Trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh: Từ ý tưởng đến hiện thực

THANH GIANG 19/02/2022 15:00

Tại buổi tọa đàm “Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP HCM” được tổ chức tại TP HCM mới đây, nhiều ý kiến băn khoăn về việc xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính lớn của cả nước và quốc tế. Đặc biệt, các chuyên gia kinh tế quan tâm đến việc phát triển trung tâm tài chính như thế nào, theo mô hình nào…

Một góc khu vực trung tâm TP HCM.

Phát triển theo mô hình nào?

Ông Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, hiện đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế đã đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII của TP HCM nhưng tinh thần phải tập trung, trong điều kiện có thể, để sớm nhất hình thành trung tâm tài chính quốc tế, phù hợp xu hướng phát triển của TP HCM.

“Chúng ta muốn xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế đột phá nhưng đột phá cỡ nào? Trong đề án đã tính toán, đề xuất mở cửa thị trường ở 3 mức độ: thấp, trung bình và cao nhưng đối với Việt Nam cần tính toán rất nhiều”, ông Lịch nhấn mạnh.

Đề cập đến việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM, phần lớn các ý kiến ủng hộ, song xây dựng và phát triển như thế nào cho phù hợp? PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là cần thiết. Nhưng, nhìn ở góc độ cơ chế đặc thù cho riêng TP HCM là rất khó.

“Mấu chốt là trung tâm tài chính tại TP HCM phải theo quy mô, thế hệ mới cho tương lai. Mô hình trung tâm tài chính quốc tế không chỉ vượt trội mà còn phải khác biệt, làm sao cạnh tranh được với khu vực và quốc tế”, ông Thiên nói.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia khẳng định, hiện thế giới tài chính đang thay đổi “ghê gớm”. Giao dịch số, điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa… là xu hướng của 5-10 năm tới, thậm chí là lâu dài. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nên định vị mình như thế nào trong thế giới tài chính tiền tệ đó?

Còn TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và cạnh tranh nêu quan điểm: “Bối cảnh hiện nay, nếu muốn phát triển phải thực sự “tốc độ và sáng tạo”. Với Trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM lại càng thách thức, vì Việt Nam đang có khoảng cách với thế giới quá xa về mức độ hội nhập, những tiêu chuẩn thông lệ, quy mô thị trường tài chính…”

Làm sao để hiện thực hóa?

Trả lời câu hỏi này, TS Võ Trí Thành cho rằng, có 5 vấn đề lớn nhất về cách tiếp cận xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM. Một là, thể chế đột phá vượt trội, để trung tâm này có thể cạnh tranh với các trung tâm tại Hồng Kông, Singapore, Dubai… và trở thành một điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài.

Hai là, lựa chọn mô hình trung tâm tài chính mới chứ không phải theo cách truyền thống, tiếp cận ngay mô hình tài chính tích hợp gắn với đô thị hoá, các dịch vụ chất lượng cao…

Ba là, điều kiện nhà đầu tư thế nào, lợi ích và trách nhiệm, cam kết nghĩa vụ của họ ra sao để tìm ra những nhà đầu tư thực sự chất lượng. Yêu cầu thứ 4, ban soạn thảo kết hợp giữa nước ngoài với trong nước, vừa có tư tưởng tài chính, kinh tế nhưng cũng gắn với câu chuyện pháp lý rất chặt chẽ để làm đề án. Cuối cùng, cần có một văn bản pháp lý triển khai ngay đề án.

“Làm sao đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM được thông qua là khó, dù TP HCM luôn là đầu tàu. Tôi ủng hộ ý tưởng đột phá và trung tâm tài chính quốc tế của TP HCM thời điểm này có thể được xem là một ý tưởng mang tính đột phá mạnh mẽ”, ông Trần Đình Thiên nói.

Liên quan đến việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM, trước đó ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, thành phố sẽ tập trung hoàn thành Đề án xây dựng TP HCM trở thành Trung tâm tài chính quốc tế. Song song đó, thành phố sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đưa nhiều doanh nghiệp uy tín, thương hiệu niêm yết trên thị trường; Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật thị trường. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư…

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia: “Hiện đang có một số hình dung về trung tâm tài chính nhưng chưa hoàn toàn chính xác. Có người cho rằng đó là 1 trung tâm tài chính có trụ sở, tòa nhà của khối ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm… Hình dung thứ hai là một trung tâm về đầu tư, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn về khu vực đó. Quan điểm thứ ba là liệu có phải là trung tâm giải trí gắn với casino, du lịch… Hay trung tâm tài chính quốc tế là tổ hợp của tất cả những thứ trên. Cần phải làm rõ hơn về hình hài trung tâm tài chính để có thể xây dựng được”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh: Từ ý tưởng đến hiện thực