Chỉ còn hơn 10 ngày nữa sẽ diễn ra Lễ Khai giảng năm học 2024 - 2025 trên cả nước. Năm học mới luôn mang theo nhiều hy vọng. Tuy nhiên, với một vài “sự cố” gần đây cũng nhắc chúng ta rằng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước.
Ngày 21/8, hàng trăm phụ huynh đã “vây” Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đợi câu trả lời từ Ban Giám hiệu nhà trường về việc không tiếp nhận một số học sinh có địa chỉ thường trú tại phường Tây Mỗ (thậm chí nhiều em nhà sát trường). Phụ huynh yêu cầu minh bạch thông tin, công khai tuyển sinh. Vì có người cho rằng có thể vì lý do nào đó nhà trường đã nhận nhiều học sinh “suất ngoại giao” nên hết chỗ cho học sinh đúng tuyến.
Ngay sau đó, lãnh đạo nhà trường cũng như lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận đã lên tiếng giải thích và cho biết sẽ sớm có phương án giải quyết.
Một vụ việc khác xảy ra tại tỉnh Thái Bình cũng thu hút sự quan tâm của dư luận, khi thanh tra xác định 2.769 bài thi tự luận bị sai điểm và 1.589 thí sinh bị sai tổng điểm xét duyệt trong kỳ thi vào lớp 10 năm nay. Thanh tra tỉnh Thái Bình cho biết trong tổng số các bài thi bị sai điểm và sai tổng điểm xét duyệt, có tới 781 thí sinh có tổng điểm xét tuyển cao hơn, 808 thí sinh có tổng điểm xét tuyển thấp hơn tổng điểm đã công bố.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến sai phạm đã được chỉ ra. Riêng với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này tiếp tục bị đình chỉ công tác thêm 15 ngày (kể từ ngày 21/8) để phục vụ công tác thanh tra.
Với vụ việc xảy ra ở trường Tiểu học Tây Mỗ 3, nguyên nhân chính được cho là do trường mới tách ra từ trường khác, cùng đó là phải bảo đảm sĩ số không quá 35 học sinh/lớp theo quy định; nên “thừa ra” một số học sinh cho dù đúng tuyến. Còn trong vụ việc thứ hai tại tỉnh Thái Bình thì bất cứ lý do nào dẫn đến sai phạm cũng đều không thể chấp nhận.
Thiếu trường, lớp là tình trạng lặp đi lặp lại nhiều năm tại Hà Nội, nhất là với các quận nội thành. Trước tiên là do quỹ đất eo hẹp. Lãnh đạo UBND thành phố cũng từng nhiều lần khẳng định sẽ ưu tiên quỹ đất “sạch” để xây dựng trường lớp, nhằm kéo giảm sĩ số học sinh trong từng lớp, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn để tăng cường chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, điều đó diễn ra chậm chạp, tình trạng học sinh chen chúc trong lớp vẫn khá phổ biến.
Việc sắp vào năm học mới nhưng Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 vẫn lúng túng trong việc tiếp nhận học sinh cũng nằm trong bối cảnh chung đáng buồn đó ở Hà Nội.
Còn với tỉnh Thái Bình, sai sót điểm khi tuyển sinh vào lớp 10 phải được coi là nghiêm trọng. Được biết, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 tỉnh Thái Bình diễn ra từ ngày 7- 8/6 với trên 20.500 thí sinh tham dự tại 30 hội đồng coi thi với 31 điểm thi, 864 phòng thi. Trong đó có hơn 1.100 thí sinh đăng lý dự thi và xét tuyển vào Trường Trung học phổ thông (THPT) Chuyên Thái Bình, hơn 19.400 thí sinh đăng ký dự thi vào các trường THPT công lập không chuyên. Năm học 2024-2025, tỉnh này có 16.275 chỉ tiêu vào 365 lớp của 30 trường THPT.
Để bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho kỳ thi, tỉnh đã điều động khoảng 3.000 người thuộc ngành Giáo dục trong tỉnh tham gia, đồng thời huy động trên 600 người thuộc các lực lượng công an, y tế, thanh niên tình nguyện và các lực lượng khác.
Xem ra việc chuẩn bị cho một kỳ thi quan trọng ở tỉnh Thái Bình là rất bài bản, nhưng vì sao “con voi” vẫn “chui lọt lỗ kim”?
Lâu nay, thi vào lớp 10 được coi là hết sức quan trọng đối với nhiều địa phương, nhất là ở những thành phố đông dân. Nhiều người cho rằng, thi vào lớp 10 còn khó hơn thi đại học, vì thế cả phụ huynh lẫn học sinh đều căng thẳng cao độ. Nhất là thi vào trường THPT chuyên và trường THPT công lập, đó là “mùa thi” gian nan, khi mà điểm trúng tuyển cao trong khi tỉ lệ được vào trường rất hạn chế. Chính vì thế, công bằng phải là tiêu chí hàng đầu của cuộc thi này.
Việc sai phạm trong chấm thi, tuyển sinh làm mất bình đẳng trong giáo dục, khi lẽ ra thí sinh trúng lại bị đánh trượt và thay vào đó là những thí sinh không đủ điểm. Học đường phải luôn là môi trường trong sáng, lành mạnh. Những khuất tất trong môi trường ấy là không thể chấp nhận.
Chính vì thế, chỉ với hai vụ việc kể trên (tuy tính chất, mức độ và bản chất khác nhau) nhưng dư luận vẫn đòi hỏi phải có câu trả lời rõ ràng, ai phải chịu trách nhiệm và xử lý đến đâu. Câu trả lời cần được đưa ra sớm nhất để chúng ta cùng bước vào năm học mới 2024-2025 với nhiều niềm vui hơn.