Hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 29/5 đã đưa ra lời đe dọa cắt giảm lượng đất hiếm xuất khẩu sang Mỹ như một đòn phản công trong cuộc chiến thương mại, có khả năng chặn nguồn cung ứng quan trọng đối với Mỹ trong việc chế tạo hàng loạt thiết bị kỹ thuật, từ smartphone tới thiết bị quốc phòng…
Trung Quốc có thể sử dụng đất hiếm để đối trọng với các đòn áp thuế của Mỹ. (Nguồn: AP).
Lời cảnh báo này là đòn công kích mới nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nâng mức thuế với hàng hóa của Trung Quốc và liệt Tập đoàn công nghệ Huawei vào danh sách đen hồi đầu tháng này. Các vòng đàm phán thương mại giữa hai bên cũng bế tắc.
Trong hôm 29/5, Huawei đã tăng cường cuộc chiến pháp lý của họ, tuyên bố rằng họ đã đệ đơn lên tòa án Mỹ nhằm đảo ngược lệnh cấm công ty này cung cấp trang thiết bị cho các cơ quan liên bang Mỹ do quan ngại an ninh. Bắc Kinh trước đây từng cảnh báo rằng họ có thể hạn chế lượng đất hiếm xuất sang Mỹ, khi tuần trước công bố một số hình ảnh cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình đi thăm một nhà máy đất hiếm ở Cám Châu, miền Trung Trung Quốc.
Một quan chức thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc đã đưa ra một lời cảnh báo mới về đất hiếm. “Các bạn đã hỏi rằng liệu đất hiếm có trở thành biện pháp phản kháng của Trung Quốc nhằm vào Mỹ hay không. Điều tôi có thể nói với các bạn là nếu bất cứ ai muốn sử dụng các sản phẩm chế tạo từ lượng đất hiếm xuất khẩu của chúng ta để kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc, tôi chắc chắn rằng người dân ở Cám Châu và toàn Trung Quốc sẽ không hài lòng với điều đó” – kênh truyền thông nhà nước dẫn lời vị quan chức này nói.
Vị quan chức trên thêm rằng, các nguồn lực đất hiếm nên “phục vụ cho nhu cầu trong nước trước”, nhưng Trung Quốc cũng luôn sẵn sàng đáp ứng “nhu cầu hợp pháp của các nước trên thế giới”. Giá cổ phiếu của các công ty đất hiếm đã tăng trên các thị trường cổ phiếu Thượng Hải, Thẩm Quyến trong phiên giao dịch hôm 29/5.
Vũ khí hóa đất hiếm?
“Khuấy động một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Mỹ chịu rủi ro mất đi nguồn cung ứng nguyên liệu đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức mạnh công nghệ của họ” – Hãng Tân Hoa Xã viết trong một bài xã luận. Trong khi tờ Global Times cũng có bài viết tương tự, trong đó nói rằng “Mỹ sẽ hối hận vì buộc Trung Quốc sử dụng tới chiêu bài đất hiếm”.
Được biết, Trung Quốc sản xuất tới hơn 95% lượng đất hiếm của toàn thế giới, và 80% lượng đất hiếm mà Mỹ nhập khẩu là từ Trung Quốc. Đất hiếm là kim loại đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất mọi thiết bị công nghệ, từ smartphone, TV, camera cho tới bóng đèn. Bởi vậy việc Trung Quốc kiểm soát lượng đất hiếm xuất sang Mỹ có thể ảnh hưởng tới lĩnh vực công nghệ của nước này.
Huawei từng kiện Chính phủ Mỹ liên quan tới một bộ luật quốc phòng được Quốc hội Mỹ thông qua hồi năm ngoái, trong đó cấm các cơ quan chính phủ sử dụng trang thiết bị của công ty này. Họ cũng đối mặt với một chỉ thị mới đây của chính quyền Trump, trong đó cắt giảm việc sử dụng các thiết bị thành phần mà Huawei sản xuất.
Nhiều rủi ro
Trung Quốc từng chịu cáo buộc lợi dụng đất hiếm vì mục đích chính trị trước đây. Các nguồn tin công nghiệp Nhật Bản cho hay, Trung Quốc từng tạm thời cắt giảm lượng xuất khẩu đất hiếm vào năm 2010 do tranh chấp lãnh thổ trong khu vực – một cáo buộc mà Trung Quốc bác bỏ.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng thông qua sự việc của Nhật Bản có thể thấy Trung Quốc khó tạo ra ảnh hưởng lớn từ việc cắt giảm lượng xuất khẩu đất hiếm. Một báo cáo công bố năm 2014 được thực hiện bởi Hội đồng Đối ngoại, Thượng viện Mỹ cho thấy: Dù trong những tình huống như vậy thì sức mạnh của thị trường và chính trị rất khó để bị lợi dụng.
Báo cáo trên cũng nói rằng, lợi thế của Trung Quốc trong lĩnh vực đất hiếm đã bắt đầu giảm từ năm 2010, chủ yếu do sản lượng từ các nguồn cung khác tăng và một số sáng kiến mới trong công nghiệp giúp giảm nhu cầu đất hiếm.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, Trung Quốc cũng không mong muốn hạn chế xuất khẩu đất hiếm trong thời điểm hiện nay bởi lo ngại rằng, việc thắt chặt nguồn cung ứng đất hiếm sẽ khiến cho thế giới tăng cường tìm kiếm những nguồn thay thế.
Ngay cả tờ Global Times cũng nhận định rằng, việc sử dụng đất hiếm trong cuộc chiến thương mại là điều rủi ro. “Nếu Trung Quốc quyết định cấm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ, điều đó sẽ gây ra những hiệu ứng phức tạp, trong đó có tác động ngược tới Trung Quốc” – bài xã luận của tờ báo này có đoạn – “Tuy nhiên, Trung Quốc cũng hiểu rằng Mỹ sẽ hứng chịu ảnh hưởng lớn hơn nếu trường hợp đó xảy ra”.