Kinh tế

Trước Tết, càng thận trọng khi mua sắm online

H.Hương 31/01/2024 09:51

Gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lừa bán hàng qua mạng xã hội rồi chiếm đoạt tiền đặt cọc của nạn nhân.

anh-bai-duoi(2).jpg
Kho hàng tại huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) khi cơ quan chức năng kiểm tra. Nguồn: Cục QLTT Bắc Giang.

Càng gần Tết, việc mua bán hàng qua mạng xã hội đã ngày càng trở lên phổ biến. Cùng đó, hàng kém chất lượng, kể cả lừa đảo cũng tăng theo.

Mới đây, đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 phối hợp với Phòng Thanh tra - Pháp chế (Cục QLTT tỉnh Bắc Giang); Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Bắc Giang và Đội Cảnh sát kinh tế - Công an huyện Việt Yên kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Nguyễn Tiến Đỉnh (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) do ông Nguyễn Tiến Đỉnh là chủ hộ kinh doanh.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện tại kho hàng của hộ kinh doanh đang livestream bán áo khoác nữ người lớn đã qua sử dụng, không có căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa và không có hóa đơn, chứng từ với số lượng 1.858 chiếc. Giá bán được niêm yết trên sản phẩm là 30.000 đồng/chiếc.

Trước đó, cuối tháng 12/2023, lực lượng liên ngành TP Hà Nội đã kiểm tra đột xuất, phát hiện dấu hiệu vi phạm tại kho hàng của một “hot girl” nổi tiếng trong kinh doanh hàng hóa online trên nhiều nền tảng từ Tiktok, Instagram, Facebook cũng như website với tên gọi Mailystyle.com.

Trên nền tảng Facebook Mailystyle.com có 332.000 lượt thích và 520.000 lượt theo dõi đăng tải công khai số tài khoản ngân hàng của Nguyễn Hoàng Mai Ly với 12 số điện thoại chốt đơn, tư vấn khách hàng.

Đặc biệt, trong phiên livestream ngày 23/12/2023, tài khoản Mailystyle.com đã thực hiện phiên live kéo dài 12 tiếng với 647.000 lượt xem và 4.100 lượt bình luận chốt đơn sản phẩm.

Tham dự cùng phiên livestream trên tài khoản Mailystyle.com còn có sự xuất hiện của một số Tiktoker sở hữu hàng trăm nghìn lượt follower như Pew Pew, Hứa Phương Ngân… cùng tham gia giới thiệu, bán sản phẩm.

Đáng chú ý là sau đó, lực lượng chức năng phát hiện tại kho hàng này có nhiều sản phẩm không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, sản phẩm chưa rõ nguồn gốc xuất xứ.

Livestream bán hàng đang là hình thức giao dịch mới được ưa chuộng vì nội dung sinh động, nhân vật livestream nổi tiếng để tạo lòng tin cho khách hàng.

Do đó mà nhiều người bán hàng online đang sử dụng hình thức này thay vì chỉ đăng bài bán hàng kèm hình ảnh trên website hay nền tảng mạng xã hội. Thậm chí, cả những mặt hàng như trứng non, chân gà đông lạnh… cũng được bán livestream.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, livestream là một trong những dịch vụ, phương thức cung cấp nội dung mới phát sinh trên mạng.

Các mạng xã hội trong nước và mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam xuất hiện tính năng “livestream” là tính năng cho phép tài khoản mạng xã hội truyền tải trực tuyến video theo thời gian thực. Thực tế cho thấy, đây là hình thức thông tin tác động, ảnh hưởng nhanh tới xã hội.

Từ đó cho thấy rất cần quy định về quản lý dịch vụ livestream. Hướng quản lý mới được đề xuất là chỉ các mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới được cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến hoặc cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức (không bao gồm hoạt động thương mại điện tử). Các hoạt động chuyên ngành cung cấp dưới hình thức livestream phải tuân thủ quy định về pháp luật chuyên ngành.

Lãnh đạo Tổng cục QLTT cũng cho biết, năm 2024, bên cạnh việc phòng, chống gian lận thương mại, phòng, chống hàng giả, lực lượng QLTT đặt trọng tâm trong công tác phòng, chống hàng giả trên môi trường online.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trước Tết, càng thận trọng khi mua sắm online

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO