Trong khuôn khổ Tuần lễ khoa học Công nghệ VinFuture 2022, các nhà khoa học thế giới đã hội tụ tại Việt Nam cùng thảo luận về những chủ đề khoa học thiết thực, có thể tạo nên cuộc cách mạng trong cuộc sống của con người.
Ngày 19/12, tại Hà Nội, tọa đàm “Khoa học vì Cuộc sống” đã diễn ra với sự tham gia của các nhà khoa học công nghệ Việt Nam, các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và doanh nhân hàng đầu trong nước và quốc tế.
Chia sẻ về giống lúa tích hợp gen Sub1 cho sản lượng cao hơn 45% so với giống lúa khác và có khả năng chịu ngập vượt trội của GS Pamela C.Ronald - Đại học California, Davis (Mỹ) đã nhận được nhiều sự quan tâm của những người tham dự. Đây là một phát hiện đột phá trong lĩnh vực trồng và thu hoạch lúa của bà và các cộng sự.
Tại Việt Nam, gen Sub1 đã được sử dụng trên nhiều giống lúa, đặc biệt tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, năng suất các giống lúa tích hợp chưa cao như mong muốn. Do đó, trong tương lai, các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, tìm ra các gen mới để tích hợp vào cây trồng để vừa có khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt, vừa cao sản, giữ được hương vị, chất lượng…
Ngoài việc tạo ra những giống lúa có tính trạng tốt, gạo ngon, chống chịu sâu bệnh, ngập úng và năng suất cao, GS Josse De Baerdemaeker, KU Leuven, Bỉ đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ nông nghiệp chính xác. Ông gợi ý ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nông nghiệp, có thể sử dụng cảm biến thu thập dữ liệu từ vệ tinh, thiết bị bay không người lái hay gắn trên đồng ruộng để có dữ liệu chính xác.
Theo GS Josse, mô hình giúp người dân quản lý các dữ liệu về đất, giống cây phù hợp với khí hậu địa phương, có thể đưa ra mô hình hóa theo không gian thời gian để có phương án xử lý trước những khủng hoảng. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đưa ra lời khuyên, Chính phủ cũng cần hoạt động khuyến nông hiệu quả khi có cơ sở dữ liệu ở chính người nông dân ở các tỉnh, thành khác.
Thống kê hàng năm cho thấy, ngành nông nghiệp Việt Nam luôn rất khát nguồn nhân lực chất lượng cao. Cụ thể, hiện ngành vẫn thiếu 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Tuy nhiên, thí sinh có xu hướng lựa chọn các ngành có thu nhập cao như kinh tế để học tập mà ít lựa chọn ngành nông nghiệp. GS Pamela C.Ronald cho rằng, các bạn trẻ có thể theo đuổi các lĩnh vực như di truyền học, nhân giống cây và có cơ hội học lên cao học. Nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp đang phát triển rất nhanh và có rất nhiều cơ hội trên khắp thế giới để nghiên cứu.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, những chủ đề được thảo luận tại tuần lễ khoa học VinFuture càng có ý nghĩa hơn khi nhân loại vừa trải qua một biến cố lớn chưa từng có, dịch Covid-19 làm thay đổi toàn bộ các hoạt động kinh tế, xã hội trên toàn thế giới.
Theo ông Duy, để thúc đẩy kinh tế và giúp người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu đòi hỏi các quốc gia phải có hướng đi mới, giải pháp mới đột phá và chỉ có khoa học công nghệ mới giải quyết được.
GS Pamela C.Ronald khẳng định và cho rằng cần nâng cao vai trò của giáo dục và truyền cảm hứng tới những người trẻ tuổi để giúp họ hiểu rằng, làm nông nghiệp cùng hoàn toàn cũng có thể dẫn tới thành công.