Trở lại ‘thung lũng ma túy’ một thời - Bài 2: Cuộc sống mới trên vùng đất khó

GIANG VƯƠNG 24/04/2022 08:44

“Hiện tại, ở đây không còn những ông trùm ma túy, tình trạng buôn bán lẻ vẫn còn, nhưng rất ít. Hơn 10 đối tượng bị truy nã đã được vận động ra đầu thú, trong đó có những người đã thụ án xong, trở về. Họ tái hòa nhập cộng đồng khá tốt. Điều quan trọng, họ đã có nhận thức tốt hơn về việc làm trái pháp luật của mình…”- Đó là khẳng định của những người đang ngày đêm giữ gìn an ninh, trật tự ở điểm nóng một thời này với chúng tôi.

Những đứa trẻ người Mông vẫn hàng ngày đi lại thủ phủ “Vàng A Khua” như chưa có chuyện gì xảy ra trước đó.

Mục sở thị “Boongke” của trùm ma túy Vàng A Khua

Khi chúng tôi ngỏ lời được “mục sở thị” căn nhà của trùm ma túy Vàng A Khua, Thượng úy Vàng A Hua- Trưởng Công an xã Hang Kia chia sẻ: Chuyện qua rồi, người mất cũng mất rồi, hiện tại gia đình họ đã trở lại nếp sống bình thường, cũng không nên quấy quả lại nữa. Như đọc được trong mắt chúng tôi điều gì đó, anh chép miệng: Chỉ ở phía ngoài thôi nhé!

Con đường từ trụ sở Công an xã đến nhà Vàng A Khua chỉ non 2 km, đường lởm chởm đá và bết bát, lầy lội bởi cơn mưa trước đó. Thỉnh thoảng, trên đường bắt gặp lũ trẻ lưng đeo cặp sách từ trường học trở về.

Khác hẳn với những ngôi nhà của người dân bản Hang Kia 1, “Boongke” của trùm ma túy Vàng A Khua được bao bọc bằng bức tường xây cao hơn hai mét với cổng sắt kiên cố.

“Trước đây, trên bức tường còn được gia cố một hàng rào dây thép và được giám sát bằng những chiếc camera. Sau khi Khua bị tiêu diệt, gia đình đã tự tháo dỡ những phần dây thép gai và camera rồi” - Thượng úy Hua cho hay.

Theo quan sát của chúng tôi, sau chiếc cổng sắt là khoảng sân rộng hàng nghìn mét vuông. Phía cuối sân là hai căn nhà được xây dựng theo lối kiến trúc người Mông bản địa. Một căn vợ chồng Khua ở và căn còn lại là của vợ chồng người con trai. Cả hai căn đều dựa lưng vào núi. “Chỉ cần vượt qua dẫy núi phía sau là bước sang xã Lóng Luông của huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La” - Thượng úy Hua nói.

Thượng úy Vàng A Hua cho biết thêm, sau khi bị truy nã, Vàng A Khua ngừng hoạt động buôn bán ma túy. Sau khi bị Khua bị tiêu diệt, chẳng bao lâu sau con dâu Khua cũng bị Công án tỉnh Thanh Hóa bắt vì liên quan đến một đường dây buôn bán ma túy khác. Vợ Khua sau đó cũng mất vì căn bệnh ung thư. Người con trai thứ 2 hiện đang làm ở dưới Hà Nội.

Trong vụ triệt phá điểm nóng Hang Kia và Pà Cò có một phần không nhỏ của những người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng người Mông nơi đây.

Cuộc sống bình yên đã trở lại.

Sáng kiến của người trong cuộc

Trước kia do nạn ma túy hoành hành, trình độ dân trí giới hạn, địa bàn phức tạp, nhạy cảm, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề… khiến cho một bộ phận không nhỏ người dân rơi vào tình cảnh “bán mình cho quỷ giữ”.

Để cởi bỏ nút thắt và thay đổi tư duy đã ăn sâu vào lối mòn của người dân, một sáng kiến “dòng họ tự quản” do Thiếu tá Vàng A Nhà, hiện là Trưởng Công an xã Pà Cò đúc kết từ thực tế.

Là công an địa phương tham gia trong chuyên án vây bắt Vàng A Khua, Thiếu tá Vàng A Nhà nhớ lại: “Hơn một năm trời sự kiện xảy ra tôi vẫn kinh hãi mỗi khi có chuông điện thoại gọi đến. Hai tuần trời tôi không cạo râu, tóc tai bờm xờm bởi tôi là người Mông, sinh ra và lớn lên tại đây nên đi đâu cũng bị xa lánh”.

Năm 2011, anh Nhà là Phó chủ tịch UBND xã Hang Kia, phụ trách vấn đề về an ninh quốc phòng, văn hóa giáo dục. Qua 3 năm công tác ở Hang Kia, anh đúc kết ra công tác nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp sống cũ là một trong những việc rất khó khăn đã ăn sâu vào tiềm thức hàng ngàn đời của người Mông bản địa.

“Nếu cứ tiếp tục theo lối mòn ấy thì tình hình an ninh trật tự, trồng và buôn bán ma túy sẽ không biến chuyển. Ngoài ra, lực lượng cán bộ lại mỏng, thiếu nên sẽ phải có một phương án nào thiết thực hơn” - Thiếu tá Nhà chia sẻ. Sau nhiều tháng ngày trăn trở, một sáng kiến mới được lóe lên: Dựa vào những người già, những người có uy tín trong bản.

Sáng kiến dòng họ tự quản nhanh chóng được lãnh đạo xã họp lại, thống nhất. Ngay sau đó, người có uy tín của 5 dòng họ lớn nhất ở đây gồm: họ Vàng, Giàng, Sùng, Hờ, Khà đã họp lại. Đại diện của 5 dòng họ không chỉ ủng hộ sáng kiến của anh Nhà mà họ còn cùng anh xây dựng ra một quy ước chung. “Cũng không ngờ sáng kiến ấy được lãnh đạo tỉnh, huyện và đặc biệt là những người có uy tín trong bản, trong xã ủng hộ đến thế” - Thiếu tá Nhà cho hay.

Chia sẻ với chúng tôi, già làng Vàng A Tình, nguyên là cán bộ Huyện đoàn Mai Châu cho biết: “Mình phải làm gương trước đã. Phải làm kinh tế giỏi, phải giáo dục con cái tốt, phải giúp đỡ mọi người, không được phạm pháp, không nghe kẻ xấu xúi giục”.

Khi kể về Vàng A Khua, cụ Tình nói “Khua hư, không chấp hành pháp luật, nghe theo kẻ xấu. Rồi nhiều người bị kẻ xấu xúi giục, kích động đã chặn đường của công an, ném đá vào xe công an. Mình đứng ra nói chuyện với họ, nói cho họ biết lẽ phải, biết làm cái tốt. Cán bộ là người tốt, không xúi mình làm sai đâu”.

Ở tuổi 90, cụ Tình vẫn hàng ngày lên nương làm rẫy. “Tôi vẫn khỏe lắm, ngày đi hết cả quả đồi, vẫn chăm con trâu đực của mình, vẫn giúp đỡ các gia đình và vẫn dạy các cháu học hành chăm ngoan, để bố mẹ chúng đi làm việc nhà nước” - cụ Tình chia sẻ thêm.

Trong câu chuyện con trâu đực mà cụ Tình nuôi, Thượng úy Vàng A Hua giải thích: Theo phong tục của người Mông, người già trong nhà sẽ luôn nuôi một con trâu đực, để khi khuất núi, con trâu này sẽ được giết thịt để làm của mang theo cho người đã khuất. Không chỉ thế, các con trai của người đã khuất mỗi người cũng sẽ phải góp một con trâu đực khác.

“Nhà càng nhiều con trai, số lượng trâu bị giết càng nhiều. Từ khi có quy ước của dòng họ tự quản, người dân cũng đã thay đổi nhiều, chỉ giết một con trâu thôi. Đây cũng là một trong những thay đổi tích cực tồn tại lâu đời của người Mông chúng tôi rồi” - Thượng úy Hua cho hay.

Chia tay Hang Kia, xe chúng tôi bon bon trên con đường đã trải bê tông láng bóng. Đứng trên đỉnh dốc nhìn xuống, Hang Kia nằm lọt thỏm trong thung lũng giữa bốn bề núi rừng xanh ngắt. Thấp thoáng trên những mái nhà, những đọn khói bếp tỏa lên cho bữa cơm chiều bảng lảng. Cũng trên cung đường độc đạo này, không còn những ánh mắt dò xét, cảnh giác như nỗi lo trước đó của chúng tôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trở lại ‘thung lũng ma túy’ một thời - Bài 2: Cuộc sống mới trên vùng đất khó