Trước khi vượt vũ môn: Để tiếng Anh không còn là nỗi sợ

Dung Hòa 23/06/2023 09:09

Lựa chọn khối D để dự tuyển vào đại học (ĐH), song lại chưa có điều kiện sở hữu những chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEIC, SAT… do đó với không ít sĩ tử, môn thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT luôn là nỗi lo lắng, phấp phỏng.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Quang Vinh.

Do sự phân hóa điều kiện dạy và học

Thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) qua nhiều năm liên tiếp cho thấy, điểm thi Ngoại ngữ - trong đó chủ yếu là tiếng Anh vẫn ở mức rất thấp dù các nhà trường, phụ huynh đã nỗ lực đầu tư tiền của, thời gian cho môn học này.

Phân tích kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 3 năm liên tiếp gần đây nhất cho thấy, môn Tiếng Anh không chỉ điểm trung bình thấp mà có đến 2 năm “đội sổ”. Cụ thể, riêng năm 2022, cả nước có 866,196 thí sinh tham gia bài thi ngoại ngữ thì trung bình là 5.15 điểm, điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3.8 điểm. Điều đáng nói, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình có tới 446,648 (chiếm tỷ lệ 51.56%), cộng với 423 bị điểm liệt đã đưa môn học này xuống bét bảng. Ở Kỳ thi năm 2021, phổ điểm môn này cũng khá thấp khi có điểm trung bình là 5.84, điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4 điểm cũng như có tới 40,27% học sinh dưới trung bình. Năm 2020, Ngoại ngữ cũng là môn “đội sổ” khi có điểm trung bình môn là 4.57, điểm nhiều thí sinh đạt nhất 3.4 và 63,13% học sinh đạt điểm dưới trung bình.

Theo các chuyên gia, chất lượng môn học chưa được cải thiện là do chưa đổi mới phương pháp dạy học. TS Vũ Thị Phương Anh - giảng viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, nguyên Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng, sự phân hóa về điều kiện dạy và học là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Ở những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM…, do có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận với Tiếng Anh (như sách báo, tài liệu phim ảnh, tiếp xúc với người bản ngữ và trực tiếp sử dụng Tiếng Anh) nên mặt bằng nhìn chung đã tăng lên đáng kể. Thậm chí, đề thi tốt nghiệp môn Tiếng Anh khá dễ đối với nhiều thí sinh. Còn ở những vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, ngay cả việc bảo đảm tối thiểu chất lượng dạy và học Tiếng Anh theo yêu cầu của chương trình hiện hành vẫn còn rất khó khăn, do ảnh hưởng của điều kiện kinh tế - xã hội tại những nơi này.

Ngoài ra, hiện vẫn tồn tại 2 nhóm đối tượng là học sinh theo học chương trình Tiếng Anh hệ 10 năm và hệ 7 năm. Giữa 2 hệ học này có sự chênh lệch về năng lực nên nếu sử dụng chung một đề thi tốt nghiệp THPT cho cả 2 hệ thì phổ điểm sẽ lệch về phía điểm thấp.

Bí quyết cải thiện điểm thi môn Ngoại ngữ

Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ diễn ra, nhằm giúp thí sinh có thể giành được điểm cao ở môn thi tiếng Anh, cô Nguyễn Thị Thanh Hương - giáo viên môn tiếng Anh, Hệ thống giáo dục HOCMAI lưu ý, thí sinh cần nhớ, điểm số mỗi câu là như nhau, các câu mất 5-10 giây để làm cũng bằng câu mất 5-10 phút, nên hãy luôn cẩn thận, chắt chiu từng câu một. Đừng cẩu thả hay sa lầy mất thời gian ở các câu khó.

Bên cạnh đó, thí sinh phải có chiến lược thời gian làm hiệu quả và sát sao để có thể đạt điểm cao. Cũng theo cô Hương, thí sinh nên chia 1/2 số thời gian đầu tiên để làm các dạng bài trắc nghiệm với hình thức câu ngắn với trung bình 30 giây/câu, tối đa là 1 phút cho câu khó và dài; 1/2 thời gian còn lại làm bài đọc điền và 2 bài đọc hiểu. Mỗi một nửa luôn chừa lại 1 chút thời gian để kiểm tra đáp án, từ đó tránh các lỗi sai đáng tiếc. Cuối cùng, về tâm thế làm bài, dù mỗi thí sinh có mục tiêu điểm số khác nhau nhưng cần nỗ lực và quyết tâm hết mình để đạt được.

Theo cô giáo Lưu Thùy Dương - Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Thăng Long (Hà Nội), về mặt kiến thức, học sinh lớp 12 cần nắm chắc cấu trúc đề thi, bám thật sát đề thi tham khảo môn Tiếng Anh mà Bộ GDĐT đã công bố. Dựa theo đề thi tham khảo của Bộ GDĐT, có thể thấy đề thi năm nay mang tính ổn định so với những năm gần đây gồm 50 câu với thời gian làm bài 60 phút, các đơn vị kiến thức được kiểm tra và độ khó tương tự với đề thi chính thức của năm 2022.

Cô Dương chia sẻ, câu hỏi khiến thí sinh dễ bị mất điểm thường rơi vào các câu hỏi từ vựng, gồm các câu hỏi về sự kết hợp từ, cụm từ cố định, cụm động từ, (cụm) từ đồng nghĩa, (cụm) từ trái nghĩa, từ dễ gây nhầm lẫn… Thêm vào đó, học sinh rất dễ mất điểm oan ở dạng câu hỏi tìm (cụm) từ đồng nghĩa/trái nghĩa. Chỉ vì không đọc kỹ đề bài nên một số thí sinh chọn nhầm đáp án đồng nghĩa trong khi đề yêu cầu trái nghĩa và ngược lại. Vì vậy, việc cẩn trọng trong việc đọc kỹ đề bài là điều hết sức cần thiết. Thí sinh cần lưu ý, câu hỏi thành ngữ, tục ngữ chính là câu hỏi khiến hầu hết thí sinh mất điểm 10. Do đó, để có bài thi đạt điểm cao, thí sinh không nên quá căng thẳng, tự tạo áp lực cho mình mà hãy giữ tâm trạng thoải mái, tự tin vào bản thân, luôn bình tĩnh và cẩn trọng.

Để giành được điểm cao ở các môn thi nói chung và môn tiếng Anh, cô Nguyễn Thị Thanh Hương - giáo viên môn tiếng Anh, Hệ thống giáo dục HOCMAI lưu ý, thí sinh cần chuẩn bị tốt 3 yếu tố: Kiến thức về ngữ pháp, từ vựng chắc chắn; Phương pháp, kỹ năng làm bài hiệu quả và tâm thế quyết tâm, nỗ lực đến cùng để giải quyết vấn đề và hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trước khi vượt vũ môn: Để tiếng Anh không còn là nỗi sợ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO