Sau “một giáp” kể từ ngày xảy ra biến cố tại Hang Kia - Pà Cò, chúng tôi có mặt tại 2 xã Pà Cò và Hang Kia để ghi nhận những gì đang diễn ra.
Thung lũng Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) nằm giữa dải núi Xà Lĩnh và Lương Xa, độ cao trung bình từ 800 đến 900 mét so với mặt nước biển. Nơi đây có phong cảnh hữu tình như một miền cổ tích, hơn thế còn chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc sắc như nếp nhà tranh 3 gian 2 trái, phụ nữ dệt vải, khâu áo, váy thổ cẩm… Song, để có một vùng cổ tích như hiện tại, trước đây, Hang Kia - Pà Cò đã từng là điểm nóng của tội phạm ma túy…
Thấm thoắt đã 12 năm trôi qua kể từ ngày địa danh Hang Kia (bản Hang Kia 1, xã Hang Kia) và xã Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) xảy ra vụ chống người thi hành công vụ, khiến 3 chiến sĩ công an hy sinh. Ngay sau đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã thành lập Đề án 03 nhằm tạo ra bước đột phá cho vùng đất này.
Và sau “một giáp” kể từ ngày xảy ra biến cố ấy, chúng tôi có mặt tại 2 xã Pà Cò và Hang Kia để ghi nhận những gì đang diễn ra.
Ký ức ngày trở lại
Cách trung tâm TP Hòa Bình khoảng 150 km về phía Bắc, 2 xã Hang Kia và Pà Cò giáp ranh với xã Lóng Luông (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La). Nằm ở vị trí giao thoa giữa 2 luồng nhiệt đới và cận nhiệt đới khiến thời tiết nơi đây rất khắc nghiệt. Mùa mưa là những trận mưa lớn, kéo dài gây lũ ống, lũ quét; Mùa khô lại hạn hán; Mùa đông rét đậm, rét hại cùng với đó là sương mù dày đặc.
Từ những năm 50 của thế kỷ trước, nơi đây có đông bà con người Mông. Cũng bởi tập tính, thường sinh sống trên các rẻo cao, rừng sâu nên việc giao lưu về văn hóa nhiều hạn chế. Tất cả dường như bị cô lập giữa trùng trùng của núi rừng.
Ngược dòng thời gian, trở lại ngày 5/2/2010, khi những cánh hoa đào còn nhuộm thắm ven rừng, bà con cũng vừa kết thúc một kỳ nghỉ Tết riêng biệt của mình, cái tên Hang Kia bỗng chốc “dậy sóng” khắp cả nước bởi sự việc “chống người thi hành công vụ”.
Thời điểm đó, Công an tỉnh Hòa Bình và Công an huyện Mai Châu tổ chức vây bắt Vàng A Khua (trú bản Hang Kia 1, xã Hang Kia) với tội danh buôn bán trái phép chất ma túy và bị truy nã từ 4 năm trước đó. Trong cuộc vây bắt này, 3 chiến sĩ công an đã hy sinh.
Sau khi bày tỏ muốn quay trở lại Hang Kia - Pà Cò, nơi xảy ra sự kiện ngày 5/2/2010, Trung tá Hà Công Thiếm - Đội trưởng Đội tổng hợp (Công an huyện Mai Châu) nói dứt khoát với chúng tôi: “Các anh không thể đi một mình, để chúng tôi trực tiếp đưa các anh vào!”. Nhìn ánh mắt cương quyết của vị Trung tá, người trực tiếp tham gia trận vây bắt đẫm máu của 12 năm trước, chúng tôi hiểu nỗi lo của anh.
Sau khi báo cáo lãnh đạo và gọi thêm một người nữa đi cùng, chúng tôi lên đường. Trung tá Hà Công Thiếm giới thiệu người đi cùng là Thiếu tá Sơn - Phó Đội trưởng Đội kinh tế - ma túy Công an huyện, cũng là người phụ trách Tổ công tác cắm bản tại 2 điểm nóng một thời này.
Nhớ lại ngày định mệnh ấy, Trung tá Thiếm cho hay, lúc vây bắt Vàng A Khua, anh đang là chiến sĩ Cảnh sát hình sự và là một trong 50 chiến sĩ tham gia trực tiếp chuyên án. “Tin từ trinh sát báo về, Vàng A Khua sau một thời gian lẩn trốn đã về ẩn tích tại gia đình. Phương án vây bắt nhanh chóng được Ban chuyên án lên kế hoạch chi tiết, kỹ lưỡng. Đêm 4/2, chúng tôi được lệnh lên đường” - Trung tá Thiếm nhớ lại.
Quãng đường từ huyện lỵ Mai Châu vào tới Hang Kia chỉ độ non 50km, nhưng đường đèo dốc, sương mù dày đặc.
“Hồi ấy rừng còn lấn ra tận mép đường, chứ không như bây giờ. Sương mù còn kéo dài xuống tận dốc, có những ngày mù, sương kéo đến tận trung tâm huyện. Vài năm trở lại đây con đường độc đạo này mới được bê tông hóa để thuận tiện hơn cho việc đi lại” - Trung tá Thiếm kể. Cũng bởi đường khó đi, dốc cao, rừng thẳm nên cuộc hành quân kéo dài đến tờ mờ sáng mới đến nơi.
“5 giờ, Ban chuyên án đã có mặt tại xã Hang Kia, các tổ vào vị trí bao vây nhà Vàng A Khua. 6 giờ, cán bộ trong Ban chuyên án dùng loa gọi Vàng A Khua mở cửa. Đến 7h30 phía trong nhà vẫn không có động tĩnh. Đặc biệt, con dâu Khua vẫn bình thản ra lấy nước, vo gạo nấu cơm” - Trung tá Thiếm kể.
Lúc này, Ban chuyên án quyết định phá khóa. Khi chiếc khóa vừa được phá, cánh cổng sắt chưa kịp mở thì phía trong nhà Khua vang lên 3 phát súng chỉ thiên. Tiếng đạn xé gió rít lên, khói đạn khét lẹt. Thấy tình hình “nóng”, Ban chuyên án quyết định lui quân, tiếp tục dùng loa vận động, thuyết phục.
“Dòng tên anh khắc vào đá núi”
Cuộc vận động, thuyết phục Vàng A Khua kéo dài nhiều giờ đồng hồ, người nhà Khua phần lớn đã bỏ nhà chạy về phía Ban chuyên án. Trong nhà chỉ còn lại Khua và con trai là Vàng A Của. Đến 3 giờ chiều ngày 5/2/2010, Ban chuyên án quyết định tấn công bắt Khua.
Mũi tấn công đầu gồm Đại tá Hà Thái Yềm (khi đó là Phó trưởng Công an huyện Mai Châu, chỉ huy trực tiếp chuyên án), Trung úy Sùng A Trư và Thượng úy Bùi Quốc Đại. Cả 3 nhanh chóng vượt qua quãng sân rộng cả trăm mét vuông và áp sát ngôi nhà.
“Con trai Khua là Vàng A Của đã lập gia đình, là giáo viên và sinh sống ở một căn nhà riêng nhưng vẫn thuộc khuôn viên toàn khu nhà của Vàng A Khua” - Trung tá Thiếm cho biết.
Khi mũi tấn công do Đại tá Hà Thái Yềm áp sát căn nhà đầu tiên chuẩn bị đột nhập thì Vàng A Của bất ngờ chạy về phía lực lượng công an. Khi thấy Của chạy ra, 2 đồng chí Trư và Đại chạy lên đón Của để đưa ra ngoài. Cùng lúc này phía nhà Khua xả ra một loạt đạn xối xả, hướng về phía Của.
“Loạt đạn chưa dứt thì cả 3 đều gục xuống. Đại tá Yềm nép sát đống củi gần đó cũng hứng trọn loạt đạn” - giọng Trung tá Thiếm chùng xuống: “Lúc ấy là khoảng 15h30 phút”.
Ngay sau khi cả 4 người ngã xuống, Khua cũng bị tiêu diệt trong tư thế tay vẫn cầm chặt khẩu AK, xác nằm trên miệng căn hầm được xây dựng trong nhà.
Khoảng sân rộng hàng trăm mét vuông của nhà Vàng A Khua đẫm máu. Đồng đội nhanh chóng đưa Đại tá Yềm lên cáng, ra xe cứu thương để về Bệnh viện Mai Châu cấp cứu. “Xe cứ xé sương mù mà chạy, khi biết anh Yềm có nhóm máu O, vừa ôm anh, tôi vừa gọi điện về Bệnh viện Mai Châu chuẩn bị. Nhưng anh đã trút hơi thở cuối cùng khi xe chưa kịp về đến Mai Châu. Lúc này là hơn 16 giờ” - Trung tá Thiếm nghẹn ngào kể.
“Tết năm đó là một cái Tết xót xa, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn ngỡ mới như ngày hôm qua” - Trung tá Thiếm nói và chia sẻ thêm: “Đại tá Yềm vừa là thủ trưởng, cũng là cậu ruột của tôi”.
Sau vụ nổ súng, nhiều người ở Hang Kia và bên Pà Cò là người thân, họ hàng của Vàng A Khua bị những đối tượng khác kích động. Họ đã kéo nhau tràn ra đường, bao vây và đập phá, ném đá về phía xe của Ban chuyên án. Không dừng lại ở đó, ngày hôm sau những người này còn kéo nhau bao vây, chửi bới và ném đá vào chính quyền xã. Tình hình Hang Kia vẫn nóng như chảo lửa...
(Còn nữa)