Gần đến lễ Giáng sinh, nhiều người lại nhớ tới ca khúc “Giáo đường im nóng” của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ (1921-2022). Chúng tôi may mắn đã có dịp trò chuyện với nhạc sĩ lúc sinh thời, trong căn nhà ở phố Mai Hắc Đế (Hà Nội). Khi đó, ở tuổi ngoài 90, ông vẫn còn giữ được nét đẹp của một người Hà Nội xưa…
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ cho biết, từ khi lên 10, ông đã mê âm nhạc rồi. “Đến năm 12 tuổi, nghe tin thầy giáo Trần Đình Khuê mở lớp guitare Hawaine thế là tôi xin bố cho đi học. Học với thầy Khuê, thì thoảng tôi lại được đi biểu diễn cùng thầy.
Vài năm sau tôi học thêm Tây ban cầm do một người Pháp dạy. Khi sử dụng thành thạo hai loại nhạc cụ này, tôi đi biểu diễn ở mấy phòng trà, thi thoảng lại tham gia các chương trình biểu diễn từ thiện.
Trong một lần về Nam Định biểu diễn từ thiện như thế, tôi bắt gặp một cô gái Thành Nam. Lúc ấy tôi còn là học sinh trường Thăng Long ở Hà Nội. Cô ấy cũng chơi đàn và hát trong buổi biểu diễn từ thiện này. Ngay từ cái nhìn đầu tiên ấy, tôi đã cảm thấy mình yêu người con gái này.
Sau đó, chúng tôi có gặp lại đôi ba lần. Nhưng khi biết “tôi bên lương, cô bên giáo” thì tôi thấy có gì đó là tuyệt vọng rồi. Tôi buồn quá vì nghĩ như thế là mình không cưới được cô gái ấy. Vì thế mà tôi viết bài hát này”, nhạc sĩ kể.
Chưa hết tò mò, chúng tôi gặng hỏi nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ vì sao trên văn bản bài hát có ghi: “Nhạc Nguyễn Thiện Tơ; Lời: Phi Tâm Yến”. Vậy Phi Tâm Yến là ai, là bút danh của ông, hay là...?
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ cười: “Đây là bài hát đầu tay của tôi, khi đó tôi mới 17 tuổi. Ca khúc này được tôi hoàn thành nhạc trước, sau đó người bạn phổ thơ vào. Phi Tâm Yến là người bạn thân, chúng tôi chơi với nhau từ khi lên 10 tuổi. Cậu ấy tên thật là Trần Văn Phụng. Sau này tôi cũng có viết nhạc, bạn viết lời thơ trong vài ca khúc khác, nhưng giờ thất lạc hết rồi”.
Thêm một chi tiết bất ngờ. Lâu nay nhạc sĩ chỉ phổ thơ, vậy mà hơn 80 năm trước đã có chuyện “ngược đời”: thơ phổ nhạc.
Ca khúc “Giáo đường im bóng” đã đồng hành với nhiều thế hệ người nghe, và chất chứa trong nó không chỉ một câu chuyện tình tuyệt đẹp, mà còn cả một “sự tích” nhạc viết trước lời viết sau mà ít người biết tới. Lời ca thì thoáng buồn, xen chút tuyệt vọng về một mối tình đầu, nên khi hoàn thành, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ cũng không đề tặng cô gái Thành Nam Vũ Hà Tiên. Chỉ âm thầm giữ kín cho riêng mình.
Nhưng rồi vượt qua những định kiến, họ đã trở thành vợ chồng suốt từ năm 1944 đến khi “đầu bạc răng long”.