Chiều 11/5, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) về thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước và Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Cùng tham dự buổi làm việc có các ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên Tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Báo cáo tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM cho biết, được thành lập từ năm 2002, SHTP trải qua hơn 20 năm hình thành, xây dựng và phát triển.
Hiện nay, Khu Công nghệ cao TPHCM đã triển khai đồng bộ 7 phân khu chức năng theo quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển công nghệ cao (CNC).
Tổng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu CNC đến nay đã giải ngân 10.090,9 tỷ đồng, trong đó tiền đền bù, tái định cư, an sinh là 4.852,15 tỷ đồng; Quy hoạch, xây dựng hạ tầng là 4.755 tỷ đồng; Hạ tầng Khoa học công nghệ, nghiên cứu triển khai - đào tạo - ươm tạo là 479,96 tỷ đồng và một phần chuẩn bị dự án Công viên Khoa học Công nghệ khoảng 3,8 tỷ đồng.
Đến nay, Khu CNC đã thu hút được 160 dự án còn hiệu lực. Trong đó, có 70 dự án sản xuất CNC; 19 dự án dịch vụ CNC; 19 dự án nghiên cứu triển khai (R&D); 09 dự án đào tạo, ươm tạo; 23 dự án công nghiệp hỗ trợ CNC; 09 dự án thương mại, dịch vụ và 11 dự án phát triển hạ tầng.
Trong 51 dự án FDI, có các tập đoàn CNC nổi tiếng thế giới như: Intel, Jabil (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Datalogic (Italia),.... Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bao gồm cả cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 10,106 tỷ USD/51 dự án (bình quân vốn đầu tư 198 triệu USD/01 dự án) và tổng vốn đầu tư trong nước tương đương 1,974 tỷ USD/109 dự án (bình quân vốn đầu tư 18,1 triệu USD/01 dự án).
Giải ngân vốn đầu tư thực hiện của doanh nghiệp đạt 5,585 tỷ USD, chiếm 46,4%. Qua đây, cho thấy số lượng dự án FDI chưa bằng 1/2 số dự án trong nước (51 dự án/109 dự án) nhưng vốn đầu tư gấp 05 lần (10,106 tỷ USD/1,929 tỷ USD). Khu CNC lấp đầy hơn 85% đất quy hoạch cho hoạt dộng đa lĩnh vực CNC.
Hiện nay, Khu CNC cũng đã hợp tác với Đại học Quốc gia TPHCM, cùng các Viện trường triển khai các hoạt động R&D, đào tạo, ươm tạo CNC, doanh nghiệp CNC, đạt được một số kết quả bước đầu như cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp, đào tạo và tái đào tạo, một số hợp tác đề tài khoa học công nghệ cấp Quốc gia và TP HCM. Qua đó hình thành và phát triển năng lực nội sinh về CNC cho Thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
“Khu Công nghệ cao xác định tầm nhìn đến năm 2045 sẽ trở thành tiểu Đô thị khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước”, PGS.TS Nguyễn Anh Thi nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao hoạt động của Khu CNC sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, đã chứng tỏ sự đúng đắn của TP HCM trong cách tiếp cận và chọn phương thức tiến hành triển khai dự án. Từ đó, đã hình thành một Trung tâm CNC quốc gia - nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao; sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao.
Khu CNC đã góp phần quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM qua các nhiệm kỳ - chuyển dịch cơ cấu kinh tế nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng công nghiệp CNC. TPHCM đã tiên phong chứng tỏ chủ trương đúng đắn của Trung ương và TP HCM về giải pháp phát triển CNC trong chiến lược CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, Khu CNC đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng thể chế về hoạt động CNC, Khu Công nghệ cao và được đánh giá là Khu Công nghệ cao thành công nhất trong các Khu Công nghệ cao quốc gia.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, trọng tâm của Khu CNC trong giai đoạn tới là phát triển năng lực nội sinh, tập trung vào phát triển các ngành, lĩnh vực có tính nền tảng, có tác động lan tỏa cao ở tầm quốc gia, gắn với các hệ sinh thái ngành mạnh đã hình thành tại Khu CNC và tận dụng triệt để các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên cơ sở khai thác các thế mạnh về nguồn nhân lực trình độ cao, tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Do đó, Khu CNC cần tiếp tục tạo điều kiện phát triển chất lượng nhân lực từ nguồn nhân lực có sẵn, khuyến khích học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Tăng cường hợp tác nghiên cứu và đào tạo với các viện, trường thuộc Đại học Quốc gia TP HCM để đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao theo yêu cầu của các doanh nghiệp trong Khu CNC.
Đồng thời, đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm R&D tại các doanh nghiệp Việt Nam đang làm việc tại Khu CNC. Song song đó, xác lập và triển khai các dự án chuyển giao công nghệ giữa trường đại học với các doanh nghiệp.
Sau buổi làm việc, Đoàn công tác cũng đã tham quan, tìm hiểu Trung tâm Đào tạo điện tử quốc tế (IETC) theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, nơi đào tạo nhân lực trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm điện tử (Product Design), phát triển các sản phẩm, vận hành các nhà máy điện tử có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Trước đó, sáng cùng ngày 11/5, tại tỉnh Bình Dương, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam cũng phối hợp với Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai một số quy định của của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII./.