Trong sáng 11/8, Trung Quốc tuyên bố hạ giá trị đồng Nhân dân tệ của mình xuống gần 2%, mức thấp kỷ lục trong suốt 2 thập kỷ qua. Động thái này đã ảnh hưởng đến các thị trường tài chính toàn cầu và còn có thể làm bùng phát một cuộc chiến tiền tệ.
Quyết định của chính quyền Trung Quốc gây ảnh hưởng
rõ rệt đối với hệ thống tài chính toàn cầu (Nguồn: EPA).
Phá giá mạnh nhất
Theo Bloomberg, tỷ giá tham chiếu được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) công bố sáng nay ở mức 6,2298 nhân dân tệ (NDT) đổi một USD, so với mức 6,1162 NDT được áp dụng trước đó. Mức phá giá theo ngày 1,9% được coi là mạnh nhất tại Trung Quốc kể từ tháng 1/1994.
Tuyên bố phá giá đồng NDT được các nhà lập pháp Trung Quốc đưa ra với quan điểm rằng họ đang phải nỗ lực hết sức để chống lại đà suy thoái kinh tế đã diễn ra suốt từ năm 1990 đến nay, và nhằm giảm sự kiểm soát của chính phủ đối với hệ thống tài chính. Từ trước đến nay, chính quyền Trung Quốc luôn kiểm soát chặt giá trị đồng tiền trong nước để ngăn chặn nguồn vốn đổ ra nước ngoài, bảo vệ các doanh nghiệp vay nợ nước ngoài và giữ đồng NDT trong hệ thống tiền tệ thanh toán quốc tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Sự can thiệp vào tỷ giá của Chính phủ Trung Quốc đã làm tỷ giá thực của đồng NDT tăng lên 14% trong hơn một năm qua và NDT là đồng tiền tăng giá cao nhất trong số 32 đồng tiền trong chỉ số tiền tệ của Ngân hàng Thanh toán quốc tế BIS.
Ảnh hưởng toàn cầu
Ngay sau khi quyết định điều chỉnh được ban hành, có hiệu lực ngay lập tức, đồng NDT đã giảm 2% so với đô la Mỹ, giao dịch ở mức 1 USD đổi 6,3323 NDT lúc 10h sáng 11/8 tại Bắc Kinh. Trên thị trường Hong Kong, giá NDT giảm 2,3%, giao dịch ở mức 1,4% thấp hơn mức sàn quy định 6,2298 NDT ăn 1 USD.
Động thái mới của Trung Quốc đã gây một cú sốc không nhẹ cho các thị trường toàn cầu, khi các đồng tiền của một số nước như Hàn Quốc, Australia và Singapore đã giảm ít nhất 1% do lo ngại nhiều quốc gia sẽ tìm kiếm một đồng tiền có tỷ giá ngoại tệ thấp hơn để giữ sức cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu.
Chỉ số Bloomberg JPMorgan Asia Dollar Index giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009, trong khi chỉ số theo dõi thị trường hàng hóa giảm 0,7%. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 5 điểm cơ bản. Chỉ số Hang Seng China Enterprises Index tăng 1,2%.
Cổ phần của các hãng hàng không Trung Quốc cũng tụt giá do quan ngại rằng khoản nợ của họ tính theo đồng Dollar sẽ gia tăng. Trong khi đó, các mặt hàng tiêu dùng ở Trung Quốc cũng sụt giá trong bối cảnh có nhiều quan ngại rằng đồng NDT suy yếu sẽ làm giảm sức mua của người dân trong nước. Kho bạc của Mỹ, trong khi đó, lại được hưởng lợi do nhu cầu về đồng Dollar gia tăng.
Rủi ro về dòng vốn
Với quyết định vừa rồi, Trung Quốc sẽ cần phải cân bằng giữa một bên là thúc đẩy xuất khẩu và một bên là rủi ro nguồn vốn chảy ra nước ngoài; theo phân tích của Tom Orlik, nhà kinh tế học thuộc Bloomberg. Theo ước tính của ông Orlik, nếu giảm giá đồng tiền 1% thì xuất khẩu có thể tăng thêm 1 điểm phần trăm với độ trễ là 3 tháng. Tuy vậy, nếu đồng NDT bị mất giá 1% so với USD thì có khả năng sẽ kích hoạt 40 tỉ USD chảy ra nước ngoài.
“Rủi ro ở đây chính là việc nguồn vốn sẽ chảy ra ngoài, gây mất ổn định trong hệ thống tài chính của Trung Quốc” - ông Orlik phân tích thêm rằng giới lãnh đạo Trung Quốc có thể đang tính toán rằng, với khoản tiền dự trữ trị giá 3,69 nghìn tỷ USD, họ có thể chịu được mọi mức độ rủi ro.
PBOC cho biết, một đồng NDT mạnh sẽ gây áp lực cho ngành xuất khẩu Trung Quốc. Trong khi đó, các nhà phân tích dự báo, sau khi điều chỉnh tỷ giá, trong vài ngày tới PBOC có thể sẽ tiếp tục giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại, giảm lãi suất cơ bản lần thứ 5 trong năm nay để thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn nữa.
Nguy cơ xảy ra “cuộc chiến tiền tệ”
Bên cạnh đó, động thái của Trung Quốc cũng tạo ra rủi ro bùng phát một “cuộc chiến tiền tệ” khi các đối thủ xuất khẩu của nước này tìm kiếm một đồng tiền có tỷ giá hối đoái thấp hơn để giữ vững sức cạnh tranh - theo Stephen Roach, nhà phân tích kinh tế của ĐH Yale.
“Khó mà tin rằng đây chỉ là một lần điều chỉnh duy nhất” – ông Roach nói – “Trong một nền kinh tế toàn cầu suy yếu như hiện nay, họ sẽ còn điều chỉnh nhiều hơn là mức 1,9% này nhằm mục đích thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc. Điều này đã nâng cao rủi ro xảy ra một cuộc chiến tiền tệ lan rộng khắp toàn cầu”.
Các chuyên gia tài chính quốc tế cũng cho rằng, cú phá giá bất ngờ của giới lãnh đạo Trung Quốc đang làm dấy lên lo ngại ở Mỹ. Giới đầu tư Mỹ lo ngại quyết định phá giá đồng NDT theo hướng này sẽ ảnh hưởng tới các nhà máy tại Mỹ và công ăn việc làm tại nước này. Trước đây Mỹ cũng nhiều lần cáo buộc Trung Quốc cố ý giữ đồng NDT ở mức thấp để đạt được lợi ích về kinh tế đối với các mặt hàng xuất khẩu của mình.