Khi giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 sẽ có thêm khoảng hơn 700 nghìn người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Niềm mong mỏi với hàng triệu người cao tuổi
Chính phủ vừa có Tờ trình gửi Quốc hội về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), với nhiều điểm đáng chú ý như mở rộng diện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, thêm quyền lợi cho những người không có lương hưu… Theo đó, người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện) mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Mức hưởng tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động; đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Ngoài mở rộng diện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, Chính phủ cũng đề xuất hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi. Việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800 nghìn đến 1 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.
Trước thông tin giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn đều rất phấn khởi, bởi điều này góp phần chăm lo đời sống cho họ.
Dù đã 76 tuổi nhưng hàng ngày ông Kim Văn Thăng (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) vẫn ra đồng trồng rau, trồng dưa để mưu sinh. “Với những người có lương hưu, đến độ tuổi như tôi thì họ đã được nghỉ ngơi, nhưng với tôi, do không có lương hưu hay khoản trợ cấp nào nên vẫn phải đi làm kiếm sống. Nếu được Nhà nước trợ cấp mỗi tháng 500.000 đồng thì ít nhiều chúng tôi cũng đỡ được gánh nặng cho con cháu trong gia đình” - ông Thăng giãi bày.
Bà Nguyễn Thị Tám ở xã Cao Minh, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) cho biết, tôi không có lương hưu cũng không được hưởng khoản trợ cấp nào. Bây giờ lại mắc bệnh, phải chạy thận thường xuyên nên rất khó khăn. Mặc dù rất tiết kiệm nhưng nhiều lúc vẫn không đủ tiền trang trải cuộc sống. Khi nghe tin có đề xuất về việc hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi với người không có lương hưu, không có trợ cấp BHXH, tôi mừng lắm.
Trên 16 triệu người không lương hưu
Theo thống kê, hiện cả nước có 12 triệu người cao tuổi, song cơ quan BHXH mới chi trả cho trên 3 triệu người hưởng lương hưu, hoặc trợ cấp BHXH hàng tháng. Còn ngân sách Nhà nước đang chi trả cho khoảng trên 1,7 triệu người cao tuổi để hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách. Như vậy còn khoảng trên 7 triệu người cao tuổi hiện nay không được hưởng bất kỳ chính sách trợ cấp nào từ ngân sách Nhà nước hoặc quỹ BHXH.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng dự báo, nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ ngân sách nhà nước thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ có trên 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu. Do đó bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội là vấn đề cần làm sớm, từ đó kỳ vọng sẽ mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng.
“Đích đến cuối cùng là đảm bảo tất cả mọi người cao tuổi đều có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, hoặc trợ cấp hưu trí xã hội từ ngân sách. Các quốc gia khi xây dựng hệ thống BHXH đa tầng cũng đều tiến tới đảm bảo tất cả mọi người cao tuổi đều được hưởng chính sách. Quy định trên cũng tạo thêm sự lựa chọn cho người lao động, cũng như để họ cân nhắc khi lựa chọn hưởng BHXH một lần” - ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh.
“Theo Dự thảo Luật BHXH, hưu trí xã hội bao gồm: phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước đối với người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên, giảm từ 80 tuổi hiện nay (điều 27) và một phần hỗ trợ người đã tham gia BHXH song không đủ điều kiện để hưởng lương hưu (điều 30, dự thảo Luật BHXH). Việc thiết kế tầng "0" này, sẽ góp phần mở rộng độ bao phủ của BHXH (từ 35% cuối năm 2022 lên 60% vào năm 2030)” - PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện khoa học lao động xã hội cho biết.
Đồng quan điểm, ông Đoàn Hữu Bảy - Chánh Văn phòng Hội Người cao tuổi Việt Nam cũng cho rằng, nếu chính sách được ban hành sẽ rất tốt, bởi thực tế cuộc sống của không ít người cao tuổi hiện nay còn rất khó khăn, đặc biệt là với những người không có tích lũy và không có khoản thu nhập nào. “Đây là những khoản thu nhập có thể giải quyết phần nào cuộc sống, mức sống tối thiểu của người cao tuổi. Nếu chính sách được thông qua thì thực chất đây là làm tốt chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi. Và sẽ là động lực chung cho sự phát triển của xã hội” - ông Bảy nhấn mạnh.
Theo mục tiêu Trung ương giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW phấn đấu đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội, tương đương 8,94 triệu người. Để đạt mục tiêu Trung ương giao, trong 6 năm tới phải tăng 25% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội tương đương 3,84 triệu người.