Một số bạn đọc hỏi, nếu một chủ nợ trong quá trình đi thu hồi tiền nợ (khoảng 100 triệu đồng) nhưng không thu được, họ đã tự động lấy tài sản của con nợ trị giá khoảng 50 triệu đồng để khấu trừ. Vậy người này có vi phạm pháp luật hay không?
Về vấn đề này, Luật sư Trần Hậu (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho biết, theo quy định tại Điều 195 Bộ luật Dân sự 2015 thì người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo uỷ quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật.
Hành vi tự ý định đoạt tài sản của người vay hay để “siết nợ” là hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu của người khác. Việc vay mượn tiền là quan hệ dân sự, chủ nợ khi không đòi được nợ thì cũng không được tự ý lấy tài sản của con nợ để gán nợ, siết nợ. Để đòi nợ đúng luật khi quá hạn, người cho vay có thể khởi kiện lên Tòa án để yêu cầu cơ quan xét xử bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hành vi lấy (chuyển dịch) tài sản đang thuộc quyền sở hữu của người khác không phải là hành vi hợp pháp và có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự.
Về tội danh xét về hành vi của chủ nợ, khi người này lén lút lấy đồ của con nợ mà chưa được sự đồng ý thì có dấu hiệu cấu thành Tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 173 BLHS 2015.
Về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự, Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định:
Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây: Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Khi có quyết định đại xá.
Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây: Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.”
Với quy định nêu trên, nếu chủ nợ bị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét thực hiện hành vi của loại tội phạm ít nghiêm trọng và người này tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được chủ tài sản hoặc người đại diện hợp pháp tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.