Mùa tuyển sinh 2017- 2018, công tác xét tuyển Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ) có nhiều điểm mới, đặc biệt là việc không hạn chế nguyện vọng xét tuyển cho các thí sinh (TS). Nhiều người lo ngại các trường CĐ, trung cấp (TC) nghề sẽ gặp khó trong công tác tuyển sinh. Trước băn khoăn này, PGS.TS Cao Văn Sâm- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) cho rằng, các trường nghể cần có cách làm mới để nâng cao năng lực tuyển sinh.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại).
Khuyến khích người học chọn trường cho phù hợp
Theo đó, năm 2017 là năm đầu tiên các trường CĐ, TC nghề thực hiện tuyển sinh với tư cách là thành viên của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH). Theo ông Cao Văn Sâm, khi các trường thuộc khối trường đào tạo nghề vào chung một mối sẽ tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm cho nhau. Từ đó công tác tuyển sinh cho các trường cũng sẽ tốt hơn và đạt yêu cầu đề ra.
Thực tế cho thấy, thị trường lao động đang rất cần nguồn lao động được đào tạo trực tiếp, nhất là nguồn lao động chất lượng cao cho khu công nghệp, khu chế xuất và phục vụ cho yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thời gian qua, Tổng cục đã có nhiều hỗ trợ về chuyên môn cho các trường, nhất là khâu tư vấn xét tuyển. Cụ thể là phân cấp triệt để cho các trường toàn quyền trong công tác tuyển sinh.
Theo đó, các trường có thể tuyển sinh theo nhiều hình thức khác nhau như: xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp giữa hai hình thức này với nhau, tùy theo nhu cầu của từng ngành, từng nghề, từng trường. Mục đích là để phù hợp với điều kiện chọn lựa của các em thí sinh và đáp ứng tốt nhất yêu cầu về trình độ, năng lực, điều kiện học tập của các em. Cùng với đó, các trường cũng phải tư vấn, hướng dẫn rất rõ cho thí sinh và phụ huynh, để họ hiểu rằng: Nếu đăng ký xét tuyển trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì các em sẽ được học tập trong điều kiện như thế nào, sau khi học xong, các em có thể lập nghiệp ở đâu, mức lương và cơ hội thăng tiến của các em ra sao…
Thống kê cho thấy, hiện cả nước có khoảng gần 1.000 trường CĐ, TC nghề trên toàn quốc. Một số điểm rất khác biệt sẽ được áp dụng từ năm 2017 trở đi của các trường nghề bao gồm: Đối với hệ TC thì có 2 đối tượng, một là TC học 2 năm. Hệ TC này, các em có thể tốt nghiệp THCS đã có thể đăng ký xét tuyển.
Nhưng đối với đối tượng học TC 2 năm thì không được học liên thông lên các bậc học cao hơn. Đối với hệ TC 3 năm, trong đó có 2 năm học chuyên môn, một năm học các môn văn hóa theo quy định của Bộ GD&ĐT, vì vậy tổng số năm học là 3 năm trình độ TC, và đối với những đối tượng này các em tốt nghiệp được cấp bằng trung cấp và được học liên thông lên các trình độ cao hơn.
Còn đối với hệ CĐ thì năm nay là năm đầu tiên Luật Giáo dục nghề nghiệp cho phép các trường khi đủ điều kiện tuyển sinh và đào tạo thì ngoài cấp bằng tốt nghiệp CĐ, các trường được phép cấp bằng CĐ và ghi công nhận danh hiệu kỹ sư thực hành đối với các ngành nghề kỹ thuật và cử nhân thực hành đối với các ngành về công nghệ, kinh tế và các ngành khác. Sự khác biệt của giáo dục nghề nghiệp với đào tạo đại học ở chỗ: Giáo dục nghề nghiệp sẽ đào tạo 70% về thực hành, lấy kỹ năng xuyên suốt quá trình đào tạo của người học làm chuẩn phương châm để các trường xây dựng chương trình đào tạo, thiết kế phương án GD&ĐT cho trường mình.
Về xu hướng chọn ngành, nghề học hiện nay, ông Cao Văn Sâm cho rằng, một mặt vẫn phải khuyến khích các em có khả năng và điều kiện học trình độ cao hơn để đào tạo nhân tài. Nhưng đồng thời chúng ta cũng vẫn phải khuyến khích và tư vấn cho thí sinh chọn ngành, chọn trường sao cho phù hợp với điều kiện, năng lực và trình độ để khi ra trường người học sẽ có việc làm ngay, sớm ổn định và phát triển.
Sớm quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp
Mới đây tại Vĩnh Phúc, Bộ LĐTB&XH đã tổ chức hội nghị định hướng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và điều chỉnh ngành/nghề trọng điểm; trường được lựa chọn ngành/nghề trọng điểm đến năm 2020. Hội nghị nói trên là cơ sở để các đại biểu tham luận về những vấn đề như: Định hướng xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp; tình hình quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đầu tư nghề trọng điểm đến năm 2020… nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Trước những băn khoăn cho rằng, giáo dục nghề nghiệp hiện nay cần một cuộc “lột xác” để nâng chất lượng đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực cho đất nước thời kỳ hội nhập, ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho rằng, để đạt mục tiêu này, có 3 nhóm giải pháp đột phá chính là giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo lộ trình phù hợp, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Khi phụ huynh, học sinh và toàn xã hội xã hội có nhận thức tích cực hơn về giáo dục nghề nghiệp sẽ tạo cơ sở vững chắc để thu hút người học vào học các trình độ của giáo dục nghề nghiệp.