CHDCND Triều Tiên trong ngày 28/4 dường như đã tiếp tục đem ra phóng thử nghiệm một loại tên lửa đạn đạo tầm trung mới và đầy uy lực, phía Hàn Quốc cho hay. Dù thất bại nhưng sự việc này cũng đủ khiến Washington và Seoul hết sức quan ngại và theo dõi sát sao tình hình.
Có nhiều quan ngại về việc Triều Tiên sắp thử nghiệm hạt nhân (Nguồn: Telegraph).
Hãng tin AFP dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay, Bình Nhưỡng có thể đã phóng đi một tên lửa lớp Musudan mà họ tự phát triển vào khoảng 6h40 sáng 28/4 (giờ địa phương) từ Wonsan thuộc bờ biển phía Đông nước này. Nhưng vật thể này sau đó đã quay ngược về phía mặt đất chỉ vài giây sau khi được phóng. Có thể, cuộc thử nghiệm tên lửa đã thất bại.
Thời gian gần đây xuất hiện nhiều báo cáo tình báo nói rằng Triều Tiên đang chuẩn bị cho một cuộc thử nghiệm tên lửa Musudan khác, có khả năng tấn công đến các căn cứ của Mỹ trên đảo Guam, thuộc vùng biển Thái Bình Dương.
Quân đội Triều Tiên từng phóng một tên lửa đạn đạo Musudan vào ngày 15/4 vừa qua - trùng ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Il-sung - nhưng cuộc thử nghiệm này được phía Lầu Năm Góc mô tả là “thất bại thảm hại” do tên lửa đã phát nổ chỉ ít phút sau khi được phóng.
Những cuộc thử nghiệm tên lửa mới đây mà Bình Nhưỡng thực hiện diễn ra trong bối cảnh đất nước này đang chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội tổ chức vào tháng tới, mà trong đó Chủ tịch Kim Jong-un dự kiến sẽ đưa ra tuyên bố tiếp tục thúc đẩy chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của họ lên một tầm cao mới.
Quan ngại về thử nghiệm hạt nhân
Chưa kể đến việc phóng tên lửa liên tiếp trong thời gian qua, giới phân tích còn lo ngại rằng Bình Nhưỡng đang chuẩn bị thực hiện vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 5 của họ nhân một sự kiện sẽ diễn ra vào ngày 6/5 tới đây.
Trong mấy tháng gần đây, Triều Tiên đã tuyên bố công khai về hàng loạt các bước đột phá trong công nghệ phát triển hạt nhân, điều mà họ xem là mục tiêu cuối cùng của chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Các bước đột phát này gồm một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đến các mục tiêu ở nước Mỹ.
Các phát triển công nghệ mà Bình Nhưỡng nhắc tới còn bao gồm cả đầu đạn hạt nhân đã được thu nhỏ để lắp đặt vừa trên tên lửa mà họ chế tạo trong nước, phát triển một đầu đạn có khả năng di chuyển vượt khỏi tần khí quyển và chế tạo thành công động cơ nhiên liệu rắn cho tên lửa.
Thứ Bảy tuần trước, Triều Tiên đã thử nghiệm thành công một tên lửa xuyên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM) và lập tức bị Hội đồng Bảo an LHQ lên án.
Các lệnh trừng phạt hiện hành của LHQ đối với Triều Tiên không cho phép nước này sử dụng các công nghệ liên quan tới tên lửa đạn đạo và Hàn Quốc cho hay họ sẽ tiếp tục tăng cường các lệnh trừng phạt này, thậm chí đưa ra lớp lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên.
“Chính phủ Hàn Quốc cực lực lên án vụ thử tên lửa đạn đạo mới đây… mà rõ ràng là vi phạm các nghị quyết của LHQ và là hành động khiêu khích” - Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố tại Seoul.
Chính quyền Seoul cũng cho hay, họ sẽ làm việc với các thành viên LHQ để đưa ra thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.
Musudan có thể với tới căn cứ Mỹ
Tên lửa tầm xa lớp Musudan của Triều Tiên được cho là có tầm bắn trong khoảng từ 2.500 đến 4.000 km. Ngay cả ước tính tầm bắn ngắn nhất của nó cũng đã đủ để bao phủ toàn bộ Hàn Quốc và Nhật Bản, trong khi tầm bắn xa nhất có thể với tới các căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam.
Thế nhưng Musudan chưa từng được phóng thành công trong các cuộc thử nghiệm. Hai lần thử nghiệm thất bại gần đây nhất có thể nói là một sự hổ thẹn đối với Triều Tiên, đặc biệt trong bối cảnh nước này sắp tổ chức một sự kiện lớn trong tháng Năm tới.
Phát biểu hồi cuối tuần trước nhân chuyến thăm Đức, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo rằng Triều Tiên đang có bước tiến nguy hiểm dù cho các nỗ lực của họ không thành công.
“Dù rằng họ đã thất bại trong nhiều lần thử nghiệm, nhưng họ lại có thêm nhiều kiến thức sau mỗi lần như vậy” - ông Obama nói - “Chúng ta phải chú ý hơn tới điều này, các đồng minh của chúng ta và toàn thế giới cũng nên như vậy”.
Tình trạng căng thẳng leo thang khiến bán đảo Triều Tiên thêm phần chia rẽ đã trở nên nghiêm trọng hơn kể từ sau khi Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử nghiệm hạt nhân thứ tư của họ trong tháng Một vừa qua, kéo theo một vụ thử tên lửa 1 tháng sau đó, bất chấp các lệnh cấm vận của LHQ.