Trước thềm Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần IX: Những kỳ vọng không mới, nhưng cháy bỏng

Trần Bảo Hưng 08/07/2015 09:05

Ước mơ cháy bỏng của mỗi nhà văn là có được tác phẩm để đời. Đó cũng là động lực của mỗi người cầm bút, mặc dù vẫn biết rằng đó là ao ước không dễ gì có được. Mỗi nhà văn sáng tạo đơn độc trước cây bút và trang giấy, nhưng vẫn mong Hội Nhà văn VN – là nơi tập hợp, tạo điều kiện để mỗi hội viên có môi trường làm việc tốt nhất; ngày càng hoạt động có hiệu quả hơn, thực chất hơn.

Đại hội Đại biểu Hội Nhà văn VN lần thứ IX sẽ diễn ra từ 9 đến 11-7 tại Hà Nội (Ảnh: Ngọc Anh)

Do vậy trước thềm Đại hội, mỗi nhà văn hội viên đều mong muốn hội có quyết sách mới trong hoạt động, từ những nhận định trung thực về thực trạng văn chương hiện nay, có định hướng mới để thúc đẩy sáng tạo của mọi người cầm bút, để có được những tác phẩm có giá trị, thỏa mãn phần nào sự chờ đợi lâu nay của bạn đọc. Trước mắt, trong nhiệm kỳ mới, Hội cần hạn chế, tiến tới xóa bỏ những nghịch lý đang tồn tại. Trước hết, Hội là mái ấm của các hội viên, nhưng tôi biết có người (ngay tại Hà Nội) 5 năm qua không hề đặt chân đến Hội vẫn thấy không sao cả (và hội cũng không thấy “áy náy”). Vậy hoạt động của Hội đã cần thiết với hội viên chưa, có sức hấp dẫn, mời gọi hội viên chưa, hay chỉ là nơi “lui tới, đi về” của một số người có lợi ích thiết thân với Hội. Hội thúc đẩy, định hướng sáng tạo qua các hội thảo, trại sáng tác, giải thưởng hàng năm… nhưng ở lĩnh vực nào cũng có vấn đề. Các hội thảo rất ít tác động đến hội viên, đấy là chưa kể có hội thảo cứ như là “họp kín”, quanh đi quẩn lại cũng chỉ là những gương mặt quen thuộc. Giải thưởng văn học hàng năm không ít lần có vấn đề: có tác phẩm được trao giải, nhưng dư luận cho là không xứng đáng, có nhà văn không nhận giải thưởng và cũng có dư luận ì xèo, ông này, bà kia “chạy” giải thưởng, lại có chuyện buồn cười là “Ban giám khảo chuyên nghiệp”, có nghĩa là trao giải năm nào cũng những gương mặt giám khảo ấy, cuộc thi nào của đoàn thể nào… lại cũng thấy từng ấy người trong ban giám khảo. Thiếu người đủ trình độ để “cầm cân nảy mực”, hay đây là hiện tượng “nhóm lợi ích”. Nhiều hội viên ở các tỉnh phía Nam thì phàn nàn rằng hình như họ bị bỏ rơi, Hội chỉ là hội của các tỉnh phía Bắc.

Nhân đây cũng xin bàn đến nhân sự của các hội đồng (văn xuôi, thơ, lý luận phê bình, dịch…), mà hội viên rất kỳ vọng ở Đại hội IX. Nhiều hội viên cho rằng Ban Chấp hành cần tập trung những nhà văn có uy tín (vừa phải); có nhiệt tình, có sức khỏe để “hầu hạ” hội viên (như có đại biểu dã phát biểu trong Đại hội nhà văn các cơ quan trung ương), cho nên đừng cao tuổi quá. Nhưng thành viên của các hội đồng thì không giới hạn tuổi (miễn là còn sức khỏe), nhưng phải là những cây bút có uy tín cao, có thành tựu lớn ở những lĩnh vực ấy. Ở một vài nhiệm kỳ gần đây, hầu hết những cây bút đầu đàn trong các lĩnh vực đều đứng ngoài các hội đồng chuyên môn, là nơi thúc đẩy, định hướng sáng tạo.
Có một nghịch lý lớn nữa, tồn tại đã lâu, làm xói mòn say mê sáng tạo của nhà văn, đó là vấn đề nhuận bút, bản quyền tác giả. Đây là vấn đề lớn không chỉ với riêng giới văn học và một mình Hội Nhà văn VN cũng không giải quyết được, nhưng hội viên vẫn rất mong hội có tiếng nói và tích cực tìm biện pháp tháo gỡ. Trước đây người ta thường mỉa mai: Nhà văn không sống được bằng nhuận bút. Bây giờ còn mỉa mai hơn. Hầu hết các nhà văn khi in sách đều không có nhuận bút, số nhà văn có nhuận bút chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa số các tác giả đều phải tự bỏ tiền in sách, một số sách bán được thì nhà xuất bản liên kết với đầu nậu, và nhà văn được trả nhuận bút bằng sách (chưa kể không hiếm trường hợp còn bị đầu nậu ép mua thêm 1, 2 trăm cuốn với lời yêu cầu “mỹ miều” giúp “phát hành”). Và cũng có điều rất lạ là hầu hết sách đều in với số lượng 1.000 cuốn. Một tác giả nói với tôi: Anh biết là sách của mình đầu nậu in nhiều hơn, nhưng cứ đề như thế (1.000 cuốn) để trốn thuế và không phải tăng số nhuận bút “bằng sách”.

Còn một kỳ vọng nữa cũng rất bức thiết mà các nhà văn muốn đặt lên vai của các đại biểu: là đừng biến Đại hội thành nơi để chọn nhân sự Ban Chấp hành. Bởi đã rất nhiều Đại hội người ta chỉ nhăm nhăm đến để bầu bán (có người còn nói đến những ban kiểm phiếu chuyên nghiệp, vì Đại hội nào cũng vẫn những gương mặt ấy, thậm chí nhiều người trong ban kiểm phiếu còn không phải là hội viên Hội Nhà văn VN). Đánh giá nhiệm kỳ qua, định hướng cho nhiệm kỳ tới rất ít người nói (và nói cũng chẳng có mấy ai nghe). Do vậy bầu bán xong là Đại hội… tan (nói cho lịch sự là thành công tốt đẹp).

Thành bại của một nền văn học trông đợi vào thành công của từng nhà văn. Những kỳ vọng trên của chúng tôi vào kỳ Đại hội này, chính là Hội hãy là nơi nâng đỡ, thúc đẩy, tạo điều kiện cho sự sáng tạo, chứ đừng là những vật cản, những xì-căng-đan ức chế sự sáng tạo của hội viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trước thềm Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần IX: Những kỳ vọng không mới, nhưng cháy bỏng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO