Việc một số trường đại học vừa được cho phép chuyển đổi thành đại học khiến nhiều người thắc mắc về khái niệm của đại học và trường đại học có gì khác nhau.
Thêm trường đại học lên đại học
Trường Đại học Kinh tế quốc dân vừa được chuyển thành Đại học Kinh tế Quốc dân theo quyết định số 1386/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quyết định, Đại học Kinh tế Quốc dân là đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.
Chính phủ yêu cầu Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện tổ chức lại cơ cấu tổ chức và hoạt động trên cơ sở Trường Đại học Kinh tế quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục đại học và quy định pháp luật có liên quan.
Trước đó, Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã thông qua nghị quyết thành lập 3 trường gồm Trường Kinh doanh, Trường Công nghệ, Trường Kinh tế và Quản lý công.
Cách đây ít ngày, Trường Đại học Duy Tân cũng được chuyển thành Đại học Duy Tân. Đây là cơ sở giáo dục đại học tư thục đầu tiên chuyển đổi từ trường đại học lên đại học.
Như vậy, tới thời điểm hiện tại, cả nước có 9 đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Duy Tân, Đại học Kinh tế quốc dân.
Thay đổi theo hướng chiều sâu
Việc một số trường đại học vừa được cho phép chuyển đổi thành đại học nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Còn nhớ thời điểm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển thành Đại học Bách khoa Hà Nội, dư luận cũng dấy lên thắc mắc về khái niệm trường đại học và đại học. Cho tới thời điểm này, nhiều người vẫn chưa nắm được 2 tên gọi này có gì khác nhau.
Việc chuyển từ trường đại học lên thành đại học không đơn giản là việc đổi tên gọi mà bản chất là cơ sở giáo dục đại học đó chính thức thay đổi mô hình quản trị.
Theo Luật Giáo dục Đại học năm 2018, trường đại học và đại học là hai khái niệm khác nhau. Trường đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành nhưng không đào tạo nhiều lĩnh vực. Trong khi đại học sẽ đào tạo trên nhiều lĩnh vực, mỗi lĩnh vực có nhiều ngành. Do đó, đại học sẽ bao gồm các trường đại học.
Ngoài các trường nêu trên, hiện nhiều trường đại học đang được quy hoạch theo hướng đa ngành, đa nghề để chuyển lên mô hình đại học như: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Cần Thơ…
Thực tế, để đáp ứng quy mô đào tạo từ đa ngành thành đa lĩnh vực, nhiều trường đại học đã mở ngành không phải thế mạnh của trường.
Theo các chuyên gia, khi chuyển đổi và xây dựng đề án nâng lên đại học, nếu các trường đại học không làm rõ mục tiêu mà chỉ có sự thay đổi về hình thức và danh xưng thì như “bình mới rượu cũ”.
Trong bài phát biểu tại lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chuyển Trường Đại học Duy Tân thành Đại học Duy Tân, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, từ trường đại học trở thành đại học là một sự lựa chọn mô hình tổ chức và quản trị, cũng là một mô hình phát triển chứng tỏ độ chín và nhu cầu phát triển mới từ bên trong.
Bộ trưởng mong rằng, sự thay đổi này không phải là thay đổi một cái tên mà sự thay đổi này hướng tới chiều sâu, hướng tới giải phóng sức sáng tạo, hướng quản trị hiện đại, thông minh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nhấn mạnh, sự thay đổi từ mô hình tổ chức của một trường đại học sang mô hình tổ chức của một đại học cần tạo ra những động lực mới và những sung lực mới, giải phóng được sức sáng tạo và tạo ra những năng lượng mới tạo sự phát triển đại học nhanh và mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Điều kiện chuyển từ trường đại học lên đại học
Theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, để được chuyển từ trường đại học lên đại học, các trường phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Trường đại học đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp.
- Cơ sở giáo dục đại học đó có ít nhất ba trường thuộc trường đại học được thành lập theo quy định; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người; có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập
- Có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.