Trịnh Lữ được nhiều người biết tới là người dịch các cuốn sách như “Đại gia Gatsby”, “Rừng Na Uy”, “Cuộc đời của Pi”, “Con nhân mã ở trong vườn”... Nhưng nhắc tới Trịnh Lữ, người ta còn nhớ ông với những bức tranh tinh tế.
Nét bút cũng không già đi theo năm tháng
Trịnh Lữ (tên thật là Trịnh Hữu Tuấn) không phải là cái tên xa lạ với cả giới hội họa và văn học, một phần là vì người có cả hai cái tài như ông cũng không nhiều, phần thứ hai là bởi trong lĩnh vực nào ông cũng đạt đến một mức độ thành quả mà những người trong giới ấy không thể phủ nhận.
Ông học hội họa và thiết kế từ nhỏ với bố là họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc (khóa 9 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) và mẹ là họa sĩ Nguyễn Thị Khang. Sau này ông tu nghiệp thêm về hội họa và tâm lý học thị giác ở Đại học Cornell (1992-1994); hội họa, lịch sử và phê bình mỹ thuật tại Đại học Wisconsin ở Milwaukee (2014-2018) tại Hoa Kỳ.
Triển lãm cá nhân đầu tiên của ông được tổ chức năm 1993 tại Upstair Gallery ở Ithaca và tờ nhật báo Ithaca Journal bầu chọn Trịnh Lữ là “Nghệ sĩ của năm”. Triển lãm cá nhân thứ hai cũng tại Ithaca, do Artifax Gallery tổ chức năm 1994. Năm 2015, ông trưng bày 67 bức tranh tại phố cổ Hàng Đồng (Hà Nội).
Trong thời gian ở nhà giãn cách vì dịch bệnh, Trịnh Lữ đã làm xong được việc mà ông lần lữa mãi. Đó là hoàn thành cuốn sách “Vẽ gì cũng là tự họa” (NXB Mỹ thuật và Omega Plus phát hành). Ở đó, không chỉ có tranh của Trịnh Lữ, mà còn có những câu chuyện nghệ thuật của ông.
Đây là cuốn sách mở đầu cho tủ sách Mỹ thuật Việt Nam do Omega Plus thực hiện. Một số tác phẩm có trong sách đang được trưng bày tại triển lãm “Vẽ gì cũng là tự họa” diễn ra từ ngày 4 - 11/1 tại The Muse Artspace (Hà Nội).
Đây là triển lãm cá nhân hiếm hoi mà họa sĩ Trịnh Lữ tổ chức tại Hà Nội. Các bức tranh của ông lần này được trưng bày theo 3 mảng chính: tranh phong cảnh, tranh chân dung, và tranh tĩnh vật theo phong cách “bức tường tranh”.
Theo dõi hành trình nghệ thuật của Trịnh Lữ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng bày tỏ: “Tôi có cảm giác, ông vẫn như thế trong suốt cuộc đời mình - nhẹ nhàng sống và làm việc, không tranh đoạt, gay cấn với cái gì, không thay đổi cách vẽ, cách viết. Đó chính là cái hơi lạ, vì một người đã vẽ ít nhất 50 năm qua, mà dường như bút pháp vẫn thế, được định hình ngay từ đầu. Nét bút cũng không già đi theo năm tháng”.
Phải yêu cái gì thì mới vẽ được cái đấy
Cuốn sách “Vẽ gì cũng là tự họa” do chính tay Trịnh Lữ thiết kế và viết chú thích, cùng lời tựa được viết bởi nhà phê bình nghệ thuật Phan Cẩm Thượng và điêu khắc gia Đào Châu Hải. Những bức tranh trong sách cũng được chọn lọc để đưa vào triển lãm lần này.
“Vẽ gì cũng là tự họa” là tuyển chọn các bức tranh mà họa sĩ Trịnh Lữ đã vẽ từ năm 1963 tới nay. Cuốn sách được tác giả biên soạn với ý định “ra một cuốn sách nhỏ, có cả tranh cũ tranh mới, cùng dăm câu ba điều về việc vẽ nên chúng trong suốt hơn sáu chục năm qua”.
Họa sĩ Trịnh Lữ giải thích: “Mình vẽ theo lối “mắt thấy, tay vẽ”, mà phải yêu cái gì thì mới vẽ được cái đấy. Sau vẽ nhiều thì nhận ra là cái mình vẽ chính là cách mình nhìn, cách mình cảm thấy, và do đó chính là con người mình. Thành ra, vẽ gì ngoại cảnh cũng thực là vẽ cái thế giới nội tâm và vẽ chính mình”.
Nếu nói đây là một triển lãm tranh qua sách, có lẽ không đủ. Nếu nói đây là một tuyển tập, bao gồm rất nhiều những bức tranh cũ mới trong suốt hơn sáu chục năm vẽ không ngừng của họa sĩ Trịnh Lữ, có lẽ vẫn là chưa chuẩn.
Như lời chào, lời nhắn nhủ nhỏ ở đầu sách, do chính tay tác giả Trịnh Lữ viết, bước vào cuốn sách này, bạn đọc như được mời đến nhà dùng trà, cùng ngắm tranh, rồi tâm tình đôi ba câu chuyện quanh tranh, quanh trà… Từ chuyện tranh mà nghe ra cả chuyện người, chuyện mình, nghe ra cả những nhân tình thế thái… đầy nhẹ nhàng, sâu lắng.
Không chỉ là một cuốn sách hay và đẹp, cái hay của cuốn sách chính là, người đọc là người xem tranh, là người thưởng tranh, biết về Trịnh Lữ vẽ thuở lên 5 lên 6 cho đến Trịnh Lữ của những ngày đã 70; biết về những câu chuyện rất riêng của tác giả, những người thân ruột thịt, những tháng ngày ham vẽ hơn ham học tích phân hàm số…; nhưng rồi thành ra chuyện riêng chung lúc nào không hay.
Nghe ông kể chuyện rồi ngắm tranh ông vẽ, rồi như được trò chuyện, được đối thoại với một con người, một cảnh vật, một bình hoa, một mùa xuân này, một cảnh mùa thu rơi kia... khi thì nhẹ nhàng, đôi khi như thủ thỉ, đôi khi như tâm tình, có lúc lại đáng yêu, và dí dỏm vô cùng. Để thấy mọi sự quanh mình đều có lời riêng, đáng trân quý vô cùng. Nghe tâm tình rồi cái tâm của ta cũng sinh tình, mà nở hoa…
Trịnh Lữ bày chữ, chọn tranh theo những mảng đề tài sáng tác của mình. Tưởng là tách rời, nhưng hóa ra không phải. Tưởng là xa lạ mà hóa ra thân quen lúc nào. Để rồi nhận ra tại sao tác giả lại quả quyết: “Vẽ gì cũng là tự họa”!
Bên cạnh đó là phần “Gỗ và lửa - ái tình còn đang làm” chưa xong. Chính bởi vậy họa sĩ Trịnh Lữ không cho đây là một triển lãm “hồi cố”, vì ông vẫn đang làm, đang vẽ tiếp. Vậy là câu chuyện sẽ không chỉ dừng lại trong sách này, hy vọng của tác giả là, rồi dịch bệnh qua đi, những người yêu tranh, có thể thực sự ngồi xuống cùng nhau, mà trò chuyện về tranh.
Nhà điêu khắc Đào Châu Hải nhận xét, Trịnh Lữ vẽ chân dung con người, phong cảnh thiên nhiên, tĩnh vật đặc tả, các loại hoa và những vật dụng thường thấy trong cuộc sống hàng ngày. Vật liệu sử dụng trong tranh của ông chủ yếu là màu nước, phấn màu, sơn dầu. Trịnh Lữ là họa sĩ có ngôn ngữ biểu hiện rất tinh tế trong kỹ thuật thể hiện trạng thái tâm lý con người và cảnh vật thiên nhiên.
“Trịnh Lữ vẽ, trước tiên là để cho mình. Ông kể lại câu chuyện của chính mình một cách trung thực những gì ông cảm thấy, quan sát thấy về cuộc sống mà ông đã và đang trải nghiệm. Trịnh Lữ là mẫu người duy mỹ đặc biệt mà tôi được biết. Ông tin tưởng chắc chắn rằng: Thế giới này thật đáng sống, con người thật hiền hòa tử tế trong thiên nhiên đầy quyến rũ mộng mơ”, nhà điêu khắc Đào Châu Hải bày tỏ.
Sáng 11/1, họa sĩ Trịnh Lữ sẽ có buổi trò chuyện trực tiếp và trực tuyến, giới thiệu sách “Vẽ gì cũng là tự họa” tại The Muse Artspace (47 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Những kỷ niệm trong hơn 60 năm đi vẽ của họa sĩ; hay nguồn cảm hứng mà ông có được khi cầm cọ để sáng tác ra những tác phẩm để đời sẽ được chia sẻ.
Bên cạnh đó, sự kiện có sự tham gia của các khách mời: Họa sĩ Thành Chương, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, nhà điêu khắc Đào Châu Hải.