Xuất khẩu sụt giảm, giá tôm lao dốc, người nuôi tôm vùng đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với nhiều khó khăn. Chính bởi vậy, thông tin về Chương trình hỗ trợ lãi suất cho vay từ gói tín dụng 15 nghìn tỷ đồng mang lại cho họ nhiều kỳ vọng vượt khó.
Nhiều hộ “treo ao”
Vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 90% tổng diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước, với 680.000ha, tổng sản lượng bình quân mỗi năm khoảng hơn 780.000 tấn. Trong đó, tỉnh Bạc Liêu có hơn 126.000ha nuôi tôm với nhiều loại hình khác nhau.
Huyện Hòa Bình là địa phương có diện tích nuôi tôm theo mô hình công nghiệp, thâm canh và siêu thâm canh lớn nhất tỉnh Bạc Liêu nhưng sau thời gian sản xuất kém hiệu quả, giá tôm nguyên liệu giảm gần như chạm đáy khiến không ít người nuôi tôm rơi vào tình cảnh khó khăn, nhiều hộ đành phải ngậm ngùi “treo ao”.
Ông Cổ Tân Xuyên - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Hòa Bình chia sẻ, toàn huyện có diện tích thả tôm nuôi trên 14.400ha, trong đó, riêng nuôi tôm theo loại hình siêu thâm canh có 249 hộ và 4 công ty với diện tích trên 1.250ha. Đây là mô hình phát triển mạnh, tính hiệu quả đã được khẳng định, cho sản lượng khá cao. Tuy nhiên, theo ông Xuyên, hiện người nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đối mặt với nhiều khó khăn. “Thời gian gần đây, giá tôm giảm mạnh khiến việc sản xuất của người dân kém hiệu quả, nhiều hộ không còn vốn để duy trì sản xuất” - ông Xuyên cho hay.
Từ tháng 4/2023 đến nay, giá tôm liên tục giảm sâu từ 30 - 40% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, giá tôm sú loại 40 con/kg giá chỉ còn 110.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giá chỉ còn 70.000 đồng/kg. Giá tôm nguyên liệu lao dốc trong khi giá vật tư tăng cao khiến người nuôi tôm thua lỗ, nhiều hộ “hụt hơi” không còn khả năng duy truỳ sản xuất.
Là một trong số ít hộ còn duy trì ao nuôi, nhưng ông Nguyễn Hoàng Nam ấp Cây Sộp, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau luôn trong tâm trạng lo lắng: "Người nuôi tôm nơm nớp sợ lỗ. Hiện nay, nhu cầu vốn của người dân rất lớn, nhiều người nuôi nhỏ lẻ đều phải chịu cảnh thua lỗ nặng bởi chi phí quá cao, càng nuôi càng lỗ. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn vay gặp khó”.
Tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp Thành Công Mới (ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) với hơn 30 thành viên từng giúp nhiều tổ viên trong phát triển kinh tế vươn lên khá giả, nhưng sau thời gian giá tôm nguyên liệu giảm thấp, nhiều người đã “treo ao, bỏ đầm” tìm kế sinh nhai khác.
Theo ông Nguyễn Văn Lập - Tổ trưởng Tổ hợp tác Thành Công Mới, hơn 30 thành viên tổ hợp tác giờ có đến hơn 10 người treo ao. Thua lỗ nhiều vụ liên tiếp, nhiều hộ không có khả năng tái sản xuất, nợ tiền thức ăn đại lý, không còn khả năng trả lãi ngân hàng. “Chúng tôi kiến nghị Nhà nước có chính sách tín dụng, hỗ trợ vốn để bà con chuẩn bị cho vụ tới" - ông Lập đề xuất.
Liều thuốc bổ
Trong lúc này, gói tín dụng ưu đãi 15 nghìn tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được coi là “liều thuốc” trợ lực kịp thời giúp nông dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Chương trình được triển khai với đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án, phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản. Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam, thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ. Thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024.
Ông Tạ Hoàng Nhiệm - Giám đốc HTX tôm công nghệ cao Đông Hải (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) nhận định, việc triển khai gói tín dụng không chỉ hướng đến hỗ trợ các doanh nghiệp mà cần phải tới tay người nông dân, vì hiện nay người nuôi tôm đang rất mông chờ gói tín dụng này. Đây được xem là “phao cứu sinh” cho nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Còn theo ông Lê Văn Măng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bạc Liêu, cùng với các chính sách về tiền tệ, tín dụng, lãi suất đã và đang triển khai trong thời gian qua, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia thực hiện gói tín dụng 15 nghìn tỷ này. “Chúng tôi phối hợp với các sở, ban, ngành trong việc tổ chức thực hiện Chương trình trên địa bàn, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai để tạo điều kiện cho các tgân hàng thương mại thực hiện tốt việc hỗ trợ tín dụng đối với 2 lĩnh vực lâm sản và Thủy sản” - ông Măng cho biết.
Xung quanh vấn đề này, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận cho hay, thực hiện văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về tập trung tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu đối với ngành lâm sản, thủy sản, UBND tỉnh đã giao cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bạc Liêu chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn đặc biệt là chỉ đạo các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai thực hiện. UBND tỉnh sẽ tiếp tục giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bạc Liêu theo dõi chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai quyết liệt Chương trình, nắm bắt, tổng hợp kịp thời số liệu và những khó khăn vướng mắc báo cáo kịp thời về UBND để xem xét, tháo gỡ.