Trong những ngày đầu mùa rét, trung bình mỗi ngày khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 10-20 bệnh nhân bị đột quỵ, tăng 5-10% so với bình thường. Theo các chuyên gia y tế, đột quỵ hiện đang đứng thứ 3 trong số những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới.
Theo phó giáo sư Mai Duy Tôn, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, mùa lạnh là thời điểm bệnh nhân đột quỵ gia tăng đáng kể. Các tỉnh phía Bắc đang trong đợt giá rét đậm nên số bệnh nhân đột quỵ vào viện cấp cứu những ngày qua tăng 5-10% so với trước đây. Nguyên nhân là trời lạnh khiến huyết áp tăng, làm co mạch, máu dễ bị đông... có thể gây tắc nghẽn mạch. Ngoài ra, trong môi trường lạnh, người dân dễ mắc một số bệnh nhiễm trùng, dẫn đến đột quỵ.
Đột quỵ não (còn gọi là tai biến mạch máu não), là một nhóm bệnh gây tử vong và tàn tật khá phổ biển trên thế giới. Theo báo cáo năm 2016 của tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO), hiện có tới 17 triệu trường hợp đột quỵ mỗi năm với khoảng 6 triệu trường hợp tử vong và 5 triệu người sống sót với các di chứng gây tàn tật trong thời gian dài, thậm chí vĩnh viễn. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh đột quỵ đang gia tăng ở mức đáng lo ngại đối với cả hai giới nam và nữ ở các lứa tuổi đặc biệt là đang trẻ hóa.
Theo BS Lương Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng (Bệnh viện Bạch Mai), khi có dấu hiệu đột quỵ, bệnh nhân phải được đưa đến bệnh viện điều trị sớm và điều trị chuẩn. Theo đó, 0-6 giờ sau khi có dấu hiệu là khung giờ vàng để cấp cứu hiệu quả cho các bệnh nhân đột quỵ bằng thuốc tiêu sợi huyết.
Bệnh hay bị tái phát, lần sau thường nặng hơn lần trước. Ngay cả bệnh nhân được cứu sống, người ta thống kê khoảng 25% hồi phục hoàn toàn, 50% phụ thuộc một phần, và 25% là hoàn toàn phụ thuộc vào người khác. Vì thế, nguyên tắc chủ đạo của chăm sóc người bị đột quỵ là phát hiện và chẩn đoán sớm, điều trị cấp, dự phòng biến chứng, vận động sớm và phục hồi chức năng.
Để phòng ngừa và tránh tái phát, người bị đột quỵ không nên hút thuốc hay uống nhiều bia rượu, chăm chỉ tập thể thao, có chế độ làm việc và nghỉ ngơi khoa học… Hạn chế ăn quá nhiều chất đạm và béo. Nếu thấy các dấu hiệu chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, tê bì các chi, nửa người... thì phải vào viện để cấp cứu.
Để tránh bị đột quỵ trong thời tiết lạnh giá, các chuyên gia y tê khuyên nên giữ ấm, tránh để cơ thể lạnh đột ngột; đặc biệt giữ ấm ngực và chân. Lưu ý không tập thể dục vào sáng sớm hay buổi tối ở ngoài trời. Ngủ dậy cần ra khỏi giường một cách từ từ, ra khỏi chăn là phải khoác thêm áo ấm để sẵn trong giường; không nên dậy vào 4-5h sáng vì lúc đó huyết áp hay tăng. Bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao, béo phì, tiểu đường cần tuân thủ điều trị nghiêm túc, phòng cơn tăng huyết áp kịch phát, gây vỡ mạch máu, đột quỵ.