Những ngày này, câu chuyện “tiến sĩ cầu lông” thu hút sự quan tâm của dư luận. Mà cụ thể luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" là tâm điểm chú ý. Tuy nhiên, đáng tiếc đó không phải là tất cả.
Nhiều năm qua, xã hội đã râm ran về các luận án tiến sĩ (TS) không giúp ích gì cho cuộc sống. Nhiều vị TS mà năng lực rất làng nhàng. Đó là những TS “giấy”. Biết là vậy nhưng để chỉ ra rõ một vị nào cũng không hẳn là điều dễ làm. Chính vì lý do “tế nhị” ấy mà trong môi trường học thuật có tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, còn trong dư luận xã hội phát sinh nghi ngờ, coi thường những “ông nghè” thời hiện đại, khiến những vị TS thật chịu hàm oan!
Không chỉ 1 mà là 7 luận án tiến sĩ cầu lông
Câu chuyện luận án TS “Nghiên cứu giải phát phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La", của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh thuộc chuyên ngành giáo dục học được công bố ngày 23/12/2021 tại Viện Khoa học thể dục thể thao (Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ VHTTDL) đã như giọt nước tràn ly. Luận án này đã được bảo vệ thành công (cấp Viện) vào ngày 16/1/2022.
Người ta không thể hiểu vì sao chỉ một việc đơn giản là chơi cầu lông lại có thể là đề tài của một luận văn TS. Thật đáng ngại khi được cơ quan có trách nhiệm giới thiệu là luận án đã có nhiều đóng góp mới, các giải pháp đưa ra có tác dụng nâng cao thể lực cho công chức, viên chức thành phố Sơn La.
Nhiều ý kiến đã bày tỏ sự ngạc nhiên về luận án TS này. Người ta cho rằng đề tài không đủ tầm của một luận án TS, nó chỉ nên viết ra như một bài báo thông thường phản ánh việc chơi cầu lông hàng ngày in trên báo tỉnh để động viên phong trào mà thôi. Vì rằng luận án “TS cầu lông” không đóng góp gì cho xã hội hay cộng đồng khoa học; không có tính thực tiễn cùng như tính học thuật, không bõ công để nghiên cứu.
Nhưng còn bất ngờ hơn nữa khi không chỉ có 1 luận án “TS cầu lông" nói trên, mà ít ra còn có 6 luận án khác liên quan đến lĩnh vực cầu lông ở các cơ sở đào tạo trên cả nước đã được công bố từ năm 2018 đến nay, tất cả đều thuộc chuyên ngành giáo dục học. Cụ thể: (1). Luận án "Nghiên cứu xây dựng chương trình và tổ chức luyện tập ngoại khóa cầu lông cho học sinh THPT thành phố Tuyên Quang", công bố ngày 24/12/2021; (2). Luận án "Nghiên cứu xây dựng mô hình nữ vận động viên cầu lông cấp cao Việt Nam", công bố ngày 27/10/2021; (3). Luận án "Nghiên cứu đổi mới chương trình giảng dạy cho sinh viên chuyên sâu cầu lông ngành giáo dục thể chất theo học chế tín chỉ tại Trường ĐH Cần Thơ", công bố ngày 14/12/2020; (4). Luận án "Nghiên cứu xây dựng chương trình tập luyện ngoại khóa môn cầu lông cho sinh viên đại học khối các trường kỹ thuật thành phố Thái Nguyên", công bố ngày 30/7/2019; (5). Luận án "Nghiên cứu mô hình câu lạc bộ cầu lông trong một số trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội", công bố ngày 1/11/2018; (6). Luận án "Nghiên cứu lựa chọn bài tập nâng cao hiệu quả giảng dạy kỹ thuật tay cho sinh viên chuyên ngành cầu lông khoa sư phạm thể dục Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh", công bố ngày 21/6/2018.
Người ta đặt câu hỏi: Môn cầu lông có gì ghê gớm mà nhiều người làm luận án TS đến thế? Những luận án ấy có góp phần thúc đẩy môn cầu lông nước nhà không? Đề tài quá xa lạ với nghiên cứu khoa học bậc cao tại sao vẫn được thông qua?
Nói như GS.TSKH Ngô Việt Trung - nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam thì cái gốc vấn đề nằm ở quy chế bảo vệ luận án TS đã bị tầm thường hóa. Còn dư luận cho rằng có sự móc ngoặc rất không trong sáng giữa nghiên cứu sinh - cơ sở đào tạo - người hướng dẫn, người phản biện và hội đồng bảo vệ luận án.
Trả lại sự liêm chính của môi trường khoa học
Học vị TS là cần thiết để bước vào con đường nghiên cứu chuyên nghiệp, có những đóng góp thực chất cho xã hội. Tuy nhiên, học vị TS còn giúp nhiều người được “thăng quan tiến chức”. Vì thế, việc nhiều người mơ ước có được học vị TS cũng là dễ hiểu và nhiều “lò ấp TS” xuất hiện cũng không phải là điều quá ngạc nhiên.
Với những TS kiểu này, học vị chỉ giúp được cho cá nhân anh (chị) ta còn thì không giúp ích được gì cho xã hội. Lợi dụng tiêu cực trong môi trường học thuật, nhiều người đã nhanh chân “chạy” được tấm bằng TS với những đề tài nghiên cứu quá dễ dãi, không xứng đáng. Vì thế, khi nói đến lỗi để dẫn đến tình trạng này thì lỗi trước tiên thuộc về nghiên cứu sinh, người trực tiếp báo cáo, thực hiện đề tài.
Lỗi tiếp theo thuộc về người hướng dẫn. Trong nghiên cứu khoa học, dù ở cấp nào thì người hướng dẫn vẫn rất quan trọng. Họ sẽ là người thẩm định đề tài, xem xét chuẩn mực và tính đúng đắn của đề tài. Họ đều là giáo sư, phó giáo sư thì không lẽ gì không biết đề tài ấy có xứng để làm luận án TS hay không. Với những đề tài vụn vặt, không giúp ích gì cho xã hội mà họ vẫn thông qua tức là họ đã chấp nhận tiêu cực trong khoa học - môi trường cần sự liêm chính gần như tuyệt đối.
Lỗi thứ ba thuộc về hội đồng xét duyệt các luận án TS kiểu này. Theo quy định, để bảo vệ thành công một luận án TS, cần phải trải qua ít nhất 3 vòng bảo vệ độc lập: (1) Đánh giá luận án cấp đơn vị chuyên môn; (2) Phản biện độc lập luận án; (3) Đánh giá luận án ở hội đồng cấp cơ sở đào tạo. Nghe có vẻ chặt chẽ, cho dù có thể “thoát” ở khâu người hướng dẫn thì cũng không thể “lọt lưới” trước hội đồng. Nhưng tiếc thay, nó vẫn “trôi” và rồi đẻ ra những TS không xứng đáng.
Nhiều người cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới việc có nhiều TS “giấy” là do quy định, quy trình đào tạo TS không chặt chẽ. Tuy nhiên, nếu xem lại quy định, quy trình đào tạo TS sẽ thấy khá chặt chẽ, tương đương với hệ thống đào tạo của các nước có nền giáo dục tiên tiến. Như vậy, vấn đề ở đây phải là “yếu tố con người”, tiêu cực (có thể nói như vậy) của cả “một dây”.
Sau vụ “TS cầu lông”, đồng ý với một số ý kiến cho rằng cần xem lại quy chế đào tạo TS, tuy nhiên người viết bài này cho rằng điều đó cần thiết nhưng không phải cốt lõi. Cốt tử phải là xem lại tư cách của những con người liên quan. Lý do gì khiến họ vô trách nhiệm đến như vậy khi đưa vào xã hội những TS “giấy”. Và cuối cùng là xử lý ra sao không phải chỉ để cảnh báo, răn đe mà còn để làm trong sáng môi trường khoa học, học thuật.
Không xử lý triệt để, hệ lụy sẽ kéo dài
Nạn TS “giấy”, tiêu cực trong môi trường học thuật đã gây bức xúc từ lâu. Nhưng do không được giải quyết triệt để nên nó vẫn tồn tại.
Vụ sai phạm tại Trường ĐH Đông Đô (được phát hiện vào cuối năm 2020) đã gây chấn động với việc cơ sở đào tạo này đã cấp hơn 600 bằng cử nhân tiếng Anh giả (hệ văn bằng 2), trong đó, theo cơ quan điều tra, có nhiều người "mua" bằng là cán bộ công chức nhà nước. Đáng chú ý có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án TS.
Lúc bấy giờ, có ý kiến thành viên tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục - đào tạo, cho rằng trong vụ này có trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), những cá nhân sử dụng văn bằng 2 của Trường ĐH Đông Đô nếu là nạn nhân, bị lừa mà đăng ký học văn bằng 2 của trường này thì thu hồi văn bằng, hủy kết quả công nhận TS. Nhưng nếu có bằng chứng họ biết cơ sở đào tạo sai mà vẫn đăng ký học, bỏ tiền ra mua bằng thì có thể truy tố.
Cũng trước khi vụ “TS cầu lông” bùng ra ít ngày, người ta còn ngỡ ngàng trước việc Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm tại Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2015-2019, nơi hàng năm đào tạo trên 200 TS, trên 1.000 thạc sĩ các ngành, chuyên ngành. Trong đó có việc nhiều Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp cơ sở được xác định là thực hiện không đúng quy định khi nghiệm thu trong cùng một ngày nhiều đề tài.
Cụ thể, tại Viện Nghiên cứu Châu Âu có: 14 đề tài vào ngày 8/12/2015; 14 đề tài vào ngày 7/12/2015; 18 đề tài vào ngày 6/12/2016; 18 đề tài vào ngày 12/12/2017; 16 đề tài vào ngày 5/12/2018; 15 đề tài vào ngày 25/11/2019 (1 hội đồng).
Tại Viện Ngôn ngữ học có 26 đề tài vào ngày 26/12/2016 (6 hội đồng); 13 đề tài vào ngày 17/12/2018 (2 hội đồng); 22 đề tài vào ngày 19/11/2019 (2 hội đồng).
Tại Viện Sử học có: 7 đề tài trong buổi chiều ngày 13/11/2019; 11 đề tài trong ngày 15/11/2019 (2 hội đồng).
Chỉ nhìn vào số đề tài được nghiệm thu gấp gáp, qua loa đến như vậy cũng đã đủ thấy thực chất và bản chất của vấn đề.
Dân tộc Việt Nam luôn ngưỡng mộ những người say mê và thành đạt bằng con đường học vấn. Và cũng chính vì thế rất coi thường những người vấy bẩn môi trường học tập, tu dưỡng, nhất là môi trường học thuật đỉnh cao. Những vụ việc kỳ cục mới đây trong đào tạo TS cần phải được xử lý tới nơi tới chốn để người dân có thể tự hào Việt Nam có nhiều TS, chứ không phải để xã hội nghi ngờ những “ông nghè” thời nay.
Ngày 8/5, trao đổi với báo chí, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) Nguyễn Thu Thủy cho rằng, quy định về việc đánh giá chất lượng luận án, hàm lượng khoa học của từng luận án là minh bạch, rõ ràng và trước hết là trách nhiệm của cơ sở đào tạo, của người hướng dẫn, của đơn vị chuyên môn và các nhà khoa học tham gia vào các bước đánh giá luận án, trong đó, vai trò của người hướng dẫn là quan trọng nhất. Vì vậy phải luôn đề cao đạo đức khoa học, nghiêm minh, trung thực, khách quan. Đối với việc đào tạo TS, là bậc học cao nhất trong hệ thống đào tạo nhân lực có trình độ cao, các cơ sở đào tạo phải tập trung nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng.