Thanh long được xếp vào nhóm 12 cây ăn quả quan trọng của Việt Nam và là 1 trong 9 cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế.
Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết: Sở đang xây dựng kế hoạch nhằm phát triển rộng diện tích trồng cây thanh long theo hướng hữu cơ trên địa bàn, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, thời gian gần đây, đơn vị phối hợp với huyện Châu Thành và doanh nghiệp triển khai thực hiện thí điểm một số mô hình sản xuất thanh long hữu cơ tại các xã Thanh Phú Long, Phú Ngãi Trị và Dương Xuân Hội của huyện Châu Thành.
Qua đó, hiệu quả bước đầu của sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ tương đối rõ nét, trong suốt quá trình sản xuất không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... mà chỉ sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân khoáng và các loại chế phẩm sinh học để bón cho thanh long.
Theo anh Nguyễn Ngọc Tài, ngụ xã Dương Xuân Hội (Châu Thành, Long An), hiện tại, gia đình đang thực hiện thí điểm mô hình trồng thanh long hữu cơ với 520 gốc. Khi sản xuất theo quy trình hữu cơ, không dùng hóa chất, cây thanh long vẫn cho quả đều đặn, năng suất khá cao. Đặc biệt, sau khi thu hoạch, cây không bị hư hao, cành vẫn phát triển tốt, không lo sợ ảnh hưởng năng suất các vụ sau. Bên cạnh đó, thanh long hữu cơ luôn đảm bảo đầu ra ổn định với giá cao hơn thị trường khoảng 10%.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An cho rằng, việc trồng thí điểm thanh long hữu cơ bước đầu đã cho hiệu quả rõ nét. Thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần khuyến khích các hộ dân tại địa phương nhân rộng mô hình này. Nếu làm được vậy thì trái thanh long sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn của những thị trường khó tính trên thế giới, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ của sản phẩm.
Long An hiện có gần 12.000 ha trồng cây thanh long, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành; trong đó, có gần 2.100 ha ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học, bẫy côn trùng, máy băm dây thanh long, tưới nước tiết kiệm.... Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch phát triển trồng thanh long theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Mô hình canh tác thanh long theo hướng hữu cơ mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường, đây là mô hình kinh tế tiêu biểu của nông nghiệp bền vững. Với những yêu cầu của thị trường không ngừng tăng cao về chất và lượng, nông sản nếu đáp ứng được các yêu cầu này thì sẽ không còn tình trạng được mùa mất giá, lợi nhuận bấp bênh và sự phụ thuộc vào thương lái. Người nông dân làm chủ được chất lượng sản phẩm nghĩa là làm chủ được thị trường.
Thanh long được xếp vào nhóm 12 cây ăn quả quan trọng của Việt Nam và là 1 trong 9 cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Thanh long hiện được trồng ở 30 tỉnh thành, nhưng phát triển mạnh thành các vùng chuyên canh quy mô lớn tập trung ở các tỉnh Bình Thuận (29.000 ha), Long An (11.000 ha) và Tiền Giang (8.000 ha) chiếm 93,6% diện tích và 95,5 % sản lượng cả nước.