Với bộ tranh mới về Trung thu, họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng đã mang tới cho công chúng sự yên bình, tĩnh lặng của không gian làng quê, không khí náo nhiệt các trò chơi dân gian trẻ em, thêm lung linh mầu sắc của những chiếc đèn lồng, đèn cá chép, đèn ông sao… như chính tâm hồn anh được trải qua từ tuổi thơ.
Họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng sinh ra trong gia đình nghệ thuật, bố anh là họa sĩ Nguyễn Quốc Thái, vợ anh là họa sĩ Bình Nhi. Ngay từ ấu thơ, cuộc đời anh đã gắn liền với hội họa. Từng tham gia triển lãm ở trong nước và quốc tế, tranh của Nguyễn Quốc Thắng thể hiện tinh thần người Việt đậm sâu với tình yêu quê hương.
Sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, những bức tranh do bố anh vẽ, đã ngấm dần vào trong anh khi còn thơ bé. Môi trường mỹ thuật từ gia đình đã giúp anh có tình yêu với hội họa thật tự nhiên.
Ký ức về Tết Trung thu của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng - sinh năm 1976, có thể kể thành những câu chuyện, ôn đi ôn lại mà không thể chán. Nguyễn Quốc Thắng vẽ từ sự cảm nhận của thời trẻ thơ, được hồi tưởng lại, khi anh cùng bạn bè trong xóm đi chơi, rước đèn, phá cỗ, chờ trăng… Những rung động đó đã tạo cảm hứng để Nguyễn Quốc Thắng vẽ nên những bức tranh về Trung thu mang đầy màu sắc xưa hết sức sống động: “Đôi khi, trong bức tranh ấy chính là tuổi thơ của tôi và ước mơ của chính tôi lúc còn bé con. Nếu không có những kỷ niệm vui buồn thì không thể có những cảm xúc để đặt bút lên vẽ” - họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng chia sẻ. “Với tôi, ký ức Trung thu đều là những lần được bố mẹ cho thỏa sức chơi đùa với bè bạn lúc nhỏ. Hình ảnh những ngôi làng cổ xưa vẫn còn đâu đó trong ký ức, nơi tôi đã đặt chân đến. Từ cổng làng, mâm cỗ Trung thu, những đầu lân, ông địa và các loại đèn khác đủ mầu sắc…”
Mỗi năm, vào dịp Trung thu, nhóm họa sĩ, nghệ sĩ nhóm G39, trong đó Nguyễn Quốc Thắng là một thành viên, đều sáng tạo chung một chủ đề dành cho Trung thu. Mỗi nghệ sĩ sẽ lên ý tưởng và chất liệu, sáng tạo tác phẩm riêng, để cùng nhau tham gia triển lãm. Với Nguyễn Quốc Thắng, ký ức luôn đi cùng với cảm xúc cùng hoài niệm, thế nên, ý tưởng là một phần nhưng nếu không có những kỷ niệm hay những hồi ức ám ảnh, thì anh không thể đặt bút vẽ ra được điều muốn bày tỏ.
Tranh Trung thu của Nguyễn Quốc Thắng, với nhiều hình tượng và những câu chuyện xưa kể lại, những nhân vật trong lịch sử hoặc những câu chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa được tái hiện, những trò chơi dân gian, ngôi làng cổ, những nhân vật mang tính hình tượng dân gian như ông Tiến sĩ và hai ông đánh gậy trông trăng đi theo hầu được làm bằng giấy… được các em nhỏ đặt trên mâm cỗ trông trăng nhân dịp Tết Trung thu. “Khi sáng tạo ra món đồ chơi độc đáo này, các nghệ nhân dân gian muốn khơi dậy ở trẻ em lòng hiếu học và ý chí vươn lên phấn đấu để đạt được tri thức, cống hiến tài năng cho đời và đó luôn là mong ước của cha mẹ gửi gắm cho các con trẻ” - họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng tâm sự.
Với Nguyễn Quốc Thắng, Trung thu là Tết đoàn viên, là nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam bởi nó mang trong đó nguồn gốc cũng như ý nghĩa đầy thú vị, cùng với đó là ý nghĩa của tết sum họp gia đình đã được truyền từ nhiều đời cha ông ta.