Giáo dục

Trường đại học không còn lo tuyển vượt chỉ tiêu

Vi Cầm 09/11/2024 11:28

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang lấy ý kiến góp ý dự thảo thông tư quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục đại học (ĐH) và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng (CĐ) ngành Giáo dục mầm non.

anh bai chinh thay
Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh.

Điểm mới đáng chú ý tại dự thảo Thông tư là đưa ra 2 tiêu chí các cơ sở giáo dục ĐH không được tăng so với chỉ tiêu và số thực tuyển của năm trước liền kề bao gồm: Tỷ lệ thôi học năm đầu cao hơn 15%; tỷ lệ người tốt nghiệp có việc làm thấp hơn 70%.

Theo dự thảo thông tư, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định và thực hiện cho từng năm, theo từng ngành, nhóm ngành, trình độ và hình thức đào tạo tại trụ sở chính và từng phân hiệu, bảo đảm phù hợp với năng lực của cơ sở đào tạo, nhu cầu thị trường lao động, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng vùng, địa phương. Các trường hợp phải xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo ngành bao gồm: Các ngành thuộc nhóm ngành: Đào tạo giáo viên; Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam; Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài và các ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ. Cơ sở đào tạo tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh căn cứ các tiêu chí và quy trình quy định tại Thông tư và công bố công khai theo các quy chế tuyển sinh hiện hành, trừ những trường hợp chỉ tiêu tuyển sinh do Bộ GDĐT quyết định thì chỉ được công bố chỉ tiêu tuyển sinh theo thông báo của Bộ GDĐT.

Đại diện các trường ĐH nhận định, những điểm mới trong dự thảo thông tư tuyển sinh ĐH lần này đều hợp lý và cần thiết. Đặc biệt quy định mới sẽ giúp các trường đỡ sợ tuyển vượt chỉ tiêu. TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Công nghiệp TPHCM) cho biết, nhà trường nhất trí cao với nội dung những điểm mới trong dự thảo này. Việc xác định năng lực đào tạo tối đa với hệ số 40 người học/giảng viên đảm bảo tính thống nhất với thông tư 01 về chuẩn cơ sở giáo dục ĐH. Quy định này giúp các trường không phải lo lắng mỗi khi xác định tỷ lệ gọi thí sinh vì sợ tuyển vượt quá 3% sẽ bị phạt rất nặng như trước đây.

TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TPHCM chia sẻ, hiện nay nếu các trường tuyển vượt 3% chỉ tiêu (kể cả tổng chỉ tiêu không đạt nhưng có ngành tuyển vượt 3%) vẫn vi phạm và bị xử phạt, dẫn đến việc triển khai tổ chức xét tuyển tại các cơ sở đào tạo rất khó khăn. Do đó, dự thảo nói trên đã điều chỉnh, bổ sung một số quy định để đơn giản hóa quy trình, biểu mẫu xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh nhằm tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo chủ động hơn trong công tác tuyển sinh, từ việc xác định, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh đến việc báo cáo kết quả thực hiện chỉ tiêu.

Có một thực tế là thời gian qua có không ít sinh viên bị thôi học vì kết quả học tập yếu kém. Đơn cử như trong tháng 9 vừa rồi, Học viện Ngân hàng đã thông báo danh sách 450 sinh viên bị xử lý học vụ học kỳ II năm học 2023-2024. Trong đó, 241 sinh viên bị buộc thôi học, 217 sinh viên bị cảnh báo học vụ do kết quả học tập kém; Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có 3.875 sinh viên bị cảnh báo học vụ lần 1 và 1.490 sinh viên có quyết định buộc thôi học; Trường ĐH Luật TPHCM cũng vừa có danh sách hàng trăm sinh viên bị buộc thôi học và dự kiến bị cảnh báo học tập vì có kết quả học tập yếu kém trong học kỳ II năm học 2023-2024...

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, việc sinh viên bỏ học là một vấn đề mà nhiều trường ĐH đang phải đối diện, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định chỉ tiêu, thậm chí cả uy tín và xếp hạng của trường.

Dẫu thế, TS Nguyễn Trung Nhân phân tích, thời gian qua sinh viên bị thôi học nhiều, nhưng không đến mức 15% vì tỷ lệ này là rất lớn, hiếm trường nào có. Lý do sinh viên bị thôi học có nhiều, trong đó đa số không có động lực học tập, do chọn sai ngành hoặc do trúng tuyển vào ngành mình không yêu thích mà vẫn nhập học… dẫn đến kết quả học tập không đạt. Vấn đề đặt ra là các trường cần có giải pháp để hạn chế tình trạng sinh viên thôi học và bị thôi học. Đơn cử như việc nâng cao công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho thí sinh trước khi tuyển sinh.

Xung quanh nội dung không tăng chỉ tiêu khi số sinh viên tốt nghiệp có việc làm dưới 70%, PGS.TS Nguyễn Đức Trung – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cho rằng, quy định này là rất hợp lý và đúng với thực chất hoạt động đào tạo hiện nay. Bởi trên thực tế, không phải người học nào sau khi tốt nghiệp ra trường cũng có được việc làm ngay đúng như mong muốn vì thị trường lao động hiện nay đang có những biến chuyển nhất định. Hơn nữa, thực tế hiện nay có tỷ lệ thất nghiệp tự nguyện của sinh viên sau khi tốt nghiệp như học thêm văn bằng, học nâng cao trình độ… không hề thấp. Do đó, dự thảo quy định mức tối thiểu 70% đối với tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm là phù hợp với thị trường lao động cũng như thực tế của sinh viên mới ra trường hiện nay.

Còn PGS.TS Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo ĐH (Trường ĐH Nha Trang) bày tỏ, việc dự thảo quy định trường ĐH không được tăng chỉ tiêu nếu tỷ lệ người tốt nghiệp có việc làm thấp hơn 70% sẽ gia tăng vai trò, trách nhiệm của các cơ sở đào tạo đối với việc phối hợp, hỗ trợ trường THPT trong công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp, tư vấn tuyển sinh để học sinh có đầy đủ thông tin trước khi chọn ngành, chọn trường học phù hợp. Ông Phương cho rằng, quy định như vậy là phù hợp vì giúp hạn chế việc tăng chỉ tiêu không sát với nhu cầu thực tế của xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trường đại học không còn lo tuyển vượt chỉ tiêu