Ngày 15/6, thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dù nhiều nơi ở miền Bắc xuất hiện mưa to trong 2 ngày qua nhưng mực nước các hồ thủy điện chỉ tăng nhẹ. Trong khi đó, dự báo từ ngày 17/6, khu vực Đồng bằng Bắc bộ nắng nóng quay trở lại và kéo dài khoảng 5 ngày.
Từ ngày 12-15/6, lượng mưa ở Hầu Thào (Lào Cai) 78,6mm; Kim Sơn 2 (Hòa Bình) 127mm; Vân Đình (Hà Nội) 67,8mm; Hà Nam 62mm… Một vài nơi vùng núi phía Bắc có mưa vừa đến mưa to, tuy nhiên lưu lượng nước về các hồ thủy điện tăng không nhiều nên mực nước các hồ thủy điện cũng chỉ tăng nhẹ.
Theo thông tin vận hành hồ chứa của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lưu lượng nước về các hồ thủy điện lớn ở miền Bắc vẫn rất thấp trong 3 ngày qua và các thủy điện vẫn đang hoạt động linh hoạt để tích nước, dự phòng đợt ngày nắng nóng sắp tới. Lúc 11 giờ trưa ngày 15/6, lưu lượng nước về hồ thủy điện Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Bản Chát, Tuyên Quang dao động từ 200 - 300m3/s. Lưu lượng nước đến các hồ thủy điện này cũng không quá 500m3/s. Cụ thể, mực nước hồ thủy điện Tuyên Quang đạt 92,82m/90m (mực nước hồ/mực nước chết) tăng 1,28m so với cùng thời điểm ngày 14/6. Cùng thời điểm, hồ thủy điện Sơn La đạt 177,44m/175m, tăng 0,65m. Hồ thủy điện Thác Bà lên mức 46,13m/46m, tăng 0,27m. Hồ thủy điện Lai Châu đạt 275,16m/265m, tăng 2,62m. Hồ thủy điện Bản Chát lên 434,84m/431m, tăng 2,29m.
Trong khi đó, thủy điện Hòa Bình đang "gánh" cho các nhà máy thủy điện khác nên mực nước vẫn giữ ở mức 102,79m/80m.
Ngày 15/6, ông Phạm Văn Vương - Giám đốc Nhà máy Thủy điện Hòa Bình cho biết, hiện mực nước hồ Hòa Bình đang cao hơn mực nước chết 22m. Nếu khai thác công suất tối đa, sau khoảng 12 ngày nữa, Thủy điện Hòa Bình sẽ lại về mức nước chết (80m).
Như vậy, do lượng nước xuống thấp ở các dòng sông, hồ thủy điện nên tình hình điện ở các tỉnh phía Bắc, trong đó có Hà Nội vẫn chưa thể trở lại mức bình thường, so với thời điểm tháng 5/2023.
Với câu hỏi: Nắng nóng ở miền Bắc trong thời gian tới diễn biến ra sao? ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) cho biết, tổng lượng dòng chảy trên các sông, hồ chứa khu vực miền Bắc phổ biến thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm từ 40 - 80%, có nơi hơn 90%. Lượng mưa thiếu hụt từ 5-20% so với trung bình nhiều năm. Khi một đợt mưa ngắn tạm thời kết thúc thì Bắc bộ và các tỉnh miền Trung sẽ có khả năng xảy ra nắng nóng cục bộ. Nói tình trạng khô hạn kết thúc lúc nào thì chưa chắc chắn, nhưng khả năng từ sau ngày 15/6, tình trạng hạn hán sẽ được cải thiện hơn.
Ông Hưởng cũng cho biết, so với cùng kỳ năm 2022, tổng dung tích 5 hồ chứa lớn thuộc liên hồ chứa sông Hồng (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà) thấp hơn khoảng 7,476 tỷ m3. Trong đó, dòng chảy trên sông Thao thiếu hụt nhiều nhất là hơn 90%, còn dòng chảy đến các hồ chứa lớn khác thiếu hụt từ 55-75% so với trung bình nhiều năm. Mưa ít, nắng nóng kéo dài sẽ làm cho dòng chảy đến các hồ giảm, ảnh hưởng đến khả năng phát điện trong khi nhu cầu sử dụng điện, nước của người dân tăng lên rất nhiều.
Trong khi đó, theo ông Mai Đức Tiệp - Quản đốc phân xưởng vận hành (Nhà máy thủy điện Sơn La), hơn 13 năm kể từ khi tổ máy đầu tiên đi vào hoạt động, đây là lần đầu tiên mực nước hồ thủy điện Sơn La xuống mức thấp kỷ lục và phải vận hành dưới mực nước chết (175m). Về việc cung cấp điện, lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500 - 24.000MW trong những ngày nắng nóng. Điều này đồng nghĩa hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng là 30,9 triệu kWh.
Vì vậy, cơ quan chức năng khuyến nghị tăng cường các biện pháp tiết kiệm điện bằng việc giảm chiếu sáng, giảm sử dụng các thiết bị làm mát nhất là điều hòa, không sử dụng cùng lúc các thiết bị điện trong giờ cao điểm buổi trưa và buổi tối.