Trồng rừng mà lại thế sao?

Nam Việt 03/04/2023 07:00

Mới đây, tại cuộc họp báo thường kỳ, trả lời câu hỏi về việc Công an tỉnh Lai Châu đã bắt giữ, khám xét khẩn cấp 7 trưởng ban, 2 nguyên trưởng ban quản lý rừng phòng hộ nhiều huyện của tỉnh Lai Châu; ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói rằng “rất buồn về vụ việc này”.

Như vậy, hầu hết tất cả các ban quản lý rừng phòng hộ các huyện của tỉnh Lai Châu đều vi phạm khi mà công tác trồng rừng phòng hộ luôn được Đảng, Nhà nước ưu tiên nguồn lực. Điều này xảy ra trong bối cảnh rừng phòng hộ ở nhiều địa phương bị xâm hại khiến dư luận càng thêm bức xúc.

Được biết, đối với trồng rừng phòng hộ, tuỳ theo nguồn vốn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ban hành các thông tư hướng dẫn định mức về lập, thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu; Ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, từ đó từng địa phương căn cứ vào đơn giá, công lao động trên địa bàn để phê duyệt định mức. Việc phê duyệt dự toán cụ thể thuộc quyền UBND các tỉnh.

Cụ thể tại Lai Châu, theo quy định hiện hành, các ban quản lý rừng phòng hộ là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND các huyện, tham mưu giúp UBND huyện ban hành các văn bản hướng dẫn việc thực hiện các chính sách, chế độ và pháp luật của Nhà nước về xây dựng, phát triển và bảo vệ rừng. Đồng thời quản lý, phát triển vốn rừng phòng hộ theo quy hoạch; giao khoán cho các hộ, cộng đồng bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng mới. Hướng dẫn các hợp tác xã, doanh nghiệp lập dự án đầu tư, hỗ trợ đầu tư khi được cấp có thẩm quyền cấp phép đầu tư phát triển rừng sản xuất. Chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nghiệm thu thanh toán cho các chủ rừng và cung ứng dịch vụ giống, khuyến lâm, vật tư...

Trở lại với vụ án ở Lai Châu, ngày 17/1/2023, Thanh tra tỉnh Lai Châu ra quyết định thanh tra các dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2021. Sau thời gian củng cố tài liệu, chứng cứ, ngày 28/3/2023, Công an tỉnh Lai Châu bắt giữ 15 đối tượng, trong đó có 7 đối tượng là trưởng ban và 2 đối tượng nguyên là trưởng ban quản lý rừng phòng hộ các huyện, về hành vi đưa hối lộ. 6 đối tượng còn lại bị bắt về hành vi nhận hối lộ đều là thành viên của đoàn thanh tra tỉnh.

Việc này cho thấy sai phạm tại các ban quản lý rừng phòng hộ tại tỉnh Lai Châu là có hệ thống, có sự cấu kết, “nhìn nhau” để làm trái. Khi bị thanh tra, các trưởng ban quản lý rừng phòng hộ đã cùng nhau góp hàng trăm triệu đồng để hối lộ với mục đích xin giảm bớt các lỗi vi phạm. Điều cần nói ở đây là vi phạm xảy ra trên diện rộng, kéo dài nếu không được phát hiện thì hậu quả sẽ khó lường.

Cùng đó, đoàn thanh tra cũng “hỏng” khi mà cả 6 người của đoàn đều bị bắt vì tội nhận hối lộ.

Vụ việc cho thấy có sự bắt tay làm trái của các ban quản lý rừng phòng hộ và đoàn thanh tra tỉnh Lai Châu. Nghĩa là sai phạm có tổ chức.

Việc công an tỉnh Lai Châu nhanh chóng phanh phui sai phạm, kiên quyết xử lý cho thấy công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở tỉnh này là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, rất đáng hoan nghênh.

Có thể nói, việc có tới 7 đương kim trưởng ban quản lý rừng phòng hộ và 2 nguyên trưởng ban bị bắt là vụ án to nhất từ trước tới nay ở lĩnh vực này trong phạm vi cả nước. Xưa nay, chúng ta hay nói đến nạn lâm tặc phá rừng mà ít nói đến sai phạm từ các cơ quan được giao nhiệm vụ trồng rừng, phát triển rừng. Vì vậy, từ vụ việc ở Lai Châu rất cần gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc đục khoét ngân sách nhà nước cấp để trồng rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ. Các địa phương cần phải gấp rút rà soát, xử lý sai phạm nếu có để không làm hỏng một chủ trương lớn của Nhà nước.

Trong việc này có trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như UBND các tỉnh. Đó là việc kiểm tra, giám sát ngăn chặn sai phạm cũng như đôn đốc nhằm bảo đảm công tác trồng rừng phòng hộ được tốt. Đành rằng trách nhiệm trực tiếp thuộc về các ban chỉ đạo rừng phòng hộ (cấp huyện), UBND huyện nhưng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng như UBND tỉnh không thể vô can.

Nhân đây cũng xin được nói về việc tại nhiều địa phương, rừng phòng hộ vẫn bị phá trong khi việc trồng rừng mới không tốt. Nhà nước cấp kinh phí ưu tiên cho việc này nhưng kết quả thu được còn hạn chế. Có những nơi rừng phòng hộ bị tàn phá chỉ để lấy đất trồng keo - loại cây chỉ trồng hơn 2 năm đã khép tán, nhanh cho thu hoạch nhưng không có tác dụng giữ đất, giữ nước; đặc biệt là ở đầu nguồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trồng rừng mà lại thế sao?