Liên quan đến việc Công an tỉnh Đăk Nông vừa khởi tố ông Trịnh Sướng cùng 22 người khác về hành vi sản xuất và buôn bán xăng dầu giả, ngày 11/6, trao đổi với báo chí nhiều ĐBQH đã đề nghị cần truy vụ việc trên đến cùng.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ rà soát để xem trách nhiệm của các lực lượng quản lý lĩnh vực này đến đâu, từ đó sẽ siết chặt, đảm bảo quản lý hiệu quả hơn nữa mặt hàng này. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, từ đầu năm 2017 đến nay đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Phòng Cảnh sát kinh tế kiểm tra 130 lượt tại các điểm kinh doanh, trong đó có kho xăng của ông Trịnh Sướng nhưng không phát hiện xăng giả. Đại diện Sở Khoa học và công nghệ Sóc Trăng cũng nhận trách nhiệm về việc không phát hiện cơ sở của ông Trịnh Sướng kinh doanh xăng giả. .
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, đây là vụ gian lận thương mại với số lượng lớn, mức độ nghiêm trọng và thời gian kéo dài. Người tiêu dùng phải trả tiền để mua hàng thật, nhưng bị mua phải hàng rởm. Rõ ràng, quyền lợi người tiêu dùng bị vi phạm, nó thể hiện sự quản lý không chặt chẽ của cơ quan chức năng. Ở đây có vai trò của cơ quan quản lý thị trường và chính quyền địa phương tại nơi doanh nghiệp có hành vi gian lận thương mại.
ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nhìn nhận, đối tượng buôn xăng giả như “đại gia” Trịnh Sướng là một loại tội phạm, việc bắt được vụ buôn xăng giả là thắng lợi của cơ quan liên ngành. Để bắt được vụ việc như vậy cơ quan điều tra phải lập chuyên án điều tra, theo dõi đối tượng sát sao hàng năm trời.
Trong khi đó, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, Bộ Công thương chưa làm tròn trách nhiệm trong quản lý, kiểm soát, chống hàng giả, gian lận thương mại. Ông Cường cũng cho rằng, quá trình điều tra mở rộng, cơ quan điều tra sẽ chỉ ra khâu nào có sự bảo kê, lợi ích nhóm, ai cố ý, yếu kém trong năng lực để sự việc vi phạm kéo dài như vậy.