Trưng bày báo chí nhân 70 năm Cách mạng tháng Tám

Minh Quang 28/08/2015 06:10

Sáng nay (28/8), Bảo tàng Lịch sử quốc gia chính thức khai mạc trưng bày chuyên đề “Sưu tập Báo chí cách mạng Việt Nam giai đoạn 1925-1945”. Hơn 200 hình ảnh, tài liệu hiện vật quý, đặc biệt là bộ sưu tập báo chí cách mạng trong giai đoạn này đã cho người xem thấy những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng vào Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945.

Trưng bày báo chí nhân 70  năm Cách mạng tháng Tám

Báo Cứu Quốc, được trưng bày tại triển lãm.

Trưng bày báo Cứu Quốc

Triển lãm diễn ra tại phòng Trưng bày chuyên đề của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Những hình ảnh, hiện vật tư liệu trưng bày lần này đang được được giữ tại các Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Thái Nguyên, Bảo tàng Sơn La…

Theo đó, tại triển lãm chuyên đề này, 91 đầu báo, tạp chí xuất cách mạng bản từ 1925-1945 được trưng bày theo các mốc thời gian: Báo chí giai đoạn từ 1925-1930; giai đoạn từ 1930-1936; giai đoạn 1936- 1939; giai đoạn 1939- 1945.

Trong đó, Báo chí cách mạng giai đoạn 1925-1930 tiêu biểu như các tờ Thanh Niên, Bôn-sê-vích, Công Nông Binh, Thân Ái, Búa Liềm, tạp chí Công hội Đỏ, Lao Động, Hầm Mỏ, Dân Cày, Giải Thoát; Sao Đỏ… tập trung tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản trong quần chúng, giương cao ngọn cờ chủ nghĩa Mác-Lênin, cổ động quần chúng lao động, trước hết là công nhân, tham gia đấu tranh và xây dựng tổ chức, bảo vệ quyền lợi thiết thực hàng ngày và đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc; Góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ nhận thức về Chủ nghĩa Mác Lênin, nắm vững đường lối chính trị của Quốc tế cộng sản cho các đảng viên cộng sản, từ đó giúp họ vận dụng đúng đắn vào thực tiễn tổ chức đấu tranh cách mạng.

Báo chí cách mạng giai đoạn 1930-1936: gồm các tờ Tạp chí Đỏ, Tranh Đấu, Tiến Lên, Cờ vô sản, Giác ngộ, Tin Tranh đấu Bắc kì, Người Lao Khổ, Công Nông Binh, Giải phóng, Đỏ, Hồn Lao động, Phấn đấu, Dân cày, Lưỡi cày, Con đường sống, Xích xinh, Học sinh…

Báo chí thời kỳ này đã làm đúng chức năng “người tổ chức tập thể” đóng góp tích cực vào việc khôi phục và phát triển Đảng, các tổ chức quần chúng, gắn chặt nhiệm vụ xây dựng về tổ chức với đấu tranh chính trị và lý luận. Báo chí được xuất bản bằng nhiều cách: bút thép trên giấy sáp, đánh máy trên giấy sáp, mực tím trên giấy, rồi in trên bàn thạch, hay đất sét, chép tay làm nhiều bản. Trong điều kiện hoạt động bí mật, bất hợp pháp, nên mỗi tờ báo khuôn khổ các số không đều nhau, loại giấy không thống nhất, lúc giấy tốt, khi giấy xấu, khi bị nhòa nhiều, khi không định kỳ.

Người xem cũng được xem lại những tờ báo cách mạng giai đoạn 1936-1939: Le Travail, Tân xã hội, Nhành Lúa, Rasemblement, Kinh tế Tân Văn, L’avant garde, Le Peuple, En avant, Tiến Hóa, Tin Tức, Dân chúng, Thế giới, Dân Tiến, Lao động, Dân Muốn, Notre voix, Đông Phương, Tiến Lên, Mới, Hồn trẻ, Bạn Dân, Hà Thành thời báo, Phổ Thông, Đời Nay… có nội dung tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, Quốc tế Cộng sản, Liên Xô, Đảng cộng sản Pháp và Mặt trận nhân dân Pháp, Mặt trận chống phát xít, cổ động quần chúng tham gia các cuộc vận động Đông Dương Đại hội, bầu cử và đấu tranh nghị trường, phát động quần chúng đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ, tự do báo chí…

Do đặc thù báo chí giai đoạn này xuất bản công khai, nửa hợp pháp với nhiều hình thức như: ra báo chữ Pháp, chuyển báo đã được phép xuất bản từ trước sang phục vụ cách mạng, thuê mượn mua lại báo của người khác, xin phép ra báo và ra báo tiếng Việt không xin phép nên các báo được lựa chọn để trưng bày trong giai đoạn này sẽ trưng bày theo hai nhóm: báo cách mạng từ số đầu đến cuối và báo chỉ có một thời đoạn là báo cách mạng.

Đặc biệt ở phần trưng bày báo chí cách mạng giai đoạn 1939-1945, trong số các tờ báo tiêu biểu có báo Cứu Quốc- cơ quan tiền thân của báo Đại Đoàn Kết ngày nay. Cùng với các tờ báo khác như Việt Nam Độc Lập, cờ Giải phóng,… báo Cứu Quốc giai đoạn này quán triệt các Nghị quyết của Đảng và chủ trương của Tổng bộ Việt Minh, bám sát từng bước tiến triển của cách mạng, đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuẩn bị, tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thắng lợi.

Giai đoạn này, số lượng báo tuy không nhiều bằng các thời kỳ trước, nhưng chất lượng bài vở tốt hơn, nội dung phong phú hơn, hình thức trình bày đẹp hơn. Nhiều tờ báo tồn tại lâu hơn thời kỳ bí mật trước đó.

Trưng bày báo chí nhân 70  năm Cách mạng tháng Tám - 1

Báo Dân Chúng, được trưng bày tại triển lãm.

Bộ sưu tập truyền đơn thời kỳ cách mạng tháng Tám

Ngoài 91 đầu báo được trưng bày, tại triển lãm này còn giới thiệu tới công chúng sưu tập truyền đơn thời kỳ tiền khởi nghĩa, gắn với sự ra đời và hoạt động của Mặt trận Việt Minh và Trung đội cứu quốc quân tiến tới thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, cao trào kháng Nhật cứu nước, Cách mạng tháng Tám thành công…

Bao gồm các truyền đơn của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh, Việt Nam Công giáo kháng Nhật cứu quốc Hội…kêu gọi binh lính Pháp phản chiến, kêu gọi đồng bào Việt Nam ủng hộ cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, kêu gọi đồng bào không đi lính, không nộp thóc cho Nhật, kêu gọi gia nhập Việt Minh chấn chỉnh mở rộng các đội võ trang chuẩn bị khởi nghĩa, kêu gọi nhân dân đoàn kết đánh đổ chính quyền thân Nhật, quyên góp tiền quỹ mua súng đánh Nhật…

Cùng với đó là một số hiện vật liên quan đến hoạt động in ấn, phát hành báo chí, truyền đơn cách mạng những năm trước Cách mạng tháng Tám 1945.

Trưng bày chuyên đề “Sưu tập Báo chí cách mạng Việt Nam 1925-1945 ” diễn ra từ hôm nay, kéo dài tới cuối năm 2015 sẽ giúp khách tham quan hiểu hơn về một thời kỳ biên tập, in ấn, phát hành đầy khó khăn, gian khổ của các thế hệ người làm báo. Cao hơn nữa là sự hy sinh, mất mát của chính những người chiến sĩ cầm bút và biết bao quần chúng nhân dân, cơ sở cách mạng đã bảo vệ, nuôi giấu cơ quan biên tập, in ấn báo trong hoàn cảnh hiểm nguy những năm trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trưng bày báo chí nhân 70 năm Cách mạng tháng Tám