Pháp luật

Trước khi nghị án Vụ án Vạn Thịnh Phát: Các bị cáo nói lời sau cùng

LÊ ANH 05/04/2024 08:26

Ngày 4/4, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan kết thúc phần tranh luận, các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử (HĐXX)nghị án.

10-a1.jpg
Bị cáo Trương Mỹ Lan và bị cáo Trương Huệ Vân tại phiên tòa, ngày 4/4. Ảnh: Duy Anh.

Là người đầu tiên nói lời sau cùng, bị cáo Trương Mỹ Lan đã bày tỏ đau xót khi đứng trước án tử hình. Ban đầu, bị cáo cho rằng, đã nỗ lực để tham gia vào quá trình hợp nhất 3 ngân hàng yếu kém, hoàn toàn không có sự hiểu biết hay kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng, dẫn đến vướng vào nhiều sai phạm. Bị cáo Lan cam kết tự nguyện đem hết tài sản khắc phục hậu quả vụ án. Ngoài ra, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng xin tòa xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho chồng (bị cáo Chu Lập Cơ, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Times Square) và cháu gái (bị cáo Trương Huệ Vân) cũng như xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khác trong vụ án.

Nói lời sau cùng tại tòa, bị cáo Chu Lập Cơ bày tỏ hối hận và đau lòng khi bản thân và nhiều người thân trong gia đình vướng phải vòng lao lý. “Dù không biết tiếng Việt, trong suốt quá trình xét xử, tôi có cảm giác vợ tôi phải chịu trách nhiệm tất cả cho những sai phạm dù là sai phạm nhỏ nhất tại SCB”. Bị cáo Chu Lập Cơ bày tỏ, nếu lúc trước biết được vợ và cháu tham gia giải cứu ngân hàng, cũng như đối diện rủi ro pháp lý, bị cáo đã can ngăn họ tham gia. “Hiện nay, tòa nhà Time Square là tâm huyết của bị cáo nhưng khi vợ cần, tôi vẫn đưa vào SCB cho việc tái cơ cấu và không nghĩ việc làm ý nghĩa này đã đem lại hậu quả khôn lường cho gia đình”. Sau cùng, bị cáo Cơ đề nghị HĐXX xem xét về các cống hiến đóng góp của gia đình trong đợt dịch Covid-19, để từ đó giảm hình phạt cho vợ bị cáo thoát khỏi án tử, để sớm đoàn tụ cùng gia đình.

Được nói lời sau cùng, bị cáo Trương Huệ Vân (cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cháu ruột của bị cáo Trương Mỹ Lan) ngoài xin được khoan hồng cho bản thân, còn bày tỏ mong muốn HĐXX giảm án cho bị cáo Trương Mỹ Lan. Ngoài ra, bị cáo Vân cũng xin Tòa xem xét hành vi, hoàn cảnh phạm tội cho tất cả các bị cáo là các nhân viên, cán bộ tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB…

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB) cũng xin HĐXX khoan dung với các bị cáo là cán bộ, nhân viên thuộc SCB vì sự việc của SCB mà rơi vào vòng lao lý. Đối với vai trò của bị cáo Trương Mỹ Lan trong giai đoạn vực dậy ngành ngân hàng, bị cáo Văn trình bày, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là doanh nghiệp lớn vươn tầm thế giới và đóng góp GDP cho đất nước. Đây cũng là đơn vị đóng góp vaccine phòng, chống dịch trong giai đoạn cả nước ảnh hưởng dịch bệnh, do đó bị cáo Văn xin HĐXX xem xét khoan hồng cho bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo là cán bộ, nhân viên tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Cũng tại tòa, nhóm các bị cáo là cựu lãnh đạo các công ty con thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB cũng lần lượt nói lời sau cùng, bày tỏ nhận thức hành vi sai phạm của mình, và mong muốn được xem xét chính sách khoan hồng, trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Trước đó, đại diện Viện Kiểm sát cũng ghi nhận một phần các bào chữa của luật sư và tài liệu, chứng cứ bổ sung, để giảm đề nghị mức án cho 22 bị cáo trong vụ án. Trong đó, bị cáo Chu Lập Cơ được đề nghị giảm từ 11 - 12 năm tù xuống còn 10 - 11 năm tù; bị cáo Trương Huệ Vân được đề nghị giảm từ 19 - 20 năm tù xuống còn 17 - 18 năm tù. Đáng chú ý, trong danh sách các bị cáo được Viện Kiểm sát đề nghị giảm án không có tên bị cáo Trương Mỹ Lan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trước khi nghị án Vụ án Vạn Thịnh Phát: Các bị cáo nói lời sau cùng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO