Khi tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên trở về từ vùng dịch Vũ Hán (Trung Quốc), kết quả xét nghiệm đối với mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này cho thấy dương tính với virus nCoV khiến các bác sĩ, nhân viên y tế cảm thấy rất áp lực. Tuy nhiên, Bác sĩ Đỗ Xuân Tiến -Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hoá cùng với các cộng sự của mình đã dồn hết trí tuệ, sức lực để điều trị và trở thành đơn vị đầu tiên trong cả nước chữa khỏi bệnh cho người nhiễm virus corona.
Vỡ oà cảm xúc
Đúng chiều 30 Tết Canh Tý, khi mà nhà nhà trên toàn đất nước đang quây quần sửa soạn bữa cơm để tiễn năm cũ, đón năm mới thì Khoa Bệnh nhiệt đới, BVĐK Thanh Hoá tiếp nhận nữ bệnh nhân N.T.T. trở về từ vùng dịch Vũ Hán. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục 39-40 độ, ho nhiều, tức ngực, khó thở nhẹ. Bác sĩ Đỗ Xuân Tiến, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân N.T.T. nói: “Thời điểm đó, chúng tôi được bệnh viện tuyến trước thông báo, ca bệnh này có thể có yếu tố dịch tễ nghi ngờ nhiễm nCoV. Ngay lập tức, lãnh đạo bệnh viện và toàn thể khoa chúng tôi tập trung nhân lực, huy động tối đa nguồn lực, phương tiện phòng hộ, phòng cách li... tiếp đón ca bệnh N.T.T. và chủ động, sẵn sàng để phục vụ việc chống dịch”.
Theo BS Tiến, bệnh nhân N.T.T. đã được điều trị cơ bản theo đúng hướng dẫn tại Quyết định 125 của Bộ Y tế. Do chưa có thuốc điều trị virus nCoV nên tập thể cán bộ, y, BS Khoa Bệnh nhiệt đới đã tập trung điều trị triệu chứng, phát hiện, xử lý các biến chứng xảy ra, chống nhiễm trùng, đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh tốt và nâng cao thể trạng cho bệnh nhân. Bệnh nhân N.T.T. được bù nước điện giải, truyền dịch, cho uống thuốc hạ sốt, dùng các thuốc giảm ho, long đờm. “Trong trường hợp này, chúng tôi dùng cả thuốc kháng sinh để chống bội nhiễm đường hô hấp. Ngoài ra, các y, BS trực tiếp điều trị đã tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân thực hiện chế độ dinh dưỡng, ăn uống hợp lý. N.T.T. ăn đủ dinh dưỡng, khẩu phần đủ năng lượng, đảm bảo vitamin, ăn hoa quả, uống thuốc. Sau một thời gian điều trị, bệnh nhân có phản xạ tốt hơn”- BS Tiến nói.
Đối với bệnh nhân N.T.T. do có yếu tố thuận lợi, tuổi còn trẻ, không có bệnh mãn tính, sức đề kháng tương đối tốt và rất may bệnh nhân đáp ứng phác đồ điều trị nên đã khỏi bệnh, lâm sàng hoàn toàn ổn định sau xét nghiệm dương tính với virus nCoV nên đã xuất viện. BS Tiến nhớ lại: Bệnh nhân N.T.T vào viện với tâm trạng mặc cảm bản thân, lo lắng, sợ mình sẽ là nguyên nhân làm lây lan dịch do virus corona đối với những người thân đã tiếp xúc, với cộng đồng. Song, trong quá trình điều trị, ngoài việc thăm khám, các y, BS Khoa Bệnh nhiệt đới, BVĐK Thanh Hoá thường xuyên động viên, làm giảm bớt sự lo lắng cho bệnh nhân. BS Tiến nhớ lại: “N.T.T. bị cô lập gần 10 ngày trời đúng vào dịp Tết trong một căn phòng, chỉ có chiếc điện thoại để liên lạc với bên ngoài nên việc trấn an tinh thần sẽ góp phần quan trọng giúp cho bệnh nhân nhanh khoẻ hơn. Đến khi chúng tôi thông báo kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona, nét mặt của N.T.T. rạng ngời cảm xúc sung sướng như cởi bỏ được gánh nặng trong lòng”.
Không chủ quan cả khi đã “sạch bệnh”
Nói về việc là đơn vị đầu tiên trong cả nước áp dụng, điều trị thành công theo phác đồ điều trị đối với N.T.T., BS Tiến cho rằng: Để thuận lợi cho công tác chữa trị, mỗi người dân cần chủ động bảo vệ sức khoẻ của bản thân. Trong trường hợp có dấu hiệu bất thường, chúng ta cần phải đến viện ngay để chẩn đoán, phát hiện bệnh sớm và điều trị, can thiệp, nếu xử trí kịp thời thì sẽ giảm được các biến chứng có thể xảy ra. Quan trọng hơn nữa, khi phát hiện sớm, những trường hợp mắc virus corona sẽ được cách ly kịp thời, thực hiện các biện pháp phòng hộ cho nhân viên y tế, người thân và cộng đồng tốt hơn, tránh lây lan.
Những người nhiễm nCoV, không phải trường hợp nào cũng dẫn tới nguy kịch và tử vong mà có thể nằm ở nhiều mức độ khác nhau. Đối với người khoẻ mạnh, sức đề kháng tốt, diễn biến bệnh ở mức độ thông thường. Nhưng ở người già, người có bệnh mãn tính, tình trạng suy giảm miễn dịch cao, dễ dẫn đến những biến chứng nặng, có thể tử vong. BS Tiến khuyến cáo: “Ngay cả trường hợp mắc nCoV khi đã “sạch bệnh”, được xuất viện vẫn phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch giống như người chưa mắc. Vì hiện chưa có bằng chứng về việc miễn dịch bền vững, thường đối với những virus mới sẽ không tạo ra hệ miễn dịch bền vững, cho nên người khỏi bệnh vẫn có thể bị tái nhiễm từ chính những người đang ủ bệnh. Đây chưa phải là thời gian đỉnh cao của bệnh nên việc phòng dịch cần phải rất cẩn thận”.
Cũng theo BS Tiến, may mắn là số lượng bệnh nhân nghi nhiễm nCoV đang ít nên chưa dẫn tới tình trạng quá tải. Nhưng nếu nhiều thì cần phải phân tuyến điều trị, không nhất thiết tất cả những người nghi nhiễm bệnh phải dồn về tuyến từ tỉnh đến Trung ương. Tuyến huyện cũng có thể điều trị, cách ly những ca bệnh thông thường. BS Tiến chia sẻ: “Những ca bệnh đầu tiên mắc nCoV được điều trị thành công sẽ tạo niềm tin cho nhân dân. Song chúng ta không chủ quan và cũng không nên quá hoang mang về dịch bệnh này. Chúng tôi tin rằng, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, bệnh dịch sẽ được đẩy lùi, khống chế trong thời gian tới”.
Về công tác chống dịch do nCoV, BVĐK Thanh Hoá quán triệt nghiêm ngặt: Tất cả những bệnh nhân nghi ngờ nhiễm nCoV đều phải sắp xếp, cách ly, theo dõi ở một khu vực riêng. Bệnh nhân được đeo khẩu trang, thực hiện tất cả mọi sinh hoạt trong khu phòng khép kín. Phòng theo dõi bệnh nhân luôn thoáng khí, không đóng kín cửa, không bật điều hoà vì như thế sẽ tụ tập nhiều virus, lây sang những người khác. BS Tiến khẳng định: “Chúng ta không chủ quan đối với dịch bệnh được, vì virus corona chủng mới lây qua đường hô hấp. Việc tiêu độc, khử trùng bên trong khu phòng, bề mặt tiếp xúc của các đồ vật là hết sức cần thiết. Chất thải y tế phải xử lý đúng quy định, những người tiếp xúc với bệnh nhân phải được theo dõi, cách ly trong 14 ngày.
Những cảm xúc giấu kín
Đây không phải lần đầu tiên các y, BS BVĐK Thanh Hoá chữa khỏi cho bệnh nhân khi mắc phải những dịch bệnh mới, hiểm nguy. Các y, BS Khoa Bệnh nhiệt đới, BVĐK Thanh Hoá từng chữa khỏi cho bệnh nhân mắc cúm A H5N1. BS Tiến kể rằng: Khi đó, cũng chính ông đã trực tiếp cùng với các cán bộ, y, bác sĩ trong khoa đã kịp thời chữa trị khỏi bệnh cho 3 bệnh nhân. Tới thời điểm hiện tại, khi tiếp nhận các trường hợp nghi nhiễm nCoV, BS Tiến cùng các cộng sự, lãnh đạo bệnh viện không tránh khỏi sự lo lắng, song cảm xúc đó được họ giấu kín trong lòng.
Khơi gợi mãi, BS Tiến mới chia sẻ: “Dịch bệnh do nCoV đang là vấn đề trọng điểm của Việt Nam và thế giới. Chúng tôi nhận thức rõ mức độ nghiêm trọng nên xác định phải tập trung nhiều trí tuệ, nguồn lực để xử lý, phấn đấu đạt kết quả tốt nhất. Hơn thế, nCoV lây nhiễm mạnh, có thể lây cho mọi người ngay cả các BS, nhân viên y tế. Chúng tôi có băn khoăn về việc này nên phải thực hiện tối đa các biện pháp phòng hộ để hạn chế khả năng lây nhiễm”.
BVĐK Thanh Hoá là bệnh viện đầu tiên điều trị thành công đối với trường hợp nhiễm nCoV ở Việt Nam. Những y, BS làm nên kỳ tích cần được biểu dương, khen thưởng đúng mức. Nhưng như BS Tiến cho biết thì họ mới chỉ nhận được sự biểu dương của lãnh đạo bệnh viện bằng “ba cái vỗ tay”.
Về việc này, TS Lê Văn Cường- Phó giám đốc BVĐK Thanh Hoá nói: “Việc điều trị thành công ca nhiễm nCoV khẳng định rằng bệnh viện đã tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế, cũng như các giải pháp, phương án của Sở Y tế và tỉnh Thanh Hoá đề ra. Qua đó, giúp tăng thêm sự tự tin đối với các BS, nhân viên y tế trong việc phân loại, cách ly, điều trị những ca nhiễm virus corona chủng mới; khẳng định tinh thần làm việc rất chủ động, tích cực trong điều trị dịch bệnh mới. Tuy nhiên, chúng ta cũng không được chủ quan với diễn biến khó lường của dịch bệnh nCoV”.