Trong khi ngân hàng cho rằng, nếu truy thu thuế, phạt kê khai sai và tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng đối với các khoản thu liên quan đến thư tín dụng phát sinh từ đầu năm 2011 đến nay sẽ gây tác động xáo trộn lớn, thì phía cơ quan thuế lại có cái lý khác.
Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị Bộ Tài chính không truy thu thuế GTGT đối với dịch vụ thư tín dụng. (Ảnh minh họa).
Cơ quan thuế: Làm đúng theo Luật
Ngày 22/4/2020, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) ban hành Công văn số 1606/TCT-DNL gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với dịch vụ thư tín dụng (L/C) của các tổ chức tín dụng.
Văn bản của Tổng cục Thuế cho rằng, kể từ ngày 1/1/2011, khi Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 có hiệu lực thi hành thì thư tín dụng (L/C) là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán. Do vậy sẽ không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, đồng thời yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, hướng dẫn các tổ chức tín dụng rà soát, kê khai và nộp thuế GTGT đối với các khoản thu từ thư tín dụng phát sinh từ ngày 1/1/2011 đến nay.
Phía cơ quan thuế cho rằng, Luật Thuế GTGT qua nhiều lần sửa đổi vẫn giữ nguyên quy định không thu thuế GTGT đối với các nghiệp vụ tín dụng, nghiệp vụ tài chính. Do vậy, ngành thuế luôn quán triệt nghiệp vụ tín dụng và bảo lãnh là đối tượng không chịu thuế GTGT. Tuy nhiên, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010 lại có quy định tại Khoản 15, Điều 4 rằng L/C là hình thức thanh toán chứ không phải tín dụng.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) khẳng định cơ quan thuế yêu cầu các ngân hàng rà soát, kê khai nộp thuế GTGT đối với dịch vụ L/C là làm đúng các quy định của pháp luật. Người của cơ quan thuế cho rằng, nếu là hoạt động cho vay, bảo lãnh của ngân hàng thì không bao giờ phát sinh thuế GTGT. Nhưng nếu là dịch vụ thanh toán, ngân hàng phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo Luật.
“Chúng tôi không thể làm sai Luật”- ông Phụng nói.
Đại diện cơ quan thuế cũng cho hay, từ trước tới nay, các ngân hàng và TCTD luôn là đối tượng thực thi pháp luật rất tốt. Ngoài ra, trong Luật luôn cho phép người nộp thuế tự khai, tự tính, tự nộp, tự chịu trách nhiệm với tờ khai của mình nên về cơ quan thuế không can thiệp quá sâu vào tờ khai của DN.
“Nhưng khi các cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện ra sai sót, chúng tôi phải hướng dẫn người nộp thuế điều chỉnh cho đúng. Khi chúng ta đã thống nhất L/C là dịch vụ thanh toán thì ngân hàng sẽ phải khai bổ sung thuế giá trị gia tăng”-ông Phụng chia sẻ.
Ngân hàng lo lắng
Khi cơ quan thuế muốn truy thu thuế dịch vụ L/C của ngân hàng từ năm 2011 đến nay, lâp tức Hiệp hội Ngân hàng đã lên tiếng.
Theo Hiệp hội Ngân hàng, việc thu thuế GTGT với nghiệp vụ L/C là không hợp lý. Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, theo các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về nghiệp vụ thư tín dụng chứng từ và thông lệ quốc tế (Bộ quy tắc về thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ - UCP 600) thì thư tín dụng, trong đó ngân hàng đóng vai trò là ngân hàng phát hành/xác nhận L/C, về bản chất là cam kết/bảo lãnh thanh toán như đối với thư tín dụng nhập khẩu (bao gồm cả thư tín dụng dự phòng). Trong trường hợp này, ngân hàng cung cấp dịch vụ bảo lãnh thanh toán và được luật pháp coi là hình thức cấp tín dụng (Khoản 14 Điều 4 và Khoản 3 Điều 98 Luật Các TCTD).
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro cho các cam kết này theo quy định. Cho nên, các khoản phí liên quan trực tiếp đến việc phát hành, xác nhận, thông báo L/C để bảo lãnh thanh toán cho khách hàng là phí thu trên hoạt động cấp tín dụng và không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo quy định của Luật thuế GTGT, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế.
Theo Hiệp hội Ngân hàng, việc áp dụng thu thuế GTGT đối với dịch vụ L/C không đúng bản chất của thư tín dụng, đặt vấn đề truy thu thuế, phạt kê khai sai và tiền chậm nộp thuế GTGT đối với các khoản thu liên quan đến thư tín dụng phát sinh từ đầu năm 2011 đến nay sẽ gây tác động xáo trộn lớn, ảnh hưởng xấu tới hoạt động của các ngân hàng thương mại, nhất là trong bối cảnh phải tập trung hỗ trợ chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế không áp dụng thuế giá trị gia tăng với nghiệp vụ phát hành L/C.
Trong khi đó, giới chuyên gia phân tích nhìn nhận sự việc ở góc độ, cơ quan thuế và ngân hàng, đang có sự khác biệt trong cách hiểu và vận dụng các quy định pháp luật.
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico nói, nghiệp vụ phát hành thư tín dụng - mở tài khoản tín dụng cho khách hàng thanh toán với nước ngoài, về hình thức giống một dịch vụ. Theo ông, đó là cam kết của ngân hàng ở Việt Nam với ngân hàng nước ngoài nhằm bảo đảm trách nhiệm của khách hàng tại Việt Nam khi họ tiến hành giao dịch với đối tác nước ngoài.
Vì vậy, ngân hàng luôn đòi hỏi khách hàng phải trả một khoản phí cam kết khi mở thư tín dụng để dự phòng họ có vi phạm hợp đồng với đối tác.