Trao đổi với Đại Đoàn Kết, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 cho biết, ông tin tưởng Đại hội XII của Đảng sẽ chọn được đội ngũ cán bộ chủ chốt đủ bản lĩnh, đủ đức, đủ tài đồng thời sẽ loại bỏ được những cán bộ đảng viên suy thoái trong Đảng.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho biết: Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt qua phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thông cáo của Hội nghị, nổi lên 2 thông điệp rất rõ. Thứ nhất, BCH TƯ đã chọn được những nhân sự xứng đáng qua “hình thức bỏ phiếu kín” dân chủ để giới thiệu vào 4 chức danh lãnh đạo cao nhất. Thứ hai, những người được lựa chọn giành được “số phiếu rất tập trung”.
Đạt được những kết quả đáng phấn khởi như vậy rõ ràng công tác chuẩn bị cho Đại hội XII của Đảng đã được thực hiện cẩn trọng, chu đáo nhất từ trước đến nay, đặc biệt là công tác nhân sự. Những kết quả bước đầu như vậy hy vọng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng chắc chắn sẽ thành công tốt đẹp, mở ra một giai đoạn phát triển mới có chất lượng hơn cho đất nước.
“Cá nhân tôi và tất cả đảng viên và nhân dân đều mong muốn Đại hội Đảng lần thứ XII sẽ lựa chọn cho được BCH TƯ, Bộ Chính trị, đặc biệt là 4 đồng chí đứng đầu Đảng, Nhà nước là các đồng chí tiêu biểu đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân thì đó là niềm hạnh phúc của toàn Đảng, toàn dân. Đó phải là những cán bộ đủ đức, đủ tài, đủ bản lĩnh có tinh thần quyết đoán, trí tuệ, năng lực ở tầm cao nhất để đưa đất nước vượt qua giai đoạn hiện nay”- Trung tướng cho hay.
Thưa ông, thời gian gần đây trên các trang mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin không được kiểm chứng về công tác nhân sự của Đảng. Ông có bình luận gì về những thông tin này?
Thông thường trước những sự kiện trọng đại của đất nước các thế lực thù địch thường đưa ra các thông tin độc hại, bịa đặt, xuyên tạc hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nếu đọc các thông tin xuyên tạc trên mạng mà không hiểu về tình hình đất nước rất có thể dẫn đến hiểu lầm rằng có sự tranh giành, đấu đá quyền lực.
Tôi cho rằng, trong BCH TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn có sự đoàn kết nhất trí, không có sự phân tán như những thông tin xấu, xuyên tạc đưa ra. Bằng chứng là trong Thông cáo của Hội nghị đã nói rõ dân chủ, tập trung trong công tác cán bộ. Các đồng chí được giới thiệu, đề cử nhận được số phiếu rất cao.
Ông vừa đề cập đến bài học đoàn kết trong Đảng, vậy chúng ta nên vận dụng bài học đoàn kết thế nào trong giai đoạn này, thưa ông?
Đoàn kết không chỉ là bài học riêng của Đảng mà là bài học của toàn bộ sự nghiệp dựng nước, giữ nước, xây dựng đất nước. Thế nên Bác Hồ đã từng khẳng định, đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng ta, dân ta. Bác căn dặn trong Đảng phải giữ gìn đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Nếu không đoàn kết sẽ thất bại. Vì thế ĐH XII tiếp tục củng cố đoàn kết để trong Đảng thống nhất hơn.
Tôi cho rằng, dù có chuyện gì, dù tranh luận, thảo luận, phê bình nhưng phải đi đến đoàn kết thống nhất. Để làm được việc này, mỗi cán bộ đảng viên phải tiếp tục và kiên quyết thực hiện Nghị quyết TƯ 4 về xây dựng Đảng. Tự chỉnh đốn mình là việc làm có ý nghĩa quyết định. Song, Đảng cũng cần quy định cụ thể về việc chịu sự giám sát của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Thưa ông, điều mà người dân quan tâm lúc này là phải chọn cho được cán bộ chủ chốt đủ đức, đủ tài đồng thời loại bỏ những phần tử cơ hội, trục lợi cá nhân mà Nghị quyết TƯ 4, khóa XI của Đảng đã chỉ ra?
Trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đã chỉ rõ, thời gian tới chúng ta vẫn tiếp tục nhiệm vụ xây dựng Đảng, đặc biệt phải loại bỏ “bộ phận không nhỏ” ra khỏi đội ngũ. Thời gian vừa qua chúng ta đã xử lý khá nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm. Điều này cần duy trì thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, có những điểm phải chú ý vì đây là vấn đề chính trị, là lĩnh vực nhạy cảm cần làm thận trọng từng bước vững chắc. Không được khoan nhượng với giặc nội xâm tham nhũng mới lấy lại niềm tin của dân.
Vừa qua thực hiện Nghị quyết TƯ 4, Hội nghị TƯ 13 có đánh giá tổng kết quá trình thực hiện Nghị quyết này. Hội nghị chỉ rõ, tuy rằng chưa đạt yêu cầu như mong muốn nhưng cũng đã có ý nghĩa ngăn chặn, răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo người phạm sai lầm, tạo nên chuyển biến bước đầu trong cơ quan lãnh đạo của Đảng, từng cán bộ đảng viên. Cả hệ thống chính trị có chuyển động nhất định.
Tôi cho rằng, Đại hội XII của Đảng sẽ bầu ra một BCH TƯ nhiệm kỳ mới có đủ đức, đủ tài để xác định cụ thể ai, ở đâu, cơ quan nào tồn tại vấn đề suy thoái phẩm chất đạo đức, tham nhũng; Chỉ rõ những người chạy chức chạy quyền, mua quan bán chức… và phải xử lý dứt điểm, loại ra khỏi tổ chức Đảng những người thoái hóa, biến chất. Có loại bỏ được những phần tử thoái hóa biến chất thì cơ quan mới vững, đơn vị mới yên. Bên cạnh đó, phải cương quyết đẩy lùi tham nhũng và phải xử lý nghiêm bất kể ai nếu phạm tội, như vậy mới răn đe, loại bỏ được tội phạm này.
Vậy, để ngăn chặn được tham nhũng, theo ông cần phải có giải pháp gì?
Theo tôi, trước tiên phải xác định rõ, tham nhũng ở đâu? Ở bộ máy Đảng, Nhà nước chứ như dân có muốn tham nhũng thì lấy gì mà tham nhũng. Cho nên để phòng, chống tham nhũng tốt thì những cán bộ đảng viên tham gia công tác này phải tiêu biểu cho cuộc đấu tranh để bảo vệ sự trong sáng của Đảng.
Để công tác phòng, chống tham nhũng được hiệu quả, trước hết tôi xin đề nghị các đồng chí trong BCH khóa tới phải là những người đầu tiên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phải giương cao ngọn cờ, dám hành động, dám xả thân để bảo vệ lợi ích trong sáng của Đảng, lợi ích của quốc gia, chắc chắn công tác này sẽ chuyển biến.
Đặc biệt, muốn chống tham nhũng, lãng phí phải dựa vào dân. Đồng thời kiểm soát được quyền lực của dân giao cho Đảng, giao cho người có trách nhiệm. Đảng phát động toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là đúng và trúng; nhưng dân mong “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, khắc phục được bệnh dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan, “nói không đi đôi với làm”.
Trân trọng cảm ơn ông!