Trước băn khoăn của nhiều học sinh và phụ huynh về việc thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông cũ - mới ra sao, ngày 4/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông tin chính thức: Những thí sinh chưa đỗ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi đúng chương trình đã được học.
Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) đã được học theo tinh thần bảo đảm đầy đủ quyền lợi của học sinh. Nội dung này sẽ được đưa vào điều khoản chuyển tiếp của Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi tốt nghiệp cuối cùng theo Chương trình GDPT 2006. Năm 2025 là kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên của Chương trình GDPT 2018. Vì vậy, lứa học sinh chuẩn bị tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 rất lo lắng nếu không may trượt tốt nghiệp thì sẽ phải thi lại vào năm 2025 theo đề thi của Chương trình GDPT 2018, trong khi các em học 12 năm theo sách giáo khoa của Chương trình GDPT 2006.
Trước đó, vào cuối năm 2023, Bộ GDĐT đã công bố quyết định về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Thí sinh sẽ thi 4 môn với 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn. Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, nguyên tắc “bất di bất dịch” là đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của học sinh. Với các em trượt kỳ thi tốt nghiệp của Chương trình GDPT 2006, Bộ GDĐT sẽ nghiên cứu tổ chức thi cùng năm 2025 nhưng có 2 chương trình đề thi khác nhau. Một đề nội dung theo Chương trình GDPT 2018, nội dung đề còn lại theo Chương trình GDPT 2006.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), nguyên lý chung là học theo chương trình nào sẽ thi theo chương trình đó. Do đó, học sinh hoàn toàn có thể yên tâm rằng không phải học theo chương trình GDPT 2006 mà phải thi theo chương trình GDPT 2018.
Trước sự quan tâm của nhiều thí sinh về nội dung, chương trình thi tốt nghiệp THPT 2024, GS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT cho biết, không thay đổi cấu trúc đề thi năm nay bởi đây là năm cuối của kỳ thi theo chương trình GDPT 2006. Việc giữ ổn định cấu trúc nhằm tránh xáo trộn để học sinh yên tâm. Mặc dù vậy, theo ông Chương, đề thi tốt nghiệp năm 2024 sẽ có một số điểm cần lưu ý thêm. Cụ thể, một số câu hỏi vận dụng sẽ hướng đến thực tiễn và có sự phân hóa cao hơn để giúp cho bên cạnh xét tốt nghiệp, các trường đại học phân hóa được thí sinh và có thể sử dụng để xét tuyển vào đại học. Có một số câu tiệm cận dần với việc đánh giá năng lực và hướng đến kỳ thi tốt nghiệp THPT của năm 2025.
Thí sinh cần lưu ý, kỳ thi tốt nghiệp THPT cần đạt 3 mục tiêu: Để xét tốt nghiệp, nhà trường đánh giá quá trình dạy và học trong 3 năm và có thể sử dụng kết quả đó để xét tuyển đại học, cao đẳng và trung cấp nghề. Những năm vừa rồi, có gần 60% sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sinh đại học - cao đẳng. Cục Quản lý chất lượng đang tham mưu cho Bộ GDĐT tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để có thể làm căn cứ xét tuyển sinh ĐH theo hướng tự chủ của các cơ sở giáo dục.
Bộ GDĐT sẽ nghiên cứu về lộ trình, tiêu chí để xây dựng thư viện/ngân hàng đề thi chung khi đủ điều kiện để thực hiện phân cấp cho địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra ở cấp THPT thay cho phương thức một kỳ thi quốc gia tổ chức trong cùng một địa điểm như hiện nay.
Về lộ trình thi tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT mới, từ năm 2025 - 2030 giữ ổn định phương thức thi trên giấy. Giai đoạn sau năm 2030, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm tại địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp thi trên giấy và trên máy tính), khi tất cả địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với tất cả các môn thi trắc nghiệm.