Trong một nỗ lực nhằm giảm tải sự căng thẳng mà các học sinh phải gánh chịu trong các kỳ thi, một trường học ở thành phố Nam Kinh, Trung Quốc đã tạo nên một “ngân hàng điểm” cho phép học sinh “vay” điểm để vượt qua kỳ thi và phải trả lại điểm trong các bài kiểm tra khác.
Trường trung học Nam Kinh 1 là nơi đầu tiên áp dụng hệ thống
ngân hàng điểm (Nguồn: OddCentral).
Ngân hàng điểm này cho phép học sinh của trường được vay mượn điểm để thêm vào các bài thi không đủ điểm để vượt qua kỳ thi. Nhưng, cũng giống như các ngân hàng khác, nó bắt “khách hàng” phải trả lại điểm đúng kỳ hạn kèm với lãi suất. Bởi vậy, các học sinh đã vay mượn điểm cần phải “trả vốn lẫn lãi” bằng cách đạt điểm cao trong các kỳ kiểm tra trong tương lai.
Một số giáo viên cũng cho phép học sinh của mình hoàn trả điểm bằng cách thực hiện các thí nghiệm trong phòng học hoặc xung phong phát biểu trước lớp. Các học sinh không thể trả lại điểm sau khi vay mượn sẽ bị đặt vào “danh sách đen” của ngân hàng điểm, như trong thực tế.
Mei Hong, giáo viên môn vật lý tại trường trung học Nam Kinh 1, thành phố Nam Kinh, cho biết ngân hàng điểm được thiết kế để cho học sinh một cơ hội thứ hai.
“59 và 60 là điểm số không có nhiều khác biệt” – bà Mei Hong nói – “Nhưng do khoảng cách này quyết định việc trượt hay đỗ nên ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý học sinh”.
Bởi vậy, thay vì bị đánh trượt, học sinh của trường có thể mượn 1 điểm từ ngân hàng điểm để vượt qua kỳ thi, miễn là phải cam kết trả lại số điểm này cũng “lãi suất” sau đó.
Được biết, ngân hàng điểm là một hệ thống tiên phong lần đầu tiên ra mắt vào tháng 11/2016, và hiện đang được áp dụng cho một lớp 10 của trường học này. Trong số 49 học sinh của lớp học nọ, đã có 13 học sinh mượn điểm từ ngân hàng.
Ông Kan Huang, Hiệu trưởng trường, cho hay họ quyết định lập ngân hàng điểm là nhằm khuyến khích sự phát triển của học sinh thay vì chỉ chú trọng vào điểm của chúng trong các kỳ thi. Ông còn cho rằng hệ thống giáo dục vốn chỉ chú trọng vào điểm số các kỳ thi hiện tại ở Trung Quốc đã tạo nên tình trạng “tương lai của một học sinh bị quyết định bởi một kỳ thi duy nhất”.
“Các kỳ kiểm tra nên nhằm vào cải thiện tiến trình học tập hơn là một công cụ để gia tăng sức ép với học sinh” – ông Huang nói với tờ Yangtze Evening Post.
Trong khi hệ thống ngân hàng điểm được hoan nghênh như một thay đổi tích cực, thì trên mạng xã hội Trung Quốc, có không ít người phản đối nó. Chuyên gia giáo dục Xiong Bingqi tin rằng hệ thống này “không phù hợp” đối với điểm số các bài thi, nhưng thừa nhận rằng thi cử gây áp lực lớn đối với học sinh. Một số người khác cho rằng hệ thống này có thể khiến học sinh kém siêng năng hơn trong việc học.
Dù vậy, hệ thống ngân hàng điểm này vẫn đang được tiếp tục phát triển, và nó cực kỳ chuyên nghiệp do được thiết kế bởi các chuyên gia trong ngành ngân hàng. Ông Kan Huang còn tiết lộ rằng trường học của ông đã mời các bậc phụ huynh tới làm việc cùng các chuyên gia để giúp họ củng cố thêm hệ thống vay mượn điểm.