: Thứ nhất, những cân đối vĩ mô và tỷ giá vẫn giữ ổn định và các điều kiện không phải quá tốt, thực hiện ở mức bình thường, như xuất nhập khẩu tăng trưởng khoảng 10% trở lại; đầu tư công giải ngân không được cao, chậm trễ đến tháng cuối năm mới giải ngân được; chỉ số tiêu dùng trong nước có tăng nhưng ở mức thấp 10 - 12%; đầu tư nước ngoài không tăng trưởng mạnh hơn; giá cả tiêu dùng trên thế giới với một số mặt hàng như xăng dầu tăng ở mức cao hơn, lấy mức dầu thô tăng vượt mốc 85 USD/thùng. Dự báo, mức lạm phát nằm trong khoảng 3,3-3,5%. Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 6,5-7% GDP.

Kịch bản thứ hai, Việt Nam thực hiện tốt tất cả các động lực tăng trưởng, đó là tăng trưởng xuất khẩu đạt 18-20% từ nay đến cuối năm; vốn đầu tư công giải ngân nhanh hơn trong tháng 8 và 9, đạt 75-80% trong quý III, vòng lan tỏa của giải ngân đầu tư công cũng tốt hơn; chỉ số tiêu dùng trong nước đạt mức như năm 2022 (khoảng 19,5%); đầu tư nước ngoài thực hiện tốt; Các vấn đề an sinh xã hội được giải quyết tốt; giá dầu thô vẫn giữ ở mức 70-85 USD/thùng và các chi phí khác không tăng quá cao. Trên bình diện đó, Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng 6,8-7,4%, lạm phát nằm trong khoảng 3,5-3,8%. Tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 7-7,5% GDP. Đối với kịch bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, ông Thịnh thiên về kịch bản thứ 3.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu thiên về kịch bản thứ nhất mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra. Ông Hiếu cho rằng, với tình hình tăng trưởng hiện nay, kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ tăng 3,72%, trong bối cảnh thế giới biến động khôn lường thì kịch bản GDP tăng 6% là khả thi nhất. Theo ông Hiếu, để GDP đạt được 6%, chúng ta cũng cần nhiều biện pháp hỗ trợ. Trong đó phải tập trung vực dậy các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay số doanh nghiệp phá sản và rút lui khỏi thị trường đang rất nhiều. Vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam hiện đang rất yếu, bởi vậy theo ông Hiếu, Chính phủ nên thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng để bảo lãnh cho các doanh nghiệp có thể tồn tại.

“Năm 2024 chúng ta phải hết sức thận trọng trong việc sử dụng công cụ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Chúng ta không thể tiếp tục hạ lãi suất trong khi lãi suất ngân hàng thế giới không giảm, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của quốc gia” – ông Hiếu nói và cho rằng, cần phải kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh đầu tư công, phải coi đầu tư công là vốn mồi cho nền kinh tế. Bên cạnh đó cần phải giảm thuế VAT hơn nữa, xuống còn 5%. Đồng thời theo ông Hiếu, các chính sách hỗ trợ và ưu đãi (như gói nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ, gói hỗ trợ lãi suất 40 nghìn tỷ…) phải sớm được hiện thực hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2024

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO