Đối với thế hệ 7X chúng tôi, đều coi Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (sinh năm 1926) là thế hệ ông nội, ông ngoại bởi vị tướng đã có mặt tham gia công tác thời Việt Minh giành chính quyền tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, là cán bộ tiền khởi nghĩa. Là một Trung tướng, nhưng chúng tôi luôn thấy ông thật gần gũi.
Tiếng ông luôn vang rền trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống. Rất chính trực. Rất trách nhiệm. Rất gai góc mà cũng rất đường hoàng nói thẳng ra những điều thiết yếu, những điều bất cập đến tận cùng mà những người khác chỉ nghe thôi đã vô cùng kính nể. Ông như vị lão trượng, vị chiến tướng tả xung hữu đột ứng chiến khắp các mặt trận nóng bỏng. Có những việc rối ren không đáng có gây nhiều tranh cãi. Nhiều tiếng nói của các vị chức sắc, thậm chí những nhà phản biện, hùng biện cất lên đều chưa giải quyết thấu đáo được vấn đề.
Chỉ khi tiếng nói của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cất lên, mọi việc mới dần mạch lạc, dần đi tới lẽ phải, lẽ công bằng chính từ tình người và những hiểu biết sâu sắc của ông về thời cuộc và thời đại. Các kỳ Đại biểu Quốc hội (khóa IX, X, XIII) đều vang tiếng nói chính trực của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trực diện với những vấn đề nóng bỏng nhất. Vị tướng đã nói lên tiếng nói của nhân dân cần lao đã đổ biết bao xương máu để có được hòa bình, độc lập, thống nhất non sông.
Ông đã đi từ đêm trường nô lệ trước 1945 một mạch đánh thắng thực dân Pháp với dấu mốc là chiến thắng Điện Biên Phủ (1954); tiếp đó ông luôn có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất trong công cuộc đánh đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam (1975). Ông chính là Tham mưu trưởng Mặt trận Tây Nguyên; Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên - một chiến dịch rung chuyển chế độ ngụy Sài Gòn, là bước ngoặt để quân và dân ta xốc tới giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Trong nhiều lần trao đổi với chúng tôi, Trung tướng Khuất Duy Tiến - khi ở Mặt trận Tây Nguyên là Trưởng phòng tác chiến đã báo cáo, nhận sự chỉ đạo nhiều lần của lãnh đạo Mặt trận trong đó có vị tướng Nguyễn Quốc Thước để xây dựng kế hoạch giải phóng Tây Nguyên.
Kế hoạch giải phóng Tây Nguyên là một chuỗi những trận đánh tuyệt hay, tuyệt hiểm, hết sức tiết kiệm máu xương bộ đội mà chiến thắng giành được không chỉ vang dội chiến trường, lung lay chế độ ngụy quân ngụy quyền mà còn chấn động Lầu Năm Góc khiến người Mỹ không dám đưa binh lính quay trở lại miền Nam như những tuyên bố hung hăng của họ.
Sự thắng lợi ấy là trí tuệ của Đảng ta, quân đội ta, biết bao máu xương của đồng bào chiến sĩ. Góp công lớn vào chiến thắng phải kể đến những tên tuổi: Thượng tướng Hoàng Minh Thảo; Thượng tướng Vũ Lăng; Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Trung tướng Khuất Duy Tiến... và trong đó nhất định phải có cái tên: Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. Ông đã vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 2020.
Trong ký ức của các vị tướng, hẳn thời binh lửa chưa một lúc nào nguôi. Chúng ta chiến thắng để xây dựng hòa bình. Chúng ta chiến thắng để dựng xây đất nước văn minh, tiến bộ, giàu mạnh. Đó luôn như một mệnh lệnh vang lên trong trái tim vị tướng - một người con ưu tú quê hương xứ Nghệ với những tên tuổi tiêu biểu của các bậc tiền bối cách mạng như: Trương Văn Lĩnh, Phùng Chí Kiên, Chu Huy Mân, Trần Văn Quang... và tiếp đó là Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
Khi đảm đương cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 4 và Liên tiếp ba kỳ Đại biểu Quốc hội đã là khoảng thời gian tỏa sáng nhất của Trung tướng Nguyễn Quốc thước. Riêng đâu chỉ những chuyện chiến trường đã làm nên tên tuổi vị tướng xứ Nghệ mà trong những lúc ở nghị trường Quốc hội mới thực sự tỏa ra trí tuệ, tài hoa, đức độ và trách nhiệm của một công dân hết mình cho sự nghiệp cách mạng, quả quyết nói tiếng nói của Đảng, của nhân dân, vì nhân dân. Mỗi khi vị tướng phát biểu giữa nghị trường đều là những lời tâm huyết, gan ruột, chất chứa tâm can và trách nhiệm trước những vấn đề lớn, những thời điểm bước ngoặt của đất nước.
Ông đâu nói cho riêng mình. Ông đã nói được tiếng nói cũng là nguyện vọng của nhân dân. Vị tướng giữa nghị trường Quốc hội đã là một hình ảnh thật đẹp, thật trang nghiêm và vô cùng gần gũi của vẻ đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong cuộc sống hôm nay. Nếu không có những tiếng nói của ông, của các vị tướng khác nữa trong nghị trường Quốc hội, hẳn sẽ bớt đi nhiều khoảnh khắc ấn tượng, trách nhiệm sẻ chia của Quốc hội với đồng bào, của đồng bào cả nước với Quốc hội. Khi ông thôi tham gia nghị trường thì vẫn còn nguyên đó một Nguyễn Quốc Thước xuất hiện đều đặn, mạnh mẽ, quyết liệt trên hệ thống truyền thông chính thống của cả nước.
Vẫn là một phong cách thẳng thắn, nghiêm khắc đến tận cùng, ông đã nêu những ý kiến, trả lời những câu hỏi, đưa ra những nhận định và tỏ thái độ rõ ràng, minh bạch, phản biện để Đảng ta, Nhà nước ta thấy rõ hơn những sự việc, hiện tượng cần chấn chỉnh; những thành tựu cần phát huy. Nhân dân luôn tìm đến ông không phải để tìm sinh kế cuộc đời mà chính là hướng về niềm tin, lẽ phải, sự công bằng, và cao hơn chính là tính nhân văn của người Việt.
Có lẽ nào, chúng ta đã hy sinh biết bao máu xương để rồi phải chao đảo trước lợi ích nhóm, trước nạn tham nhũng, trước sâu mọt, ung nhọt đã vô cùng đáng báo động hôm nay. Hẳn đã có những lúc, một vị tướng kiên gan, chính trực như ông phải đớn đau và vân vi lắm trước những hiện tượng đau lòng đã xảy ra trong đội ngũ của Đảng ta, thượng tầng của Đảng mà sâu mọt đã làm phương hại tới niềm tin về Đảng của nhân dân.
Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Quốc Thước - hội viên Hội Cựu chiến binh phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình vừa được vinh danh là 1 trong 10 công dân Thủ đô ưu tú năm 2022. Theo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ Hà Nội), lý do Trung tướng Nguyễn Quốc Thước được vinh danh là bởi ông đã có nhiều đóng góp trong xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa; kiên quyết đấu tranh các quan điểm sai trái, chống phá của các thế lực thù địch, ngay cả sau khi nghỉ chế độ.
Ông cũng tích cực tham gia xây dựng địa phương, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; sống mẫu mực, được cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng, tín nhiệm, có uy tín cao, lan tỏa trong nhân dân.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước riêng đâu chỉ những chuyện chiến trường mà chính cuộc sống hôm nay đang đặt ra những vấn đề cấp bách, quyết liệt, sống còn đâu kém gì những ngày mịt mùng bom đạn. Những ngày đó, kẻ thù ở ngay trước mặt.
Vậy mà các ông, những người con đầu trần chân đất đã vượt suối băng ngàn từ hậu phương miền Bắc tiến về cùng quân và dân miền Nam giải phóng đất nước. Ngày đó, người chiến sĩ trong đó có Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đã chiến đấu quên mình vì sự thủy chung son sắt ấy, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, non sông thu về một mối như Bác Hồ căn dặn "Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập".
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đã sang tuổi chín mươi bảy, tuổi trời ban cũng là tuổi thấm đẫm nỗi đời, nỗi người, nỗi mình thăm thẳm. Ông như một vị lão trượng nhân từ, hiền triết từ những ý kiến quyết liệt nhất, thẳng thắn nhất còn không ít phần gai góc, động chạm. Nhưng mọi người đều tin ông, hiểu ông, đồng hành và chia sẻ, làm theo, bảo vệ những ý kiến của ông.
Chính ông, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước chứ không phải ai khác đã là một trong những bức tường đồng vách sắt, hiện thân sống động hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, với Tổ quốc, với nhân dân. Trong một nhận định về ông, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão từng nhận xét: “Tôi nghĩ rằng, người Nghệ An có nhiều tấm gương trong sáng từ các thế hệ trước cho đến nay. Nhưng mà thế hệ tôi được gặp gỡ, tiếp xúc thì tôi thấy Trung tướng Nguyễn Quốc Thước là một con người rất tiêu biểu cho tính cách của người Nghệ An, đó là sự kiên cường, tâm huyết, sống trung thực, chân thành và có nhiều ý kiến đóng góp sắc sảo cho Quốc hội. Ai cũng ca ngợi về sự thẳng thắn, chính trực của ông”.
Đối với thế hệ chúng tôi, ông không chỉ như một tấm gương sáng mà còn là một nền tảng vững vàng để chúng tôi tựa vào đó, thành đội ngũ dài rộng, bước tiếp những bước thật chính trực, thật vững vàng để có ích hơn trong cuộc sống.