Theo dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, đang được Bộ Tư pháp thẩm định thì hành vi đi lùi, đi ngược chiều trên cao tốc sẽ bị xử phạt ở mức rất nặng.
Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu cho biết đang thẩm định Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Dự thảo nghị định nhằm hướng dẫn quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Dự thảo này do Bộ Công an xây dựng.
Đáng chú ý, so với dự thảo lấy ý kiến hồi tháng 8, tại dự thảo lần thứ 3, Bộ Công an đã đề xuất điều chỉnh tăng mức phạt tiền, trừ điểm giấy phép lái xe (bằng lái) trong một số trường hợp vi phạm. Theo Luật thì mỗi bằng lái xe có tổng cộng 12 điểm.
Cụ thể, với hành vi lái xe ô tô đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc, Bộ Công an đề xuất mức phạt từ 30 - 40 triệu đồng. Cùng với đó, đề xuất trừ 12 điểm bằng lái (trừ hết sạch điểm). Mức phạt này bằng với vi phạm nồng độ cồn ở ngưỡng cao nhất. Trước đó, tại dự thảo lấy ý kiến hồi tháng 8 và quy định hiện hành, mức phạt với hành vi này là 16 - 18 triệu đồng, đề xuất trừ 6 điểm bằng lái xe.
Cũng theo dự thảo mới, Bộ Công an đề xuất phạt 10 - 12 triệu đồng với hành vi dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp và đặt biển hoặc đèn cảnh báo về phía sau xe khoảng cách tối thiểu 150m khi dừng xe, đỗ xe trong trường hợp gặp sự cố kỹ thuật hoặc bất khả kháng khác buộc phải dừng xe, đỗ xe trên một phần làn đường xe chạy trên đường cao tốc; quay đầu xe trên đường cao tốc. Ngoài phạt tiền, người lái xe còn bị trừ 6 điểm giấy phép lái xe (GPLX). Như vậy, so với dự thảo hồi tháng 8, mức đề xuất phạt tiền giữ nguyên nhưng mức trừ điểm bằng lái tăng gấp đôi từ 3 điểm lên 6 điểm.
Bên cạnh đó, các hành vi gồm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "cấm đi ngược chiều" cũng được đề xuất tăng mức xử phạt tiền lên từ 6 - 8 triệu đồng so với mức đề xuất từ 4 - 6 triệu đồng ở dự thảo hồi tháng 8. Mức trừ điểm bằng lái của các hành vi này từ 3- 4 điểm, cao hơn so với đề xuất ở dự thảo hồi tháng 8.
Lý do để dự thảo nâng mức phạt hành vi lùi xe trên đường cao tốc lên mức rất cao, theo Bộ Công an là do thời gian qua tình trạng vi phạm các quy định trên đường cao tốc diễn ra phức tạp; hiện tượng đỗ xe, lùi xe, đi ngược chiều trên cao tốc có nguy cơ gây mất an toàn giao thông, đã có những trường hợp gây tai nạn giao thông gây bức xúc trong dư luận.
Có lẽ rất nhiều người vẫn nhớ vụ tai nạn thảm khốc xảy ra vào ngày 19/11/2018 giữa chiếc xe Innova với xe container trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Theo đó, tài xế Ngô Văn Sơn (sinh năm 1978, trú tại Bắc Ninh) chở 10 khách di chuyển lên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên để đi ăn cưới. Khi tài xế Sơn di chuyển qua nút giao Yên Bình (Thái Nguyên) thì bị lạc đường và đã điều khiển xe đi lùi với mục đích đi ra tại nút giao Yên Bình. Trong quá trình sai phạm đó, chiếc đầu kéo kéo theo rơ moóc do anh Lê Ngọc Hoàng (sinh năm 1985, trú tại Thái Bình) di chuyển hướng Hà Nội – Thái Nguyên đi tới và xảy ra va chạm khiến 4 người tử vong và nhiều người khác bị thương trên xe Innova.
Hành vi điều khiển phương tiện đi lùi trên cao tốc là vô cùng nguy hiểm cho chính xe vi phạm và các phương tiện khác lưu thông trên tuyến. Thực tế trên đòi hỏi cần phải điều chỉnh mức chế tài xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm liên quan đến đường cao tốc. Trong số này có hành vi đi ngược chiều hoặc lùi xe trên cao tốc.
Hồi tháng 8, khi Bộ Công an công bố dự thảo nghị định, đề xuất trừ 6 điểm GPLX đối với hành vi điều khiển ô tô đi lùi hoặc đi ngược chiều trên cao tốc thì dư luận cho rằng mức trừ điểm như vậy còn quá nhẹ, vì đây là hành vi vô cùng nguy hiểm.
Theo quy định tại luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, mỗi GPLX có 12 điểm, số điểm bị trừ mỗi khi người có GPLX vi phạm giao thông, tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi đó. Tại dự thảo nghị định, Bộ Công an đề xuất quy định 189 hành vi, nhóm hành vi bị trừ điểm GPLX; trong đó 28 hành vi, nhóm hành vi bị trừ 12 điểm (tức là chỉ cần vi phạm 1 lần sẽ bị trừ hết sạch điểm).
Các hành vi bị trừ 12 điểm GPLX như: vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở, điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong cơ thể có chất ma túy, chạy quá tốc độ trên 35 km/giờ, đua xe trái phép, lùi xe hoặc đi ngược chiều trên cao tốc… Nếu bị trừ hết điểm, người có GPLX không được điều khiển phương tiện theo loại GPLX đó, sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm thì được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ do CSGT tổ chức. Kết quả đạt yêu cầu, GPLX sẽ được phục hồi đủ 12 điểm.
Bộ Công an cho hay, việc quy định trừ điểm thay vì tước GPLX vừa có tính chất răn đe vừa có tính chất giáo dục, động viên đối với người vi phạm. Mỗi lần bị trừ điểm như là "tiếng chuông" cảnh báo giúp người lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn. GPLX chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống. Quy định này còn giúp cơ quan nhà nước quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cho đến quá trình chấp hành pháp luật…