Hàng Việt có chỗ đứng ngày một vững chắc với người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, nếu không nỗ lực nâng sức cạnh tranh, có thể hàng Việt sẽ khó có thể giữ được chính sân nhà, chứ chưa nói đến chuyện đi chinh phục thị trường thế giới.
Khẳng định vị thế
Có thể khẳng định, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo được sự chuyển biến tích cực, cải thiện rõ nét tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam sau hơn 10 năm thực thi. Tâm lý tin yêu dùng hàng Việt Nam của người tiêu dùng ngày càng nâng cao khi phần lớn người tiêu dùng đã và đang thay đổi thói quen, quan tâm mua hàng do doanh nghiệp (DN) Việt sản xuất. Đáng chú ý, nếu như đại dịch Covid-19 hoành hành làm đứt gãy thị trường xuất khẩu, tắc nghẽn nguồn nguyên liệu cũng như làm giảm các hợp đồng thương mại... thì chính thị trường nội địa đã trở thành một bệ đỡ quan trọng cho DN Việt trong bối cảnh khó khăn đó.
Nhiều người tiêu dùng cho biết, khi lựa chọn sản phẩm trên thị trường, họ đã không còn lưu tâm đến các sản phẩm ngoại nhập như trước đây, thay vào đó, họ tìm đến các sản phẩm của DN trong nước sản xuất như bánh kẹo Hữu Nghị, sữa TH Truemilk, giày dép của Bitit’s, Bata... hay các sản phẩm thời trang của các hãng may thương hiệu trong nước như May 10, Canifa, Nem...Và tất nhiên, chính các thương hiệu này đã tạo dựng được niềm tin cho người tiêu dùng từ chất lượng sản phẩm, cho đến mẫu mã, giá thành...
Những kết quả trên thêm một lần khẳng định tính tích cực, hiệu quả rõ rệt từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cuộc vận động thực sự đã tạo được những chuyển biến tích cực ở cả người tiêu dùng cũng như DN sản xuất.
Đặc biệt, trong suốt năm 2020, bất chấp dịch bệnh diễn biến phức tạp, xuất khẩu nhiều ngành hàng bị sụt giảm, song tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nội địa vẫn đạt khoảng 4.000 nghìn tỷ đồng. Đây là kết quả đáng khích lệ, có sự đóng góp không nhỏ của Cuộc vận động.
Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), hiện hàng Việt Nam có độ phủ lớn tại hệ thống phân phối nội địa, được người tiêu dùng trong nước tin tưởng. Bên cạnh chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và giá cả phù hợp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt đã biết khai thác yếu tố văn hóa dân tộc, đặc sản vùng, miền để tiếp cận người tiêu dùng trong nước và quốc tế thông qua các hội chợ, hội nghị kết nối cung - cầu, hội nghị đặc sản vùng, miền, sản phẩm Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP)…
Không chỉ cạnh tranh trên sân nhà
Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa hàng Việt sẽ không phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Đơn cử, với thị trường Liên minh châu Âu (EU), dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa thể đánh giá tổng thể và toàn diện tác động của việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Theo nhận định của giới chuyên gia, năm 2021 cũng như những năm tiếp sau, hàng chất lượng cao từ EU sẽ gia tăng mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam. Điều này đặt ra những thách thức lớn cho hàng hóa sản xuất trong nước, buộc các DN phải nỗ lực hơn nữa để có thể cạnh tranh được với hàng hóa đến từ thị trường châu Âu.
Trên thực tế, dù có những bước cải thiện rõ nét về chất lượng hàng hóa, sản phẩm, tuy nhiên phần lớn các DN Việt vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, nguồn vốn hạn chế, chất lượng không đồng đều, còn những bất cập liện quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm mẫu mã, bao bì, hình thức cũng thưa thực sự hấp dẫn người tiêu dùng…
Khâu trung gian và lưu thông phân phối còn chiếm tỷ trọng cao, dẫn đến giá thành chưa chiếm lợi thế. Điều này khiến cho hàng Việt bị giảm sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay.
Đặc biệt khi chúng ta đang thực thi hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế là điều bắt buộc để hàng hóa xuất khẩu có thể dễ dàng bước chân vào các thị trường khó tính. Ở chiều ngược lại, khi hàng hóa nội địa đạt chất lượng cao cũng sẽ dễ dàng cạnh tranh với hàng hóa ngoại nhập ngay trên sân nhà.
Nhận định về những cơ hội của DN Việt trước những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ông Csaba Bundik - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Trung và Đông Âu tại Việt Nam, thành viên của EuroCham cho rằng, yếu tố cốt lõi nhất vẫn là chất lượng hàng hóa.
“Mở cửa có nghĩa là không còn ranh giới, các rào cản về thuế quan và phi thuế quan sẽ được gỡ bỏ. Các FTA không chỉ là lộ trình một chiều từ Việt Nam chảy sang thị trường thế giới mà ở chiều ngược lại, hàng hóa các nước sẽ chảy vào Việt Nam. Bởi vậy các DN cần phải chuẩn bị một lộ trình nhằm cạnh tranh sòng phẳng ngay tại sân nhà” - ông Bundik đồng thời nhấn mạnh, để có thể cạnh tranh được, yếu tố đầu tiên vẫn là chất lượng.
Theo vị chuyên gia, yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm chính là nâng cao kỹ năng quản trị, đầu tư công nghệ cao, hướng đến không chỉ sản xuất những sản phẩm giá rẻ, mà phải lắng nghe và phát triển đổi mới sáng tạo ở tất cả các ngành, đặc biệt là nông lâm thủy sản.
Giới chuyên gia kinh tế cũng nhận định, các thương hiệu Việt đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập dưới tác động mạnh mẽ của các FTA cũng như sự thâm nhập của nhiều kênh phân phối nước ngoài vào thị trường trong nước. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với các DN Việt đó là làm sao để cạnh tranh được với hàng ngoại nhập ngay chính tại sân nhà.