Hiện nay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thuộc Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) không trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nên không có dữ liệu về học sinh THPT, dẫn đến nhiều trường gặp khó trong công tác tuyển sinh.
Tại hội nghị đánh giá công tác truyền thông GDNN năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ công tác truyền thông năm 2023, một trong những kiến nghị từ các cơ sở GDNN đó là mong có dữ liệu học sinh phổ thông để thuận lợi hơn trong tuyển sinh năm 2023.
Cụ thể, theo ông Lê Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường cao đẳng (CĐ) nghề Yên Bái, để phục vụ công tác tuyển sinh, nhà trường hàng năm phải chủ động “gõ cửa” các trường phổ thông để có dữ liệu về học sinh. Mặc dù tỉnh Yên Bái quan tâm đến công tác phân luồng học sinh sau THCS, tuy nhiên vì không có dữ liệu nguồn đầy đủ được cập nhật thường xuyên, liên tục nên kết quả tuyển sinh vẫn còn những hạn chế.
Tương tự, ông Lê Đình Thâm - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cao Đồng Nai cho biết, năm 2022 trường tuyển được hơn 2.000 chỉ tiêu, chủ yếu trường tuyên truyền trực tuyến và “gõ cửa” trực tiếp các trường phổ thông để phục vụ công tác tuyển sinh. Mong muốn của trường cũng như các cơ sở GDNN khác đó là những dữ liệu liên quan đến học sinh tốt nghiệp THPT sẽ được chia sẻ với các đơn vị GDNN. “Khi đó, nhà trường sẽ có những thông tin như địa chỉ email, số điện thoại liên lạc với học sinh để gửi nội dung tuyển sinh, tuyên truyền, giới thiệu các hoạt động của trường đến học sinh được biết, gia tăng cơ hội lựa chọn ngành học cho học sinh” - ông Thâm chia sẻ.
Hiện nay, Tổng cục GDNN cũng đã xây dựng ứng dụng dành cho các trường dạy nghề của Bộ LĐTB&XH. Nhà trường đăng tải cụ thể các thông tin tuyển sinh, mã ngành, nghề để phụ huynh, học sinh quan tâm, tham khảo.
Theo ông Thâm, phần mềm có phần đăng ký hồ sơ xét tuyển nên học sinh nào có nhu cầu sẽ đăng ký trực tuyến hoặc liên hệ qua số điện thoại để bộ phận chuyên viên của trường nắm được. Song, đây là một kênh truyền thông với mục đích tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh ai có nhu cầu cho con em học thì đăng ký, liên hệ với trường. Hình thức tuyển sinh chủ yếu hiện nay của trường vẫn là đi đến từng trường để vận động, tư vấn và thu hút người học.
Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” đề ra mục tiêu phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%. Phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ CĐ; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%.
Tuy nhiên, khi các trường không nắm được dữ liệu về học sinh phổ thông, việc tuyên truyền, hướng nghiệp đến người học rất khó khăn.
Trong khi đó, theo PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, năm 2022 hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GDĐT đã giúp đẩy mạnh sự minh bạch trong công tác tuyển sinh toàn ngành. Bộ có cơ sở dữ liệu toàn bộ, đầy đủ, chính xác về kết quả tuyển sinh của các trường, là công cụ hữu hiệu để phân tích chính sách, từ đó có thể kịp thời điều chỉnh những bất cập, hạn chế. Nếu như dữ liệu này được chia sẻ tới các trường nghề sẽ giúp việc truyền thông tới người học hiệu quả hơn rất nhiều.
Thông tư 15 về việc dạy văn hóa trong các cơ sở GDNN được ban hành đã góp phần gỡ vướng cho các cơ sở GDNN. Để tiếp tục khơi thông việc đào tạo nghề, học tập suốt đời thì cần thêm những chính sách khác, trong đó có việc tạo phần mềm xét tuyển chung cho các cơ sở GDNN với dữ liệu đầy đủ về người học, các ngành nghề đào tạo.