Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) Nguyễn Quốc Bình cho rằng, trước những diễn biến phức tạp của dịch nCoV, các trường cần chuẩn bị kế hoạch dài hơi hơn. Thậm chí, có thể xây dựng kế hoạch giả định nếu vẫn tiếp tục nghỉ thì phải có giải pháp để học online, gửi bài tập, hướng dẫn học sinh ôn tập như làm các dự án nhỏ của các môn học để các con vẫn duy trì việc học tập một cách bình thường theo hình thức khác.
Đừng để sự hấp dẫn trên mạng cám dỗ khi bạn đang học.
Khuyến khích thầy cô sáng tạo
Với tâm thế chủ động ứng phó với dịch nCoV, ngay trong đêm 2/2 khi Hà Nội chính thức phát đi thông tin cho học sinh nghỉ học tuần đầu tiên, toàn bộ các trưởng nhóm bộ môn của Trường THCS&THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) đã thống nhất xây dựng kế hoạch học tập cho học sinh. Các môn Toán, Ngoại ngữ… sẽ dạy thời lượng nhiều hơn. Ngoài ra các bộ môn như Lịch sử, Địa lý, Hóa học… vẫn giao các bài tập theo các cấp độ khác nhau: nhận biết, thông hiểu, vận dụng giao bài tập theo từng ngày, sau đó phối hợp cùng cha mẹ học sinh gửi lại kết quả qua group của thầy cô giáo.
“Quyết định cho học sinh nghỉ học để phòng dịch lúc đó khá đột ngột nên các trường phổ thông cần có kế hoạch tổ chức ôn tập cho học sinh. Trong giai đoạn này, có thể giao cho học sinh làm các dự án nhỏ nhằm tăng khả năng tự học của các em. Đặc biệt với học sinh lớp nhỏ, cần giao nhiệm vụ học tập một cách chi tiết khoa học”- ông Nguyễn Quốc Bình chia sẻ.
Trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng bắt tay vào xây dựng hệ thống bài giảng trực tuyến đẩy lên mạng để học sinh tự học ở nhà ngay trong ngày đầu tiên học sinh Hà Nội được nghỉ học. Cô Nguyễn Thị Lý- Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các thầy cô sẽ đẩy bài giảng lên trang web của nhà trường và hướng dẫn cho phụ huynh học sinh theo dõi, tải các bài học đó theo hình thức trực tuyến…
Trong khi đó, với phương châm không để kiến thức của học trò bị đứt đoạn trong thời gian nghỉ kéo dài, bà Thu Anh- Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, bên cạnh yêu cầu cứng là các thầy, cô giáo giao bài cho học sinh qua nhóm zalo, email thì các thầy cô giáo cũng phải phát huy tối đa sự sáng tạo trong việc giảng dạy trực tuyến. Khuyến khích giáo viên dạy online cho học sinh vì bây giờ rất đơn giản, lớp nào cũng có nhóm zalo và nhà bạn nào hầu như cũng kết nối internet nên giáo viên chỉ cần ngồi tại nhà mình hoặc trường để dạy online cho các em.
Phát huy thế mạnh học trực tuyến
Đến nay hàng trăm trường đại học (ĐH) trên cả nước đã cho sinh viên nghỉ học, thậm chí kéo dài thời gian nghỉ học để hạn chế tình trạng lây lan virus corona. Để kế hoạch học tập không bị gián đoạn, nhiều trường đã lên phương án tổ chức đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến cho sinh viên học ở nhà. Tại Trường ĐH Mở Hà Nội đã tổ chức đào tạo từ xa cho toàn bộ sinh viên các hệ. Ngoài việc truy cập vào hệ thống bài giảng, sinh viên còn vào điểm danh trên hệ thống zalo của lớp.
PGS.TS Nguyễn Thị Nhung- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội cho biết, dù có thế mạnh đào tạo từ xa lâu nay nhưng không phải tất cả học phần của 17 ngành của trường đều có sẵn học liệu để học trực tuyến. Nhà trường hiện có 3 phòng thu âm, ghi hình hoạt động tối đa công suất để hỗ trợ cho giảng viên. Với những học phần chưa đầy đủ bài giảng điện tử, trong hơn 4 ngày đã có hơn 100 nghìn lượt truy cập vào hệ thống và trên 90% sinh viên chính quy đã tham gia vào hệ thống đào tạo trực tuyến này.
Theo ông Đinh Tuấn Lộc- Giám đốc Trung tâm Công nghệ và học liệu, Trường ĐH Mở Hà Nội hệ thống studio của nhà trường đều đang phục vụ cho việc dạy trực tuyến cho sinh viên. Giảng viên có thể sử dụng slide, gửi clip, hệ thống bảng trắng… để sinh viên có thể tiếp cận bài giảng không khác gì trên lớp.
“Đào tạo trực tuyến có 2 hình thức. Đối với hình thức đào tạo không đồng bộ, nhà trường đã chuẩn bị hệ thống học liệu điện tử cho tất cả các ngành học để sinh viên chỉ cần kết nối vào hệ thống bất kỳ thời điểm nào. Tự học bao giờ cũng có những khó khăn, vượt qua những khó khăn đó, nhà trường tổ chức đào tạo đồng bộ về thời gian, sinh viên và giảng viên có thể ngồi ở bất kỳ đâu nhưng cùng online một lúc mới có thể tương tác trực tiếp được”- ông Đinh Tuấn Lộc cho biết.
Để đảm bảo liên lạc thông suốt, kinh nghiệm của Trường ĐH Mở Hà Nội là lập thêm các nhóm thảo luận trực tiếp với sinh viên để nhắc nhở các em tham gia vào học tập bên cạnh hệ thống đào tạo trực tuyến của nhà trường. Chính sự chủ động này giúp kế hoạch học tập của nhà trường sẽ không bị gián đoạn dù thời gian nghỉ có kéo dài hơn, ngoài phần thực hành, thực tập cần triển khai sau đó.